Thảm cảnh nơi mắt bão
Bà Nguyễn Thị Hòa (60 tuổi) ở Hậu Lộc, Thanh Hóa không cần mở cửa cũng có thể đi vào ngôi nhà của mình vì cánh cửa đã bị sóng biển đánh bật từ lúc nào. Giọt nước mắt đặc quánh hòa trong những giọt mưa, bà chạy khắp nhà quan sát. Tan hoang!
Toàn bộ đồ đạc nhẹ trong nhà bà Hòa đã “không cánh mà bay”. Các đồ dùng được coi là có giá trị trong nhà như ti vi, đầu VCD, xe máy… đã bị sóng biển quật đổ, nằm ngổn ngang khắp nhà.
Bàng hoàng đê vỡ!
11h30 ngày 27/9, cung đê biển 23 đầu tiên ở xã Hải Thịnh (Hải Hậu) và cũng là tuyến đê đầu tiên của tỉnh Nam Định bị vỡ do sức “công phá” dữ dội của bão số 7. Ông Kim Mạnh Dân, bí thư chi bộ khu 23, năm giờ sau khi chứng kiến cảnh đê vỡ vẫn còn bàng hoàng: “Mưa suốt cả đêm, lại cộng gió giật trên cấp 12 khiến tuyến đê không thể chống đỡ. Khi sóng đánh sạt gần hết thân đê, tôi hô dân chạy”.
Khu 23 có trên 70 nóc nhà, chỉ trong tích tắc con đê đã bị sóng biển cuốn phăng đi 300m, nước biển cuồn cuộn đổ vào, cả khu nhanh chóng chìm trong biển nước. Có ít nhất 25 ngôi nhà bị cuốn trôi, còn lại tất cả đều bị nhận chìm, phá hỏng. “Cũng may lúc đó triều cường đang xuống, nếu gặp triều cường lên đỉnh như lúc 8-9h sáng thì không biết hậu quả thế nào” - ông Dân nói.
Hai giờ sau, hàng trăm mét tuyến đê số 2 nằm sâu trong đất liền tiếp tục bị vỡ, nước biển ầm ầm đổ vào. Trời vẫn mưa to, gió vẫn giật trên cấp 12. Nước biển, sóng biển ào ạt tràn vào các khu dân cư của các xã phía sau xã Hải Thịnh.
Đến 17h chiều qua, hàng ngàn nhà dân dọc phía ngoài đê, kéo dài từ xã Hải Thịnh, thị trấn Thịnh Long, Hải Hòa, Hải Triều, Hải Châu đều chìm ngập trong nước biển. Nhà cửa, vườn tược, đồng ruộng, kho muối, hầm mắm... đều chìm trong nước. Chỉ còn các nhà cao, cây lớn, kho muối “nổi ngọn” lên mặt nước, còn thì nước trắng băng. Cây cối dọc hai bên đường xác xơ, cùng những hàng cột điện xiêu vẹo...
Tại Nghĩa Phúc, Nam Điền (huyện Nghĩa Hưng), hàng ngàn dân ở lại chống bão, hộ đê cũng được một phen tá hỏa. 9h30, Nghĩa Phúc báo tin nước biển dâng cao, sóng to, gió mạnh, rất nhiều điểm đê đã sạt lở. 10h10, các điểm sạt lở tiếp tục xuất hiện trên tuyến đê Nam Điền. Sau đó ít phút, chủ tịch UBND tỉnh ra lệnh cho các lực lượng “bắn pháo lệnh, gõ kẻng báo động” để sơ tán triệt để tất cả dân các xã này.
Nhưng cũng may, đến 13h30, khi sức gió của cơn bão giảm dần, tại Nam Điền, Nghĩa Phúc, Nghĩa Hải vẫn không có sự cố vỡ đê. Tuy nhiên do triều cường, sóng to, gió lớn nên hầu hết các tuyến đê đều bị sóng và nước biển tràn vào. Hàng ngàn nhà dân cùng ruộng vườn, đầm nuôi thủy sản đều bị ngập nước...
Ông Nguyễn Đức Mậu cùng con rể Hoàng Văn Thủy (xã Hải Triều) đứng bần thần trên quốc lộ, mắt dõi xa xăm nhìn biển nước mênh mông. “Vợ chồng tôi gom góp mua con lợn nái gần 1,5 triệu đồng, nó vừa đẻ được tám con, chỉ tháng sau là xuất. Bây giờ thế là hết” - anh Thủy than thở. Cũng buồn bã như con rể, ông Mậu nói: “Vợ chồng già chỉ có 3 sào muối. Nay dông bão tàn phá thế thì đói cả rồi”.
Nhiều gia đình rơi vào cảnh màn trời chiếu đất
Bão đã tan, gió đã lặng, nhưng nhà cửa ngập hết nên hàng ngàn người dân các xã này vẫn đứng dọc trên tuyến quốc lộ 21 thành phố Nam Định đi Hải Thịnh. Chị Tuyết (khu 22, Hải Thịnh) sụt sùi: “Nhà cửa tôi đổ sập ngay khi đê vỡ, nước tràn vào. Tất cả trôi đi hết. Mẹ con tôi giờ biết sống làm sao đây?”.
Còn tại 2 xã Ngư Lộc và Minh Lộc huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa sau khi ngớt gió và mưa, nhiều người đã kéo nhau về nhà mình để kiểm tra đồ đạc và nhà cửa. Ở hai xã này có khoảng 1000 người sinh sống, chủ yếu là ngư dân.
Quần áo ướt sũng lại đói, khuôn mặt ai nấy cũng buồn bã và mệt mỏi. Chị Phạm Thị Thanh (31 tuổi, xã Ngư Lộc) vừa lau nước mắt vừa kể chuyện trong khi người vẫn run vì ngấm lạnh: “Gia đình tôi nằm ngay sát bờ biển. Chúng tôi đã được lệnh di chuyển từ đêm qua. Nhưng do bão vào quá gấp gáp nên chúng tôi không kịp di chuyển đồ đạc, tài sản. Bây giờ, ở khu nhà tôi, nước trắng mênh mông…”.
Anh Nguyễn Hoàng Mạnh (27 tuổi, xã Minh Lộc) kể lại: “Bão vào nhanh quá! Trong đời tôi chưa bao giờ phải chứng kiến cơn bão mạnh như thế này (kể cả so với cơn bão lịch sử năm 1996). Nhà tôi cách biển gần 1 km; không nằm trong kế hoạch di tản. Thế nhưng, bão đổ bộ mạnh và nhanh quá nên chúng tôi không chạy kịp. Tài sản của gia đình tôi đã bị mất hết; không biết lấy gì để sống trong thời gian tới…”.
Do chuồng trại đã bị hỏng nên người dân nơi đây đã buộc trâu, bò, lợn vào các cây đổ ven đường. Những gói mỳ tôm cứu trợ được bà con chia nhau, không có nước nóng đành ăn sống. Tình hình vệ sinh trên toàn địa bàn dân cư đang là vấn đề nổi cộm. Nhiều xác súc vật chết trôi dạt và đọng lại khắp nơi đang gây ô nhiễm môi trường. Nếu không có cách khắc phục kịp thời thì trong vài ngày tới, nơi đây rất có nguy cơ bùng nổ ổ dịch bệnh.
Ông Nguyễn Văn Lợi - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCH PCLB tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Đây là cơn bão mạnh nhất trong vòng 9 năm qua. Bão di chuyển phức tạp, với sức gió mạnh cấp 11, cấp 12, giật trên cấp 12, bão số 7 đã tàn phá hầu hết các huyện, thị ven biển Thanh Hóa. Tuy nhiên, do chủ động đề phòng ngay từ đầu nên đã hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản. Nhiệm vụ lớn nhất của Thanh Hóa hiện nay là khắc phục hậu quả cơn bão; trong đó chú trọng mấy vấn đề: không để dân đói, rét; không để dịch bệnh lây lan; đảm bảo an ninh, trật tự…”.
Theo Tuổi trẻ, Tiền phong