Công dân có thể dự thính các phiên họp Quốc hội
(Dân trí) - Công dân có thể dự thính các phiên họp công khai của Quốc hội. Tổng Thư ký Quốc hội tổ chức việc công dân dự thính.
Sáng 15/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội với 466/468 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 93,57%)
Nghị quyết nêu rõ, kỳ họp Quốc hội có thể được tổ chức liên tục hoặc theo hai hay nhiều đợt. Quốc hội họp thường lệ mỗi năm hai kỳ. Trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu thì Quốc hội họp bất thường để thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn, trừ nội dung định kỳ trình Quốc hội theo quy định của pháp luật.
Nội quy kỳ họp Quốc hội yêu cầu đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tham gia đầy đủ các kỳ họp, phiên họp, tập trung nghiên cứu, tham gia thảo luận, góp ý kiến vào các nội dung của kỳ họp Quốc hội và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội.
Trường hợp không thể tham dự kỳ họp, phiên họp theo chương trình kỳ họp, đại biểu Quốc hội có trách nhiệm báo cáo Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội để thông báo đến Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp báo cáo Chủ tịch Quốc hội.
Đáng chú ý, công dân có thể được dự thính các phiên họp công khai của Quốc hội. Tổng Thư ký Quốc hội tổ chức việc này.
Ngoài ra, nghị quyết nêu rõ, tài liệu chính thức của kỳ họp được lưu hành bằng hình thức văn bản điện tử, trường hợp thuộc bí mật nhà nước thì lưu hành bằng văn bản giấy.
Phiên khai mạc, phiên bế mạc kỳ họp Quốc hội, phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, Lễ tuyên thệ được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và Truyền hình Quốc hội Việt Nam.
Các phiên họp khác của Quốc hội được phát thanh, truyền hình trực tiếp theo quyết định của Quốc hội được ghi trong chương trình kỳ họp Quốc hội.
Phiên họp của kỳ họp Quốc hội sẽ họp trực tiếp. Căn cứ tình hình thực tiễn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc tổ chức kỳ họp Quốc hội theo hình thức họp trực tuyến hoặc kết hợp giữa họp trực tiếp và trực tuyến. Các phiên họp kín, phiên biểu quyết bằng bỏ phiếu kín phải được tiến hành theo hình thức họp trực tiếp.
Nghị quyết sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 15/3/2023.
Thời gian phát biểu của đại biểu Quốc hội
Trước khi Quốc hội thông qua, ông Hoàng Thanh Tùng - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết.
Theo ông Tùng, có ý kiến cho rằng thời gian phát biểu 7 phút của đại biểu Quốc hội là ngắn; ý kiến khác đề nghị giảm thời gian phát biểu của đại biểu. Có ý kiến đề nghị tăng thời gian giải trình của cơ quan trình đối với lĩnh vực, nội dung quan trọng, nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau.
Giải trình việc này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng quy định về thời gian phát biểu, tranh luận của đại biểu Quốc hội được kế thừa quy định của nội quy kỳ họp Quốc hội hiện hành và nội quy hóa những giải pháp đổi mới có hiệu quả trong thời gian qua nhằm tạo điều kiện cho đại biểu Quốc hội chủ động trong việc chuẩn bị nội dung và trình bày được đầy đủ ý kiến.
Dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội cũng không quy định giới hạn phát biểu lần hai trong thời gian kéo dài phiên họp nên đại biểu có thể thực hiện quyền của mình nếu còn thời gian.
Về thời gian giải trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy quy định thời gian giải trình là 10 phút của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trình, cơ quan chủ trì thẩm tra là phù hợp để các chủ thể này phải trình bày thật cô đọng, súc tích, đồng thời bảo đảm dành nhiều thời gian hơn cho đại biểu Quốc hội thảo luận, tranh luận.
Nội quy kỳ họp vừa được thông qua cũng đã bổ sung quy định Chủ tịch Quốc hội hoặc Phó Chủ tịch Quốc hội được phân công điều hành phiên họp có thể quyết định kéo dài thời gian mỗi lần giải trình của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trình, cơ quan chủ trì thẩm tra không quá 15 phút khi nội dung thảo luận hoặc giải trình có nhiều vấn đề phức tạp, chuyên môn sâu để bảo đảm linh hoạt, phù hợp với thực tiễn.