Thành lập thanh tra Tổng cục, Cục không làm tăng biên chế
(Dân trí) - Luật Thanh tra (sửa đổi) được Quốc hội thông qua sáng 14/11 quy định, việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục không được làm tăng số lượng đầu mối đơn vị trực thuộc và biên chế.
Không được làm tăng đầu mối đơn vị trực thuộc và biên chế
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Điều 18 quy định về việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ; thành lập cơ quan thanh tra tại các đơn vị ngành dọc thuộc Tổng cục ở địa phương.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, theo quy định của Luật Thanh tra hiện hành thì tại các Tổng cục, Cục thuộc Bộ không thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành độc lập, nhưng để đáp ứng yêu cầu quản lý thì Luật Thanh tra cho phép Chính phủ xem xét giao một số cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.
Trên thực tế, tại các cơ quan này đã thành lập các đơn vị có nhiệm vụ tham mưu và làm công tác thanh tra, với đội ngũ công chức vừa thực hiện nhiệm vụ thanh tra, vừa đồng thời đảm nhiệm các nhiệm vụ chuyên môn khác.
Tổng kết thi hành luật cho thấy, ở một số nơi, tổ chức và hoạt động thanh tra chuyên ngành như trên đã bộc lộ bất cập, hạn chế. Bên cạnh đó, một số luật được ban hành sau Luật Thanh tra năm 2010 đã quy định thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ. Do đó, trong dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), Chính phủ đã đề nghị thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ để có cơ sở sắp xếp, kiện toàn một bước tổ chức bộ máy làm công tác thanh tra chuyên ngành theo hướng tăng cường tính chuyên nghiệp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Việc thành lập cơ quan thanh tra tại Tổng cục, Cục được thực hiện trên cơ sở sắp xếp lại các đơn vị và đội ngũ công chức hiện có đang làm nhiệm vụ thanh tra nên không làm phát sinh tăng tổng số đơn vị trực thuộc và biên chế của các Tổng cục, Cục, bảo đảm phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW là "Việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy không được tăng thêm đầu mối và biên chế".
"Đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về các tiêu chí, điều kiện thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ như tại khoản 2 Điều 18; đồng thời, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, tại khoản này đã bổ sung quy định "việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục không được làm tăng số lượng đầu mối đơn vị trực thuộc và biên chế của Tổng cục, Cục thuộc Bộ" để bảo đảm chặt chẽ. Căn cứ quy định của luật và yêu cầu thực tiễn, Chính phủ sẽ xem xét, quyết định việc thành lập cơ quan thanh tra tại các Tổng cục, Cục cụ thể", ông Hoàng Thanh Tùng cho hay.
Ngoài ra, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, trên cơ sở ý kiến của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không quy định thành lập cơ quan thanh tra tại Cục thuộc Tổng cục được tổ chức theo ngành dọc ở địa phương để tránh xáo trộn lớn về tổ chức bộ máy, biên chế, tăng chi phí, ảnh hưởng đến hoạt động. Để đáp ứng yêu cầu quản lý, Chính phủ xem xét, giao các cơ quan này thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.
Về Thanh tra sở, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội giao quyền chủ động cho UBND cấp tỉnh quyết định thành lập căn cứ vào yêu cầu quản lý nhà nước ở địa phương và biên chế được giao, trừ một số trường hợp đặc thù do luật định và theo quy định của Chính phủ.
"Quy định như vậy bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong thực hiện quản lý nhà nước trên địa bàn", ông Tùng nói.
Khắc phục việc chậm trễ ban hành kết luận Thanh tra
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc chậm trễ, ban hành kết luận thanh tra không kịp thời là một trong các tồn tại, hạn chế đã được chỉ rõ qua tổng kết thi hành Luật Thanh tra năm 2010. Nguyên nhân một phần do Luật Thanh tra chưa quy định đầy đủ, chặt chẽ, nhưng chủ yếu do khâu tổ chức thực hiện luật chưa nghiêm.
Thời gian qua, Thanh tra Chính phủ đã chủ động thực hiện một số giải pháp nhằm chấn chỉnh, khắc phục tình trạng này. Đến nay, trong tổng số 15 cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ tiến hành chậm ban hành kết luận thanh tra, cơ quan này đã ban hành 7 kết luận thanh tra; đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ 6 dự thảo kết luận thanh tra; còn 2 cuộc thanh tra đã cơ bản kết thúc, đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo kết luận để ban hành (dự kiến trong tháng 11/2022).
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo luật đã được rà soát, quy định cụ thể, rành mạch về thẩm quyền, quy trình, thời hạn các bước báo cáo kết quả thanh tra, xây dựng, ban hành, công khai kết luận thanh tra (Điều 73 - Điều 79); xác định rõ trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được dự thảo kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra phải ký ban hành kết luận thanh tra. Đồng thời, bổ sung quy định thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra để bảo đảm việc ban hành kết luận thanh tra đúng thời hạn quy định (khoản 1 Điều 78).
Ngoài ra, điều 47 đã quy định rất rõ về thời hạn thanh tra. Cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ tiến hành không quá 60 ngày; trường hợp phức tạp thì có thể gia hạn một lần không quá 30 ngày; trường hợp đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn lần thứ hai không quá 30 ngày.
Cuộc thanh tra do Thanh tra Bộ, Thanh tra Tổng cục, Cục, Thanh tra tỉnh tiến hành không quá 45 ngày; trường hợp phức tạp thì có thể gia hạn một lần không quá 30 ngày.
Cuộc thanh tra do Thanh tra sở, Thanh tra huyện tiến hành không quá 30 ngày; trường hợp phức tạp hoặc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì có thể gia hạn một lần không quá 15 ngày.
Trường hợp phức tạp được gia hạn thời hạn thanh tra bao gồm: Phải thực hiện trưng cầu giám định hoặc phải xác minh, làm rõ vụ việc có yếu tố nước ngoài thuộc nội dung, phạm vi tiến hành thanh tra; cần xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan không hợp tác, cản trở, chống đối, gây khó khăn cho hoạt động thanh tra.
Luật Thanh tra (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023
Chưa phân quyền ký kết luận cho trưởng đoàn thanh tra
Ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, có ý kiến đề nghị phân quyền ký kết luận thanh tra cho trưởng đoàn thanh tra; giao quyền xem xét, quyết định kỷ luật đối với tổ chức, cá nhân vi phạm cho cơ quan thanh tra.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, đây là những vấn đề đã được cơ quan soạn thảo nghiên cứu trong quá trình soạn thảo dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) nhằm cải cách mạnh mẽ tổ chức và hoạt động thanh tra.
Tuy nhiên, qua thảo luận và lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan, nhiều ý kiến chưa ủng hộ các đề xuất này vì cho rằng không khả thi, không phù hợp với nguyên tắc tổ chức và vận hành cũng như thực tiễn hoạt động của bộ máy nhà nước ta hiện nay.
"Do đây là những vấn đề mới, không được Chính phủ trình, chưa có đánh giá tác động, đồng thời liên quan tới quy định của nhiều luật khác như Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Cán bộ, công chức…, vì vậy đề nghị Quốc hội cho phép chưa quy định những nội dung này trong dự thảo luật và giao Chính phủ tổ chức nghiên cứu, đề xuất vào thời điểm thích hợp", ông Tùng cho hay.