Thêm một rắc rối cho Bệnh viện Việt - Pháp
(Dân trí) - Ngày 18/6, báo Dân trí nhận được đơn tường trình và kiến nghị của bà Phạm Hồng Phương, vợ <a href="http://dantri.com.vn/Sukien/2006/5/115036.vip">bệnh nhân Ramio Jean,</a> phản ánh việc nhân viên y tế bệnh viện Việt - Pháp cho chồng mình… uống bia 333 trong khi điều trị viêm loét hành tá tràng và xơ gan.
Sau khi có đơn của bà Phương, ông Philipe Biberson - Tổng Giám đốc Bệnh viện Việt - Pháp, đã trả lời những thắc mắc này.
Bà Phạm Hồng Phương - vợ bệnh nhân Ramio Jean phản ánh: 17h30 ngày 16/6/2006, khi vào thăm chồng, bà bất ngờ thấy nhân viên y tế Bệnh viện Việt - Pháp đang cho chồng mình uống một lon bia 333. Phát hoảng, bà yêu cầu dừng ngay việc cho ông Ramio uống bia, đề nghị mọi người cùng phòng điều trị làm chứng, đồng thời gọi điện ngay cho ông Võ Văn Bản - Phó Tổng Giám đốc bệnh viện.
16h30 ngày hôm sau, 17/6, bà Phương đến viện và lại nhìn thấy một nữ y tá tên Hậu đang cho bệnh nhân Ramio uống bia 333. Bà đã lập tức gọi bảo vệ bệnh viện đến chứng kiến và yêu cầu thu giữ, niêm phong lon bia đã cạn 2/3, còn lạnh nguyên.
Gia đình bà Phương rất bức xúc về việc này vì đã nhiều lần phía bệnh viện phân tích cho họ thực trạng sức khỏe của ông Ramio hiện tại: đang phải cứu chữa các tai biến sau mổ, khâu lỗ thủng dạ dày, tình trạng rất suy sụp. Hơn nữa, bệnh viện cũng cho biết, các tai biến sau mổ này là do ông Ramio bị xơ gan nặng. Bà Phương nói rằng không thể nào hiểu nổi việc bệnh viện cho một bệnh nhân dạ dày và xơ gan uống bia nhằm mục đích gì, có phải để chữa bệnh?
Giải đáp những băn khoăn, nghi hoặc này của gia đình người bệnh, ông Philippe Biberson - Tổng Giám đốc Bệnh viện Việt - Pháp khẳng định: “Đúng là bệnh viện đã cho bệnh nhân uống bia”.
Trong suốt thời gian dài điều trị vừa qua, ông Ramio không tự ăn được, phải ăn bằng ống sonde. Hiện tại, bệnh nhân đã khá hơn rất nhiều và đã có thể nuốt được, tự ăn được một chút. Mỗi khi tỉnh, bệnh nhân thường xuyên đòi uống những đồ uống có cồn. Ban đêm, ông Ramio rất khó ngủ, thường xuyên bị đau và căng thẳng. Vì vậy, các bác sĩ đã phải cho bệnh nhân dùng thuốc để ông ấy có thể ngủ được.
Những loại thuốc đó giúp cho người bệnh ngủ được nhưng lại có những tác dụng phụ lên gan và hệ thần kinh, không tốt cho sức khỏe. Hơn nữa, ông Ramio là một bệnh nhân nhiều tuổi, nhiều bệnh, đặc biệt là chức năng gan kém. Vì vậy việc cho ông Ramio dùng các loại thuốc ảnh hưởng thần kinh là việc buộc phải làm mặc dù chúng có tác động không tốt.
Bệnh nhân Ramio cũng có thời gian hôn mê kéo dài nên bệnh viện đang phải tìm cách hạn chế dùng các loại thuốc đó. Vì thế, bác sĩ điều trị sau khi trao đổi với nhóm điều trị đã quyết định cho người bệnh uống một lượng bia rất nhỏ, uống bằng thìa. Trong hai ngày 16 - 17/6 vừa qua, bệnh nhân đều được dùng một vài thìa và ông ấy tỏ ra rất hài lòng. Việc cho uống bia đã có tác dụng rất tốt với sức khỏe, giấc ngủ và giảm kích thích thần kinh.
“Đấy là toàn bộ sự thật. Khi bà Phương không đồng ý và có phản ứng thì chúng tôi đã lập tức dừng. Hiện tại, khó khăn trong mối quan hệ của chúng tôi với gia đình bệnh nhân rất lớn và không biết làm sao điều chỉnh được. Trong đó, việc khó khăn nhất là tạo được lòng tin của gia đình” - ông Philippe Biberson kết lại vấn đề.
Về lo lắng của bà Phương đối với việc bia có thể gây tác động xấu trong khi bệnh nhân bị xơ gan nặng, ông Biberson cam kết: “Việc cho bệnh nhân uống bia đã được cân nhắc bởi nhóm bác sĩ điều trị. Các bác sĩ đã tính toán cẩn thận, chưa lúc nào bỏ qua yếu tố nguy cơ đối với bệnh gan của bệnh nhân. Họ đã đưa ra quyết định có tính toán và cam kết việc đó không có hại gì”.
Ông Tổng giám đốc bệnh viện còn nhấn mạnh: “Việc bác sĩ cho ông Ramio uống vài giọt bia mang giá trị nhân đạo nhiều hơn là giá trị chữa bệnh, vì nó đem lại sự giải tỏa tinh thần căng thẳng cho bệnh nhân”.
Về tình hình sức khỏe hiện tại của bệnh nhân Ramio, ông Philippe Biberson cho biết: “Bệnh nhân đã khá hơn rất nhiều. Việc điều trị thuốc men với bệnh nhân hiện tại hầu như không còn, mà chỉ còn vấn đề chăm sóc y tế. Nhưng do thời gian hôn mê kéo dài vừa qua, những phần cơ thể tiếp xúc với giường bệnh bị lở loét nhiều, hàng ngày đều phải thay băng, vệ sinh”.
Về triển vọng bình phục của ông Ramio, theo bệnh viện, do bệnh nhân nhiều tuổi, phải phụ thuộc nhiều vào người khác nên sự thật là lúc này bệnh viện vẫn chưa tìm ra được giải pháp nào phù hợp với bệnh nhân này.
Phương Thảo - Trần Đức