(Dân trí) - "Tôi muốn nói rằng, thành phố đã làm hết sức trong đại dịch Covid-19 vừa qua, nhưng làm nhiều bao nhiêu cũng chưa đủ", ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, chia sẻ về đợt dịch Covid-19 lớn nhất.
(Dân trí) - "Tôi muốn nói rằng, chúng ta đã làm hết sức trong đại dịch Covid-19 vừa qua, nhưng làm nhiều bao nhiêu chắc cũng chưa đủ, mong bà con hiểu và chia sẻ. Tôi thành tâm chia buồn với các gia đình, thân nhân người không may qua đời do Covid-19.
Chúng ta đã cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch, sẽ cùng nhau tiếp tục xây dựng, phát triển thành phố trong giai đoạn mới", Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi gửi lời thăm hỏi, động viên đến thân nhân người qua đời vì đại dịch, một năm sau ngày thành phố có những ca tử vong đầu tiên do Covid-19.
***
Một năm nhìn lại, đô thị sôi động nhất cả nước đang dần lấy lại sức sống, nhưng ký ức về khoảng thời gian căng thẳng cùng chung tay ứng phó với đại dịch sẽ còn mãi trong những câu chuyện được nhắc tới sau này.
Phóng viên Báo điện tử Dân trí đã có buổi phỏng vấn ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, về dấu mốc này. Xuyên suốt cuộc trao đổi, người đứng đầu chính quyền thành phố nhiều lần bày tỏ sự xúc động trước tinh thần, ý chí và sự chung tay từ tuyến đầu chống dịch, người dân, doanh nghiệp, các cấp chính quyền trong giai đoạn khó khăn nhất.
Những dấu hiệu về đợt bùng phát dịch Covid-19 lớn nhất từ trước đến nay đã manh nha xuất hiện hồi đầu tháng 6/2021. Đâu là khó khăn lớn, đầu tiên thành phố nhận diện được thời điểm đó, thưa ông?
- Thời điểm ngày 26/5/2021, thành phố phát hiện 3 trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên trong đợt bùng phát dịch tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Đến ngày 31/5/2021, số ca mắc Covid-19 trên toàn địa bàn ghi nhận được đã lên con số 133 trường hợp, trong đó có 55 người là thành viên một điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo. Dịch Covid-19 xuất hiện ở 20/22 quận, huyện, thành phố Thủ Đức.
Theo tôi, khó khăn đầu tiên là thành phố phải quyết định áp dụng thực hiện biện pháp giãn cách xã hội toàn địa bàn theo Chỉ thị 15 trong 15 ngày kể từ 0h ngày 31/5/2021. Riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) cần áp dụng theo Chỉ thị 16.
Về năng lực, thời điểm ấy, TPHCM cũng bắt đầu nhận ra những bất cập trong truy vết, xét nghiệm tầm soát khi số ca mắc Covid-19 mới ngày càng nhiều, tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2 là quá nhanh.
Khi phát hiện một ca mắc bệnh từ bệnh viện, có lẽ, nhiều trường hợp khác đã xuất hiện, nhưng không có triệu chứng. Các ca nhiễm đã âm thầm lây lan mầm bệnh sang những người tiếp xúc khác, ngày càng thâm nhập sâu trong cộng đồng.
Những khó khăn, lúng túng nhất định là điều thành phố gặp phải khi chưa có kinh nghiệm truy vết, xét nghiệm tầm soát và cách ly. Đặc biệt trong bối cảnh, sự hiểu biết của chúng ta về virus SARS-CoV-2 còn rất hạn chế.
- Đối với ông và ban lãnh đạo UBND TPHCM, quyết định nào được đưa ra là khó khăn, cần trăn trở, cân nhắc nhiều nhất trong những ngày ấy?
Với một thành phố trên 10 triệu dân, có vai trò quan trọng đối với cả nước, mọi quyết định được đưa ra đều không là nhỏ và cần cân nhắc rất kỹ lưỡng. Nhưng, khó khăn, trăn trở nhiều nhất là những quyết định "đóng" và "mở" thành phố.
Khi áp dụng hay tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội, chúng tôi rất trăn trở, cân nhắc, thận trọng vì từng quyết định sẽ ảnh hưởng đến đời sống của hàng chục triệu người, là sự phát triển của thành phố và cả nước.
Tuy nhiên, quyết định nâng cấp độ giãn cách xã hội, "ai ở đâu ở yên đó", từ ngày 23/8/2021 có lẽ là quyết định khó khăn nhất được đưa ra. Chúng tôi đã bàn bạc nhiều lần, thâu đêm trước khi báo cáo, xin ý kiến Trung ương. Rất may, từ "đợt giãn cách cao điểm" này, dịch Covid-19 trên địa bàn đã được ngăn chặn và kiểm soát dần đến khi được cải thiện hoàn toàn.
Đóng đã khó, nhưng mở cũng không hề dễ dàng. Sau 2 tuần thực hiện "ai ở đâu ở yên đó", với tác động tích lũy sau 3 tháng giãn cách xã hội ở những cấp độ khác nhau, nhiều ý kiến đề nghị "mở cửa thành phố" đã xuất hiện, áp lực này ngày càng lớn. Trên thực tế, từ cuối tháng 8, bên cạnh sự nỗ lực phòng, chống dịch, TPHCM đã tích cực chuẩn bị các phương án mở cửa và phục hồi kinh tế - xã hội.
Lúc đầu, thành phố dự tính mở lại các hoạt động từ ngày 15/9/2021 theo các mục tiêu của Nghị quyết 86/CP. Nhưng cuối cùng, việc mở cửa bắt đầu từ ngày 1/10/2021, đó cũng là quyết định rất khó khăn.
Những hạn chế về điều kiện nào khi đó khiến các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại TPHCM chưa phát huy được hiệu quả như mong đợi?
- Như đã nói, biến chủng Delta lây lan rất nhanh, khi phát hiện ca dương tính đã có nhiều ca nhiễm không triệu chứng trong cộng đồng. Số ca mắc mới tăng theo cấp số nhân nên dịch Covid-19 âm thầm thâm nhập sâu, các giải pháp truy vết rồi cách ly, xét nghiệm không theo kịp tốc độ lây lan của virus.
Những khó khăn của thành phố đến từ hạn chế nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và kinh nghiệm ứng phó với chủng Delta giai đoạn đầu. Đa số người dân khi đó chưa được tiêm vaccine, đặc biệt nhóm người cao tuối, người có bệnh nền, khi nhiễm sẽ chuyển biến nặng và tỷ lệ tử vong cao. Thuốc điều trị Covid-19 lúc này cũng chưa nhiều.
Ngoài ra, TPHCM là một siêu đô thị, có những nơi mật độ dân cư rất đông. Do vậy, các biện pháp phòng, chống lây nhiễm, biện pháp 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế) có phần kém hiệu quả trên thực tế.
Trong thời điểm nâng cấp độ giãn cách xã hội "ai ở đâu ở yên đó" từ ngày 23/8/2021, địa phương đã tính toán, cân nhắc ra sao giữa hiệu quả phòng, chống dịch bệnh và tác động đến nền kinh tế, đời sống người dân?
- Đây là vấn đề được cân nhắc và bàn thảo nhiều lần. Chúng tôi cũng đã nghĩ nhiều về những bất tiện, tác động tiêu cực đến sinh hoạt, đời sống người dân. Đối với hiệu quả phòng, chống dịch, thời điểm đó, chúng ta chỉ có thể đưa ra dự đoán là tình hình sẽ tốt hơn.
Với đặc điểm nổi bật là lây lan nhanh của chủng Delta, việc ngăn chặn nguồn lây bằng biện pháp giãn cách xã hội, hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa người với người là cần thiết. Cùng với đó, thành phố cũng có điều chỉnh trong công tác cách ly, tăng cường nguồn lực, biện pháp điều trị nên dịch bệnh từng bước được kiểm soát, cải thiện theo chiều hướng tốt hơn.
Về tác động kinh tế, giai đoạn này, thành phố ưu tiên mục tiêu chăm sóc sức khỏe, bảo vệ tính mạng người dân trên hết, trước hết nên chấp nhận những tổn thất kinh tế trước mắt.
Việc áp dụng giãn cách xã hội thời gian dài, đáp ứng nhu cầu tối thiểu của tất cả người dân là vấn đề khó được đặt ra. Thành phố đã giải quyết vấn đề đó thế nào?
- Để giảm tới mức tối thiểu tác động tiêu cực của các biện pháp giãn cách xã hội đối với đời sống người dân, thành phố đã cố gắng đảm bảo cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và thường xuyên điều chỉnh các giải pháp nhằm tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, việc di chuyển của lực lượng chống dịch. Trong đó, việc cung ứng hàng, phát huy các chuỗi cung ứng vốn có trên địa bàn được tập trung đẩy mạnh trong thời điểm giãn cách xã hội tăng cường.
Tôi còn nhớ, lúc đó TPHCM đã phát động cuộc vận động "Lấy sức dân chăm lo cho dân". Cuộc vận động nhận được sự hưởng ứng, phát huy tốt từ người dân, doanh nghiệp trên toàn địa bàn. Một lần nữa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, những nét đặc trưng của thành phố văn minh - hiện đại - nghĩa tình một lần nữa tỏa sáng ngay trong những ngày căng thẳng ứng phó với dịch Covid-19.
Cũng cần nói thêm, sự tự điều chỉnh và thích ứng của người dân thời điểm này rất quan trọng. Có thể nói, sự chia sẻ, đồng cam, cộng khổ của người dân là rất lớn để giúp thành phố vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.
Ngoài ra, thành phố cũng phối hợp và nhận được sự hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của các bộ, ngành Trung ương. MTTQ Việt Nam TPHCM cũng làm tốt vai trò đầu mối tiếp nhận, phân phối hàng hóa hỗ trợ từ các tỉnh, thành bạn và nước ngoài.
Hình ảnh, thông tin nào về người dân tại thành phố và cả nước để lại cho ông nhiều cảm xúc nhất trong quãng thời gian diễn ra đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4?
- Thời điểm khó khăn nhất cũng là lúc thành phố nhận được nhiều nhất sự quan tâm, sẻ chia, giúp đỡ từ Trung ương, bạn bè quốc tế và các địa phương với tinh thần cả nước vì TPHCM. Một lần nữa, tôi xin trân trọng tri ân các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã vì thành phố, cùng thành phố vượt qua giai đoạn khó khăn vừa qua.
Chúng tôi không thể nào quên lời thăm hỏi, động viên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Quốc hội và Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều chính sách, cơ chế, biện pháp giúp TPHCM chống dịch đạt hiệu quả.
Có rất nhiều hình ảnh khiến chúng tôi xúc động khi nhớ lại những ngày tháng ấy. Hình ảnh hàng chục nghìn cán bộ y tế, lực lượng vũ trang từ Trung ương và các tỉnh thành bạn lên đường đến tâm dịch TPHCM trong giai đoạn cam go nhất đã tăng thêm nhân lực và sức mạnh tinh thần cho công tác phòng, chống dịch của địa phương.
Hàng nghìn tấn hàng hóa, vật tư, trang thiết bị y tế được bạn bè quốc tế, các doanh nghiệp và bà con khắp mọi miền đất nước gửi đến thành phố không hợp đồng, không ngã giá. Chúng tôi cũng từng thấy hình ảnh nhiều bà con từ các nơi thu hoạch từng trái bí, con gà, các chị em phụ nữ thức thâu đêm để may khẩu trang, các em nhỏ làm tấm chắn giọt bắn gửi về thành phố. Thời điểm ấy, người dân trên cả nước đều hướng về TPHCM, với mong muốn địa phương sớm vượt qua đại dịch.
Đối với người dân trên địa bàn, chúng tôi cảm nhận sâu sắc và rất xúc động trước sự đoàn kết, đùm bọc của bà con.
Có lẽ, chúng ta không thể kể hết bằng lời nói những gì người dân thành phố đã làm, đã sống với nhau trong giai đoạn khó khăn đó. Hình ảnh những y, bác sĩ, cán bộ y tế, lực lượng vũ trang, các tôn giáo, cộng đồng doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức bất kể ngày đêm, không ngại gian khổ, hiểm nguy lao vào vùng dịch sẽ còn mãi trong tâm trí mỗi người dân thành phố mang tên Bác.
Thời điểm đó, cả hệ thống chính trị, bà con nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp đã thể hiện tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết giúp đỡ nhau. Các ngành, các giới đều vào cuộc, trẻ cũng như già, người có công góp công, có của góp của. Các chức sắc, tín đồ tôn giáo, các đội nhóm tình nguyện, có cả những người từng nhiễm Covid-19 cũng xung phong lên tuyến đầu chống dịch.
Đi qua những ngày tháng căng thẳng, hình ảnh của các đoàn y tế từ TPHCM đến tăng cường, hỗ trợ các địa phương khác chống dịch cũng là một hình ảnh rất đẹp. Điều này một lần nữa thể hiện truyền thống nhân ái, nghĩa tình của thành phố.
Nhìn lại những ngày căng thẳng đã đi qua, theo ông những vấn đề gì thành phố có thể làm tốt hơn hoặc lựa chọn phương án khác?
- TPHCM đã sơ kết, rút ra những kinh nghiệm, bài học trong phòng, chống dịch Covid-19 và các tình huống tương tự. Theo tôi, tại thời điểm này, chúng ta không nên nói lại "lúc đó nên hay không nên làm việc này, việc kia". Thành phố đã cân nhắc và làm hết sức có thể tại thời điểm đó.
Điều quan trọng hơn là TPHCM cần chủ động xây dựng kịch bản ứng phó với những tình huống tương tự, với những tình huống cụ thể. Trong đó, toàn địa bàn cần chuẩn bị, đầu tư về nhân lực, cơ sở vật chất và những điều kiện khác để sẵn sàng ứng phó với những tình huống bất trắc như vừa qua.
Hiện tại, thành phố đang trong quãng thời gian mới, thời gian mà các hoạt động xã hội và kinh tế đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch. Theo ông, đâu là lý do then chốt để thành phố đạt được thành quả này?
- Kết quả thành phố có được hôm nay hội tụ từ rất nhiều nỗ lực. Cụ thể, việc kiểm soát dịch Covid-19, tạo đà phục hồi, phát triển kinh tế đến từ định hướng, biện pháp phòng, chống dịch của Trung ương, sự hỗ trợ, giúp đỡ chí tình của cả nước và bạn bè quốc tế, đặc biệt là sự chung sức, đồng lòng, chấp nhận hy sinh, gian khổ của người dân TPHCM.
Về phương diện y tế, những kết quả khả quan về tình hình dịch Covid-19 đến từ việc bao phủ vaccine, thuốc điều trị Covid-19, những mô hình, quy trình điều trị Covid-19 của ngành y ngày càng hợp lý hơn. Thành phố cũng luôn chủ động, sáng tạo, thích ứng phù hợp với tình hình, kịp thời nhận diện vấn đề, tìm giải pháp không chỉ trong phòng, chống dịch và cả phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Ông có thể chia sẻ về những dự định, mục tiêu, thách thức và cơ hội của thành phố hiện tại trên tiến trình phục hồi và phát triển kinh tế?
-Hiện nay, thành phố đang triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với 12 chiến lược thành phần. Trong chương trình ấy, thành phố tập trung vào nhiều nội dung, vấn đề nhận diện được qua quá trình ứng phó với đại dịch như chiến lược y tế, tập trung nâng cao năng lực y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe tinh thần hậu Covid-19, nhà ở xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, lao động, việc làm.
Về khía cạnh kinh tế, thành phố đã có chương trình phục hồi, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong năm 2022, kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn 2023-2025 gắn với tái cơ cấu một số ngành kinh tế.
Với những nỗ lực và thành quả đạt được, TPHCM hy vọng sẽ đạt mục tiêu phục hồi bằng mức tăng trưởng trước dịch vào cuối năm nay. Từ sự phục hồi ấy, thành phố sẽ có đà phát triển trong những năm sau và tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước.
Cuối cùng, tôi muốn nói rằng, thành phố đã làm hết sức mình trong đại dịch vừa qua, nhưng làm nhiều bao nhiêu cũng chưa đủ. Đây là điều chúng tôi mong bà con hiểu và chia sẻ.
Tôi thành tâm chia buồn với các gia đình, thân nhân người không may qua đời do Covid-19. Chúng ta đã cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch, sẽ cùng nhau tiếp tục xây dựng, phát triển TPHCM trong giai đoạn mới, một thành phố văn minh - hiện đại - nghĩa tình, có chất lượng sống tốt.
LỜI TÒA SOẠN:
Trong gần nửa năm (từ tháng 6 đến tháng 11/2021), đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng hơn 17.000 người dân sinh sống TPHCM, khiến 2.000 trẻ em mồ côi, hàng chục nghìn hộ gia đình chịu cảnh mất đi người thân thuộc…Nhưng những con số ấy chỉ diễn tả được một phần về sự tàn khốc mà dịch Covid-19 gây ra cho thành phố đông dân nhất cả nước.
Sau 1 năm gồng mình chống đợt dịch lớn nhất, lần đầu tiên từ sau ngày thống nhất đất nước, nền kinh tế của thành phố mang tên Bác tăng trưởng âm, tạo ra những làn sóng thất nghiệp, những dòng người "tháo chạy" khỏi nơi họ từng lựa chọn để gắn bó, sinh sống, lập nghiệp. Vết cứa sâu do đại dịch chưa từng có tiền lệ gây ra khiến TPHCM chắc chắn đã và sẽ mất thêm nhiều thời gian để chữa lành.
Cũng trong cuộc chiến khốc liệt ấy, bất kỳ ai cũng không thể cầm lòng trước hình ảnh những giao dịch triệu đô mỗi ngày của Sài Gòn hoa lệ, được thay bằng những bữa cơm nghĩa tình, phiên chợ không đồng. Chúng ta cũng không thể quên hàng triệu "người hùng không tên" từ mọi miền Tổ quốc về miền Nam để chia lửa, cứu trợ, sẵn sàng hy sinh vì 2 chữ: "ĐỒNG BÀO".
Khoảng thời gian đau thương do Covid-19 đã qua đi, nhưng những câu chuyện, ký ức về nỗi đau và tình người vẫn còn mãi. Khi vết thương do đại dịch dần nguôi ngoai, cũng là lúc chúng ta - những người ở lại - cùng nhau nhớ về những ngày TPHCM trọng thương.
Một năm sau đại dịch Covid-19 hoành hành, Báo điện tử Dân trí xin được giới thiệu với Quý độc giả tuyến bài "MỘT NĂM NHÌN LẠI KÝ ỨC ĐẠI DỊCH COVID-19".
Chúng tôi xin được kể lại những câu chuyện về sự mất mát, bi thương, nhưng chứa đầy hy vọng và ẩn sâu trong đó là tình người vẫn luôn hiện hữu.
Quý độc giả có thể đọc thêm các bài đã khởi đăng trong tuyến bài "MỘT NĂM NHÌN LẠI KÝ ỨC ĐẠI DỊCH COVID-19".
Bài 1: Ám ảnh lời kêu cứu "giúp anh sống" của chồng trước khi qua đời vì Covid-19
Bài 2: Cơn "bão ngầm" trong lòng thế hệ mồ côi do Covid-19
Bài 3: Bác sĩ cứu sống hàng trăm F0 bất lực nhìn cha mẹ qua đời vì Covid-19
Bài 4: Một năm sau cuộc "tháo chạy" chưa từng có ở TPHCM
Nội dung: Quang Huy
Ảnh: Hữu Khoa
Thiết kế: Tuấn Huy