Theo chân "biệt đội bẫy ảnh" thú hoang dã VQG Cát Tiên
(Dân trí) - "Biệt đội bẫy ảnh" vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên thường xuyên tuần tra, giám sát và "săn" các loại thú hoang dã bằng hình ảnh để bảo tồn, phát hiện thêm những loài động vật mới.
Vườn quốc gia Cát Tiên, trải dài trên ba tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai và Bình Phước, với diện tích 719,20km², là nơi cư trú của hàng trăm loài động vật quý hiếm, nhiều loài trong số đó nằm trong sách đỏ và cần được bảo vệ nghiêm ngặt.
Ông Nguyễn Thanh Long, Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm VQG Cát Tiên, cho biết đơn vị này quản lý khoảng 82.000ha rừng với 20 trạm kiểm lâm địa bàn và 1 trạm kiểm lâm cơ động. Mỗi trạm phụ trách khoảng 7ha rừng, với 5-7 cán bộ kiểm lâm.
Trạm kiểm lâm cơ động đóng vai trò kiểm tra lưu động và là nơi "biệt đội bẫy ảnh" hoạt động, phối hợp với Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam để giám sát và phát hiện các loài động vật quý hiếm.
Anh Nguyễn Văn Sang, Phó trạm trưởng Trạm kiểm lâm cơ động, cho biết mỗi nhiệm vụ bẫy ảnh có 4-6 thành viên tham gia, có thể hoạt động độc lập hoặc kết hợp với cán bộ Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam.
Trước mỗi chuyến đi, đội chuẩn bị kỹ lưỡng từ pin, cáp buộc đến kiểm tra máy ảnh và phân công nhiệm vụ cụ thể.
Các nhiệm vụ bẫy ảnh có thể kéo dài từ một ngày đến nhiều ngày, tùy thuộc vào khu vực đặt và kiểm tra bẫy ảnh.
Trước mỗi chuyến đi, các kiểm lâm viên trang bị đầy đủ xà cạp, thuốc chống côn trùng và nước thuốc lào để xua đuổi vắt rừng.
Đội bẫy ảnh phải vượt qua nhiều cánh rừng rậm, đầm lầy và suối hiểm trở để đến khu vực cần đặt bẫy ảnh, đặc biệt khó khăn trong mùa mưa từ tháng 8 đến tháng 10.
Sau khi đến nơi, đội chia nhiệm vụ kiểm tra, lắp đặt thiết bị và khảo sát địa hình để đảm bảo máy ảnh hoạt động hiệu quả.
Bẫy ảnh là thiết bị máy ảnh chuyên dụng, sử dụng cảm biến và đèn hồng ngoại để phát hiện chuyển động của động vật, tự động chụp và lưu hình vào thẻ nhớ.
Máy ảnh được lắp SIM kết nối sóng điện thoại, gửi thông báo và hình ảnh về điện thoại của đội khi có sóng. Nếu không có sóng, hình sẽ lưu vào thẻ nhớ và được kiểm tra định kỳ 3 tháng một lần.
Thiết bị bẫy ảnh được bảo vệ trong hộp sắt chắc chắn, buộc dây cáp cố định vào thân cây, hoạt động ít nhất 3 tháng trước khi cần thay pin và thẻ nhớ.
Sau khi lắp đặt, đội bẫy ảnh kết nối với điện thoại để kiểm tra lại các tính năng hoạt động của máy.
Anh Bùi Văn Trường, cán bộ kiểm lâm, cho biết vị trí đặt bẫy ảnh tùy thuộc vào từng nhiệm vụ và loại thú, từ các trảng cỏ, bờ suối đến các khoảng rừng rậm.
Với thú lớn như nai, bò tót, voi, máy ảnh được đặt cao từ 0,6-0,8 m, còn với thú nhỏ, máy đặt thấp từ 0,2-0,4 m.
Ngoài rừng rậm, bẫy ảnh còn được đặt ở bờ suối, nơi có dấu vết động vật, để ghi lại hình ảnh khi chúng ra uống nước.
Sau một thời gian, máy đã ghi được một chú chồn với hình ảnh rõ nét, thông báo và ảnh lập tức được gửi về điện thoại của đội.
Sau nửa ngày làm việc, đội bẫy ảnh tìm chỗ thoáng mát để nghỉ ngơi và ăn trưa với đồ ăn mang theo từ trạm.
Anh Nguyễn Văn Sang chia sẻ, với nhiệm vụ gần và đường dễ đi, đội thường về trong ngày. Nhưng với nhiệm vụ xa và địa hình hiểm trở, đội sẽ ở lại nhiều ngày, mang theo nhu yếu phẩm và dụng cụ dựng trại qua đêm.
Ngoài nhiệm vụ đặt bẫy ảnh, các cán bộ Trạm kiểm lâm cơ động VQG Cát Tiên còn thực hiện tuần tra, kiểm soát rừng, ngăn chặn lâm tặc và bảo tồn hệ sinh thái đa dạng của VQG Cát Tiên.