1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bồi thường oan sai: “Đá bóng” sang chân người khác là yên tâm… ngồi cười?

(Dân trí) - Nói về trách nhiệm bồi thường của các cơ quan nhà nước khi gây oan sai cho công dân, Chánh án TAND tối cao, Phó Viện trưởng VKSND tối cao cùng đề nghị phải xét cả quá trình tố tụng, từ khâu điều tra, truy tố, xét xử để tránh việc các cơ quan “chuyền bóng” cho nhau…

Đây là các nội dung được thảo luận tại UB Thường vụ Quốc hội sáng 9/1 về dự án luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước (sửa đổi).

“Bồi thường cho ông Chấn quá cao!”

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình khẳng định, quy định về trách nhiệm bồi thường nhà nước rất dũng cảm, không phải quốc gia nào cũng thực hiện việc này mà thường chấp nhận những sai sót trong hoạt động tố tụng là chuyện bình thường.

Cái khó nhất trong việc giải quyết bồi thường oan sai, theo ông Bình là định lượng mức độ bồi thường chứ không khó về… nguồn vốn. Kinh phí để bồi thường cho công dân bị hàm oan, Bộ Tài chính hoàn toàn đáp ứng. Dù vậy, một áp lực Chánh án tối cao chỉ ra là áp lực từ dư luận.

“Ngay cả trong Quốc hội các đại biểu cũng đặt vấn đề là tiền thuế của nhân dân đóng góp không phải để dành cho việc bồi thường cho những sai sót của cán bộ, cơ quan bảo vệ pháp luật. Vì vậy, ở nhiều nước, người ta xây dựng quỹ để phục vụ việc này, nhưng Quốc hội không đồng tình hướng lập quỹ. Nếu vậy, chúng ta vẫn phải tiếp tục chịu áp lực trước câu hỏi tiền thuế của dân sao mang đi bồi thường cho những sai sót của cán bộ? Đằng nào thì cũng là tiền ngân sách thôi” - Chánh án Nguyễn Hoà Bình nói.


Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình: Nếu áp dụng theo barem của Bộ Tài chính, mức bồi thường cho ông Huỳnh Văn Nén rất hạn chế. (Ảnh: Quochoi.vn)

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình: "Nếu áp dụng theo barem của Bộ Tài chính, mức bồi thường cho ông Huỳnh Văn Nén rất hạn chế". (Ảnh: Quochoi.vn)

Ngoài ra, ông Bình cũng than khó về việc tính những khoản bồi thường, có những khoản đơn giản là tính theo thu nhập tối thiểu nhân với số ngày ngồi tù oan nhưng có những khoản rất lớn không thể định lượng được, như ước lượng về thiệt hại danh dự, bồi thường tinh thần…

Dẫn chứng vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang được bồi thường 7,2 tỷ đồng, Chánh án tối cao cho biết, khi kiểm điểm lại định mức bồi thường, các cơ quan cho rằng toà đã vận dụng luật không đúng, chấp nhận mức bồi thường quá cao. Việc này tạo ra một “tiền lệ cao” để các trường hợp khác so sánh, đối chiều.

So với vụ người tù thế kỷ Huỳnh Văn Nén, ông Bình thông tin, TAND tối cao đang chỉ đạo toà án tỉnh Bình Thuận tiến hành đàm phán nhưng nếu áp dụng đúng barem của Bộ Tài chính quy định thì mức bồi thường với công dân này rất hạn chế. Mức bồi thường đó, ông Bình thông tin, sẽ chênh lệch khá cao so với vụ ông Chấn dù ông Nén phải ngồi tù oan tới 17 năm, còn ông Chấn ngồi thù 10 năm.

Về vấn đề xác định cơ quan bồi thường, Chánh án tối cao nêu lại nguyên tắc cơ quan nào ra quyết định cuối cùng tạo nên oan sai thì cơ quan đó phải xin lỗi và chịu trách nhiệm bồi thường. Tuy nhiên, ông Bình phân tích, quá trình tạo nên lỗi gây ra trong cả giai đoạn dài, việc cơ quan sau cùng phải xin lỗi là chuẩn nhưng việc quy trách nhiệm, theo ông Bình, phải xử lý theo hệ thống.

“Sai ở khâu kiểm sát thì phải truy cả trách nhiệm của ông điều tra để cộng đồng trách nhiệm chứ không thể để cảnh các cơ quan “chuyền bóng” cho nhau, cơ quan này đẩy được việc qua cơ quan kia là xong phần mình” – người đứng đầu cơ quan xét xử đề nghị.

Không lập quỹ phục vụ việc bồi thường oan sai

Ông Lê Hữu Thể - Phó Viện trưởng VKSND tối cao trả lời câu hỏi của Chủ nhiệm UB TƯ pháp Lê Thị Nga về những điểm khó nhất, mắc nhất trong quá trình triển khai bồi thường. Ông Thể nhận định, qua thực tế giải quyết án oan sai, có thể thấy, đó chính là căn cứ tính chi phí thiệt hại để tính mức bồi thường. Vì không có barem cụ thể nên khi thương lượng bồi thường rất khó khăn.

Theo ông Thể, cần đưa vào luật nhưng chi phí “cứng” như bồi thường về việc mất thu nhập, tính theo số ngày ngồi tù nhưng với những thiệt hại vô hình của người bị oan sai như gia đình tan nát, sức khoẻ suy sụp, công việc bị mất… thì cần có barem tương đối chứ không thể yêu cầu người dân xuất trình hoá đơn, giấy tờ chứng minh được.

Ông Thể đề cập thêm về trách nhiệm bồi hoàn. Phó Viện trưởng VKSND tối cao lập luận, cán bộ các cơ quan tố tụng thay mặt nhà nước để làm công việc điều tra, truy tố, xét xử, theo nguyên lý “con dại cái mang”, khi cán bộ sai, cơ quan công quyền phải đền bù, xin lỗi là đúng, không nên đặt vấn đề quy trách nhiệm cá nhân của cán bộ vì đó là việc công, không phải cán bộ làm việc nhà mà phải bỏ tiền tự đền.

“Chỉ trường hợp xác định cán bộ cố ý làm trái dẫn đến sai sót mới phải tự bỏ tiền túi ra đền. Còn vấn đề như trình độ kém, nhận thức chưa tới mà gây oan sai thì nên áp dụng biện pháp khác như chuyển công tác nơi khác, hạ bậc lương, không bổ nhiệm lại… vì có những vấn đề rất phức tạp, nhiều cơ quan cãi nhau suốt cả năm còn chưa ra đừng nói đến việc một cá nhân sai sót” – ông Thể lập luận.

Ông Thể cũng tán thành với ý kiến của Chánh án Nguyễn Hoà Bình về việc quy trách nhiệm đền bù thiệt hại với nguyên tắc cơ quan nào ra quyết định cuối cùng thì cơ quan đó đứng ra thay mặt nhà nước thực hiện việc bồi thường nhưng xác định trách nhiệm thì “phải xét từ cơ quan đầu tiên trở đi”.

Ông Thể ví von: “Không thể để mỗi người cố gắng đá quả bóng khỏi chân mình là xong, ngồi đó… cười xem người khác xử lý hậu quả. Chính quy định không ổn đó dẫn đến sự nặng nề trong việc bồi thường oan sai”.

Chốt lại nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, thẩm phán toà án đã nhân danh nhà nước tuyên bố một người phạm tội mà không đúng thì nhà nước phải bồi thường, tiền bồi thường trước hết lấy từ ngân sách để đảm bảo, không nên lập quỹ vì cả nước hiện đã có nhiều loại quỹ lắm rồi, tính ra đến nay đã có khoảng 80 loại quỹ rồi.

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm