Thân nhân người bị oan sai cũng được bồi thường?
(Dân trí) - UB Thường vụ Quốc hội gửi văn bản xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội về dự thảo luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước (sửa đổi), trong đó có nội dung quy định việc bồi thường thiệt hại về tinh thần đối với thân nhân người bị oan oan trong hoạt động tố tụng hình sự.
Việc xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội về Dự luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước (sửa đổi) là để phục vụ cho phiên họp các đại biểu chuyên trách sắp diễn ra nhằm chuẩn bị trước nội dung cho kỳ họp thứ 3 của Quốc hội (sẽ diễn ra trong tháng 5, tháng 6).
Tại kỳ họp thứ 3 này, dự kiến Quốc hội sẽ thông qua dự luật này, sau khi hoàn thành quy trình cho ý kiến tại 2 kỳ họp.
Thực tế đã xem xét bồi thường thân nhân
Qua thảo luận tại kỳ họp thứ hai của Quốc hội, một trong những vấn đề còn ý kiến khác nhau là bồi thường thiệt hại về tinh thần đối với người thân thích của người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự.
UB Thường vụ Quốc hội nêu hướng ý kiến của nhiều đại biểu đề nghị bổ sung quy định bồi thường thiệt hại về tinh thần đối với người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự và chỉ bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người thân thích của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết.
UB Thường vụ Quốc hội cho rằng, trên thực tế, người thân thích của người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự cũng chịu những tổn thất nghiêm trọng về mặt tinh thần mà không phụ thuộc vào việc người bị thiệt hại còn sống hay đã chết. Hơn nữa, quan hệ bồi thường ở đây không thuần túy là quan hệ dân sự thông thường mà là quan hệ giữa một bên là cơ quan nhà nước với một bên là cá nhân, tổ chức, xuất phát từ hành vi trái pháp luật của cán bộ, công chức trong quá trình thực hiện công vụ.
Chính bởi tính chất của mối quan hệ đó mà hành vi vi phạm pháp luật này có ảnh hưởng trực tiếp không chỉ tới người bị thiệt hại mà cả đối với người thân thích của họ. Vì vậy, quy định về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cũng phải tính tới xuất phát điểm của mối quan hệ đặc thù này.
Để phục vụ việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Thường trực UB Pháp luật đã có công văn gửi TAND tối cao đề nghị gửi hồ sơ bồi thường của một số vụ việc. Qua nghiên cứu hồ sơ, cơ quan này nhận xét, trong thời gian qua cũng đã có bồi thường thiệt hại về tinh thần đối với người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự.
Do còn có sự khác nhau giữa các quy định của pháp luật hiện hành với thực tiễn áp dụng và ý kiến khác nhau trong quá trình chỉnh lý, UB Thường vụ Quốc hội xin ý kiến Quốc hội về việc cho phép quy định bồi thường thiệt hại về tinh thần đối với người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự, cả trong trường hợp người đó đã chết hoặc còn sống.
Quyền lựa chọn cách giải quyết bồi thường
Ngoài ra, nguyên tắc bồi thường và quy trình giải quyết bồi thường nhà nước cũng là một trong những vấn đề lớn được UB Thường vụ Quốc hội đề cập trong văn bản xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội. Đây được xem là nội dung quan trọng, có tính xuyên suốt, ảnh hưởng đến kết cấu của dự thảo luật.
Thảo luận lần đầu tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2016, đa số các đại biểu Quốc hội đề nghị giữ nguyên tắc bồi thường như luật hiện hành. Theo đó, bên cạnh cơ chế giải quyết bồi thường tại cơ quan quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại, luật cho phép kết hợp giải quyết bồi thường trong quá trình giải quyết khiếu nại, trong quá trình tố tụng hành chính, tố tụng hình sự.
Các ý kiến cũng đề nghị bổ sung quy định người bị thiệt hại khi đã có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường có quyền khởi kiện tại tòa án yêu cầu bồi thường.
Nhưng cũng có một số ý kiến tán thành nguyên tắc bồi thường và giải quyết bồi thường như dự thảo luật Chính phủ trình Quốc hội, tức là thống nhất một cơ chế giải quyết bồi thường tại cơ quan quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại, không cho phép kết hợp giải quyết bồi thường trong quá trình giải quyết khiếu nại, trong quá trình tố tụng.
Theo UB Thường vụ Quốc hội, bồi thường nhà nước về bản chất là bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, việc giải quyết bồi thường cần bảo đảm tôn trọng sự thỏa thuận của các bên. Vì vậy, bên cạnh quyền yêu cầu cơ quan quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại giải quyết bồi thường theo trình tự, thủ tục quy định tại luật này thì cá nhân, tổ chức bị thiệt hại cũng có quyền yêu cầu giải quyết bồi thường thông qua việc khởi kiện ra Tòa án.
Quy định như vậy nhằm bảo đảm quyền lựa chọn của người bị thiệt hại, tương tự như quy định về quyền lựa chọn giải quyết khiếu nại theo con đường hành chính hoặc khởi kiện ra Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính hiện hành.
Tuy nhiên, trước quan điểm chỉ nên thống nhất một cơ chế bồi thường, bên cạnh cho ý kiến trực tiếp, UB thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tổ chức họp lấy ý kiến các cơ quan hữu quan và có văn bản đề nghị Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có ý kiến bằng văn bản về nội dung này.
Qua tổng hợp ý kiến, các cơ quan về cơ bản thống nhất với quan điểm của nhóm đa số đại biểu Quốc hội. UB thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu chỉnh lý dự thảo luật theo phương án này để trình Quốc hội xem xét, quyết định.
P.Thảo