1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Đã có 7 bệnh nhân khiếu kiện BV Việt - Pháp lên Bộ Y tế

(Dân trí) - Thanh tra Bộ Y tế vừa cho biết, đến nay Bộ đã nhận được 7 đơn khiếu kiện của bệnh nhân bị tai biến khi chữa bệnh tại BV Việt - Pháp. Gần đây nhất là trường hợp bệnh nhân Hà Văn Trường ở Thanh Hóa với ba lần phẫu thuật nhưng vẫn “tiền mất tật mang”.

Bệnh nhân Hà Văn Trường, sinh năm 1954, đã từng được Bệnh viện K Trung ương chẩn đoán có tế bào K thực quản. Ngày 16/2, ông Trường xin nhập viện và làm phẫu thuật tại Bệnh viện Việt - Pháp vì thủ tục nhanh gọn và được các bác sỹ tại đây tư vấn quá trình điều trị chỉ mất 7-10 ngày, kinh phí chỉ mất từ 2.500 đến 3.000 USD.

 

Tuy nhiên, sau khi ông Trường được phẫu thuật cắt một đoạn thực quản và phần đầu nối với dạ dày, đến nay, bệnh tình của ông không những không lành mà còn có dầu hiệu trầm trọng thêm, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng nếu không có các thiết bị hỗ trợ.

 

Năm ngày sau khi phẫu thuật, ông Trường bắt đầu sốt và phải vào phòng cấp cứu. Sau đó, ông được các bác sỹ Bệnh viện Việt - Pháp phẫu thuật lần thứ 2 vì phát hiện tràn dịch phổi.

 

Cuộc phẫu thuật lần thứ 3 diễn ra vào ngày 7/3 do rò rỉ ống thực quản, các bác sỹ lại phải đặt ống xông thực quản cho bệnh nhân. Kết quả sau 3 lần phẫu thuật thể trạng của ông Trường hoàn toàn suy kiệt, trên người có đến 4 ống xông để hỗ trợ tiêu hóa và bài tiết.

 

Ngày 18/5, ông Hà Văn Thành, em trai bệnh nhân Trường trao đổi với phóng viên Dân trí giọng đầy bức xúc: “Ngày 16/5, Bệnh viện Việt - Pháp đã làm việc với gia đình tôi về chuyên môn ngay tại phòng điều trị của anh tôi. Mặc dù gia đình đã yêu cầu lùi thời gian làm việc vào cuối buổi chiều và ở một phòng khác để tránh ảnh hưởng đến bệnh nhân nhưng bệnh viện không chấp nhận. Chúng tôi rất bức xúc vì đáng lẽ ra anh tôi đã được ra viện từ lâu rồi nhưng đến nay vẫn đang phải nằm trên giường”.

 

Ông Thành cho biết, nội dung chính của cuộc trao đổi là bệnh viện đề nghị gia đình không nên làm rùm beng vụ việc của ông Trường. Tuy nhiên họ không hề đề cập đến phương pháp điều trị cụ thể nào và cũng không nhắc đến trách nhiệm của bệnh viện đối với tình trạng sức khỏe của ông Trường hiện tại.

 

Theo mô tả của ông Thành, người được thăm nom bệnh nhân Trường nhiều nhất, cứ mỗi lần bệnh nhân khỏe lên đôi chút, bệnh viện thử rút một số máy hỗ trợ ra như ống xông hút dịch ở phổi, thực quản… thì ông Trường lại lên cơn sốt và khó thở. Ông Thành đã chất vấn bệnh viện nhưng họ chỉ trả lời là phải trông chờ vào thể trạng của ông Trường mà thôi.

 

Anh Vũ Quang, cháu ruột bệnh nhân Trường, cũng có đơn trình bày: gia đình không hiểu tại sao trong khi tình trạng bệnh nhân đang rất yếu nhưng Bệnh viện Việt - Pháp lại liên tục đưa ra đề nghị cho bệnh nhân chuyển viện. Thậm chí, Bệnh viện Việt - Pháp còn ghi sẵn thư chuyển đến Bệnh viện tỉnh Thanh Hóa đề nghị tiếp nhận bệnh nhân Trường.

Anh Quang cho biết, trước đây gia đình rất tin tưởng vào khả năng chữa trị của bệnh viện. Thế nhưng, khi Bệnh viện Việt - Pháp liên tục yêu cầu phải chuyển bệnh nhân đến viện khác thì chúng tôi rất bất bình và nghi ngờ về những bất thường xảy ra đối với bệnh nhân sau ca phẫu thuật.

 

Sau rất nhiều sự cố liên tiếp xảy ra với Bệnh viện Việt - Pháp thời gian gần đây, không chỉ gia đình bệnh nhân Trường nghi ngờ mà dư luận và cơ quan chức năng cũng đang đặt câu hỏi về trình độ chuyên môn và chất lượng dịch vụ tại bệnh viện này.

 

Được biết ngày 18/5, Bộ Y tế đã có ý kiến về việc thành lập đoàn thanh tra để tiến hành thanh, kiểm tra toàn diện Bệnh viện Việt - Pháp, sau khi nhận được nhiều khiếu kiện của bệnh nhân. Các vấn đề được thanh kiểm tra là: Giá viện phí, trình độ chuyên môn, phạm vi hành nghề, giấy phép lao động của các bác sĩ...

 

Đoàn thanh tra sẽ có sự tham gia của nhiều cơ quan chức năng của các Bộ và TP Hà Nội.

 

Xuân Phương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm