1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nam Định - Nơi cơn bão đi qua

(Dân trí) - Đã hơn 10 ngày kể từ khi bão số 7 tràn qua Nam Định, những thiệt hại mà cơn bão gây ra đối với người dân nơi đây vẫn còn rất rõ nét. Tình trạng ô nhiễm môi trường đang ở mức báo động, diện tích gieo trồng bị tàn phá nặng nề.

“Bà con vùng bão lụt đang mệt mỏi lắm rồi”, đó là lời ông Trần Xuân Giai - Phó chủ tịch UBND tỉnh Nam Định nói về tình hình người dân tại Hải Hậu, Giao Thuỷ, Nghĩa Hưng - 3 huyện chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của Nam Định trong cơn bão số 7.

 

Trên quãng đường 60 km từ Thành phố Nam Định về huyện Nghĩa Hưng, anh Nguyễn Sinh Tiến, cán bộ Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Nam Định chỉ cho chúng tôi những đồng lúa đang thời kỳ vào mẩy bị bão đánh đổ rạp xuống mặt ruộng. Mảnh nào lúa không đổ thì cũng bị gió bão đánh rụng hết nửa số bông. Càng đi ra phía biển, độ tàn phá của bão càng nặng nề, những ngôi nhà tốc mái, đổ tường ngày càng nhiều.

 

Tuyến đê biển Nghĩa Hưng mặc dù không bị vỡ tung nhưng nước biển đã tràn qua thân đê gây sạt lở nghiêm trọng cho 7000m đê biển thuộc các xã Nghĩa Phúc, Nam Điền, Nghĩa Bình, Nghĩa Sơn… đồng thời tràn vào những cánh đồng tôm, đồng muối trong đê.

 

Anh Nguyễn Đức Thuý xã Nghĩa Phúc, Nghĩa Hưng đang cố dùng lưới vét nốt những gì còn lại trong đầm nuôi tôm của mình. Anh Thúy cho biết đã đầu tư vào đầm nuôi tôm này gần 200 triệu đồng, nếu không bị bão đầm tôm nhà anh có thể thu lãi khoảng 20 triệu đồng nhưng tới nay thì bị mất trắng.

 

Không chỉ riêng nghề nuôi trồng thủy sản, những cánh đồng muối của “diêm dân” cũng chịu chung số phận với các đầm nuôi tôm. Nước biển tràn vào mang theo bùn đất, rác rưởi… ngập ngụa cánh đồng, phá tan các bể chứa nước muối.

 

Tổng số 23.000m đê biển Nam Định, chủ yếu tại các huyện Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng bị vỡ làm ngập úng 48.300 ha diện tích lúa (trong đó mất trắng 13.000ha, hoa màu bị mất 5.193 ha), ước tính thiệt hại lên tới 261,1 tỷ đồng.

Hải Hậu là huyện bị thiệt hại nặng nề nhất sau cơn bão, với 3 đoạn đê bị vỡ. Hầu như tất cả các đoạn đê thuộc các xã Hải Triều, Hải Hoà, Hải Thịnh đều bị sạt lở với nhiều cấp độ khác nhau. Đoạn đê Táo Khoai thuộc xã Hải Hoà bị vỡ với chiều dài 20m tạo thành một hố sâu như hố bom. Những rọ sắt của lực lượng cứu hộ gia cố đê trước bão bị sóng, gió đánh bẹp rúm, có cái mất hết đá, có cái bị sóng đẩy vào sâu trong đồng vài trăm mét.

 

Thị trấn Thịnh Long, vốn sầm uất với những bãi tắm đẹp thu hút hàng vạn lượt khách du lịch mỗi năm, giờ là cảnh hoang tàn, xơ xác, ngổn ngang gạch vụn, sắt, đá và bê tông…

 

Những mảng bê tông chắn sóng bị lột lên từng mảng. Trên nhiều mái nhà, rác ruởi, rong rêu còn bám đầy. Đứng trước đống gạch vụn, trước đây là trụ sở của Ban quản lý khu du lịch Thịnh Long, anh Trần Văn Đoàn - cán bộ Ban quản lý cho biết, do không sơ tán kịp nên những vật dụng như: giường tủ, bàn ghế và một số giấy tờ tài liệu bị sóng cuốn mất sau khi làm sập ngôi nhà.

 

Anh Nguyễn Văn Thanh, chủ một nhà khách bị sóng đánh sập thì than phiền: “qua con bão này, không biết mọi người kiếm sống bằng nghề gì? Vốn đầu tư không có, tính riêng thiệt hại về tài sản của gia đình anh lên tới hơn một trăm triệu, chưa kể nguồn thu từ hoạt động của nhà khách bị mất”.

 

Đối với bà con nông dân cấy lúa, làm muối, đầm nuôi tôm thì hoàn cảnh còn bi đát hơn nhiều. Ông Nguyễn Nhân Văn, thôn Cồn Tròn Tây, xã Hải Hoà, Hải Hậu không giấu nổi những giọt nước mắt lăn dài trên má kể: “Vợ chồng tôi nuôi 3 đứa con đang học đại học, cao đẳng tại Hà Nội, TPHCM và Nam Định bằng nguồn thu từ đầm tôm. Tới nay chúng tôi trắng tay rồi, không biết lấy gì mà nuôi chúng ăn học”.

 

Gia đình ông Nguyễn Văn C cùng xã cũng lâm vào cảnh thương tâm không kém. Ông năm nay đã 65 tuổi, hai vợ chồng già lại thêm một cô con gái mắc bệnh tâm thần. Từ trước cơn bão gia đình ông đã rất khó khăn, nay khó khăn còn nhân lên gấp bội khi toàn bộ đồ đạc trong nhà bị nước biển cuốn trôi, ruộng muối nhà ông cũng bị chìm sâu dưới lớp bùn hơn 50cm. Đặc biệt, nguồn nước sinh hoạt hiện nay không có. Hàng ngày, ông phải vào làng bên gánh từng gánh nước cho các gia đình dùng.

 

Vấn đề mức độ ô nhiễm môi trường tại các vùng bị ngập đã lên tới mức báo động, bà con nhân dân trong vùng rất bức xúc. Nguồn nước sinh hoạt của hàng chục ngàn hộ dân bị ô nhiễm nặng, mùi hôi thối bốc lên từ những xác động vật chết vẫn còn rất nồng nặc mặc dù đã được chôn và khử trùng. Nguy cơ bùng phát dịch bệnh khá cao.

 

Ông Anh Đài - Phó giám đốc Sở tài nguyên và môi trường cho biết, Nam Định đang tập trung mọi nỗ lực vào công tác khắc phục hậu quả của cơn bão.

 

Theo ông Trần Xuân Giai - Phó chủ tịch UBND tỉnh Nam Định: Công tác cứu trợ đồng bào lũ lụt đã được thực hiện ngay từ trong cơn bão. Với quyết tâm không để dân bị đói, tỉnh đã cấp 6 vạn thùng mỳ tôm cho bà con vùng lũ. 16.212 người trong diện cần cứu trợ khẩn cấp cũng được tỉnh cấp 15kg gạo/người/tháng trong thời gian 1 tháng.

 

Tỉnh đã có công văn hướng dẫn Sở TNMT tiến hành thu gom, xử lý xác động vật chết và chôn theo vị trí quy định, cấp cho mỗi xã 3 triệu đồng vào công tác này. Đối với nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiếm, biện pháp trước mắt là cấp thuốc khử trùng, bơm trực tiếp chất hóa học vào giếng làm trong và giảm mặn cho bà con sử dụng.

 

Bên cạnh đó, Sở y tế được chỉ đạo phun 200 kg thuốc diệt khuẩn, diệt trùng cho 4 xã: Hải Hòa, Hải Bối, Thịnh Long và Hải Triều. Các y bác sỹ cũng được cử xuống khám chữa bệnh cho dân và cấp thuốc dự phòng. Công tác khắc phục sự cố đê điều và thiệt hại mùa màng được giao cho Sở NN&PTNT phối hợp với các ban ngành giải quyết.

 

Ông Trần Xuân Giao, giám đốc sở NN& PTNT cho biết. Biện pháp cần thiết trước mắt là tập trung củng cố tuyến đê biển để chống lại con nước rươi tháng 9 (âm lịch). Tới ngày 9/10 tất cả các đoạn đê vỡ đã được hàn khẩu. Phấn đấu tới ngày 20/10, tất cả các đoạn đê có sự cố sẽ được xử lý nâng cao trình lên 3,5m, thau chua rửa mặn bằng cách bơm nước vào nội đồng chờ thủy triều xuống tháo ra biển.

 

Ngày 9/10, Thủ tướng Chính phủ đã tới thăm hỏi và chỉ đạo tình hình khắc phục hậu quả sau cơn bão tại Nam Định. Thủ tướng đã quyết định tăng mức hỗ trợ lương thực cho nhân dân vùng bão từ 800 tấn lên 1.250 tấn, đồng thời tăng tiền hỗ trợ từ 80 tỷ lên 120 tỷ.

 

Phạm Việt Hòa

Dòng sự kiện: Bão 2005