"Đất đai là tài sản chung toàn dân nên phải đảm bảo công bằng"
(Dân trí) - Giải đáp thắc mắc của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định: "Đất đai là tài sản chung của toàn dân nên phải đảm bảo công bằng cho toàn dân".
Cuối buổi thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) chiều qua 14/11, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã giải đáp một số thắc mắc, băn khoăn của đại biểu Quốc hội.
Ngoài 45 đại biểu đã có ý kiến góp ý cụ thể tại hội trường, ông Trần Hồng Hà cho biết đã nhận được 228 ý kiến của 218 đại biểu góp ý qua thảo luận tại tổ.
"Tất cả các ý kiến đã được ghi âm, ghi chép và cá nhân tôi đã ghi rất rõ những vấn đề góp ý. Chúng tôi xin tiếp thu đầy đủ để hoàn thiện dự thảo luật", ông Hà nói.
Về tài chính đất đai, Bộ trưởng Hà khẳng định đây là vấn đề hết sức quan trọng, công cụ mà Nhà nước thực hiện quyền quản lý và quyền đại diện cho chủ sở hữu toàn dân về đất đai. Trong đó có việc phân bổ lại nguồn lực đất đai, phát huy giá trị đất đai và đưa nguồn lực này vào phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết hài hòa các mối quan hệ.
"Có thể khẳng định vấn đề định giá là vấn đề hết sức then chốt của mọi vấn đề. Chúng ta đang băn khoăn là có 5 phương pháp, tại sao giá vẫn sai? Thực tế mà nói là chúng ta đã có đầu vào không đúng", ông Hà nhấn mạnh.
Theo ông, các phương pháp đều phải lấy dữ liệu, dữ liệu đó là đầu vào - đó là giá cả, thông tin về bất động sản và các thông tin khác.
"Hướng sắp tới chúng ta làm là gì? Vẫn kết hợp 5 phương pháp, nhưng về lâu dài là một phương pháp trên cơ sở thu thập đầy đủ cơ sở dữ liệu về giá đất và nhà nước thực hiện vấn đề giao đất, tức là thị trường sơ cấp, phải theo thị trường, tức là đấu thầu, đấu giá là cơ bản. Khi có đầy đủ giá theo thị trường thì chúng ta hoàn toàn dùng phương pháp toán học để xử lý về phương pháp thống kê… Từ giá đất này, chúng ta sẽ thực hiện rất nhiều công việc để đảm bảo ổn định trong vấn đề trách nhiệm đóng góp về mặt tài chính của người sử dụng đất cũng như sẽ tính được giá đất cụ thể, công khai được giá đất và người dân có thể tiếp cận hoàn toàn thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu về bản đồ địa chính, số hóa đất đai", ông Hà kỳ vọng.
Ông khẳng định, sau khi làm những việc trên thì ai cũng hiểu biết và không thể can thiệp vào, bởi vì đó là giá thị trường.
"Vấn đề tài chính sẽ giải quyết được vấn đề đất đai lãng phí, đầu cơ, thổi giá, bởi thông qua hệ thống thuế mà chúng ta xác nhận. Vấn đề định giá đúng, chúng ta sẽ tính được giá trị gia tăng lên, địa tô chênh lệch do nhà nước, do người dân đầu tư hay do doanh nghiệp đầu tư. Đất đai là tài sản chung của toàn dân nên phải đảm bảo công bằng cho toàn dân", ông Hà tin tưởng.
Về vấn đề thu hồi và bồi thường, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường cho biết hiện nay có 2 hình thức, một là đấu thầu, đấu giá, tức là Nhà nước sẽ thu hồi; hai là, Nhà nước không thu hồi và thỏa thuận. Quan trọng nhất, làm sao để thực hiện hài hòa lợi ích của người dân, lợi ích của Nhà nước và lợi ích doanh nghiệp.
"Chúng ta không hạn chế thỏa thuận. Những khu vực không có chuyển mục đích, có nghĩa là thỏa thuận từ đất trồng lúa thông qua hình thức hợp tác xã đóng góp vốn, góp vốn,... thì chúng ta vẫn ủng hộ. Hình thức đất phi nông nghiệp, đất sản xuất, dịch vụ chúng ta vẫn ủng hộ. Ở đâu đó có thể có thỏa thuận nhưng nhà nước sẽ can thiệp vào để đảm bảo chính sách về giá, chính sách về đảm bảo lợi ích cho người dân phải công bằng, minh bạch", ông thông tin.
Về vấn đề quy hoạch, ông Hà khẳng định quy hoạch đất đai sẽ gắn với quy hoạch giao thông. Đất đai có phát triển, có gia tăng giá trị hay không phụ thuộc vào hạ tầng giao thông, phụ thuộc vào ý tưởng quy hoạch.
"Chúng ta không kỳ vọng quy hoạch đất đai thay thế tất cả, mà quy hoạch đất đai sẽ đưa ra một khung, tức là chúng ta sẽ quản lý những đối tượng chúng ta cần bảo vệ, bảo tồn - đó là đất di sản thiên nhiên, văn hóa, lịch sử, thậm chí đất lúa 2 vụ. Đấy là khu vực tĩnh. Còn động là khu đô thị, thương mại, dịch vụ thì chúng ta cố gắng tận dụng để phát triển", ông Hà thông tin.
Đáng chú ý, sẽ không đấu thầu, đấu giá khi chưa có những ý tưởng, kế hoạch tốt nhất, khi chưa có những quy hoạch chi tiết, chưa có cái nhìn về không gian và khai thác, sử dụng, kể cả công trình ngầm.
"Chúng ta cần phải xem xét về phát triển dân cư, lực lượng sản xuất, về nguồn vốn đầu tư, về công nghệ,... thì chúng ta mới đầu tư. Chính vì vậy nên quy hoạch, kế hoạch cộng với tài chính đất đai và định giá đất là những công cụ để thể hiện quyền năng của nhà nước về quản lý", ông Hà kết thúc bài phát biểu.