"Tập trung nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2022"
(Dân trí) - Đó là một trong các nhiệm vụ, giải pháp được Quốc hội nêu ra trong Nghị quyết về Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025 được thông qua sáng 28/7.
Theo Nghị quyết về Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025, tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 khoảng 8,3 triệu tỷ đồng; tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước bình quân không thấp hơn 16% GDP, trong đó, từ thuế, phí khoảng 13 - 14% GDP; tỷ trọng thu nội địa bình quân khoảng 85-86% tổng thu ngân sách nhà nước.
Tổng chi ngân sách nhà nước khoảng 10,26 triệu tỷ đồng, trong đó, tỷ trọng chi đầu tư phát triển bình quân khoảng 28%, tỷ trọng chi thường xuyên bình quân khoảng 62-63% tổng chi ngân sách nhà nước. Trong tổ chức thực hiện, phấn đấu tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt khoảng 29%, giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống khoảng 60%.
Tổng chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước khoảng 2,87 triệu tỷ đồng, trong đó: chi từ nguồn vốn ngoài nước khoảng 300 nghìn tỷ đồng, chi từ nguồn cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước khoảng 248 nghìn tỷ đồng.
Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 bình quân 3,7% GDP, trong đó: bội chi ngân sách trung ương bình quân 3,4% GDP, bội chi ngân sách địa phương bình quân 0,3% GDP; trong tổ chức thực hiện, phấn đấu giảm xuống dưới 3,7% GDP.
Nghị quyết cũng nêu rõ, tổng mức vay trong giai đoạn 2021-2025 là 3,068 triệu tỷ đồng, trong đó mức vay của ngân sách trung ương khoảng 2,9 triệu tỷ đồng; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 1,7 triệu tỷ đồng; tổng mức vay của ngân sách địa phương khoảng 148 nghìn tỷ đồng, mức vay của từng địa phương trong phạm vi giới hạn nợ theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước; nghĩa vụ trả nợ của chính quyền địa phương khoảng 35,3 nghìn tỷ đồng.
Quốc hội yêu cầu bảo đảm an toàn nợ công, với các mục tiêu: Trần nợ công hằng năm không quá 60% GDP, ngưỡng cảnh báo là 55% GDP; trần nợ Chính phủ hằng năm không quá 50% GDP, ngưỡng cảnh báo là 45% GDP; trần nợ nước ngoài của quốc gia hằng năm không quá 50% GDP…
Nghị quyết yêu cầu thực hiện các giải pháp khả thi để đạt tỷ lệ huy động cao hơn vào ngân sách nhà nước, khai thác các dư địa thu, chống xói mòn và mở rộng cơ sở thuế, đẩy mạnh chống thất thu, phấn đấu giảm tỷ lệ nợ đọng thuế dưới 5% tổng thu ngân sách nhà nước.
Khẩn trương sửa đổi, hoàn thiện một số luật thuế, nhất là Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt... Chú trọng các nguồn thu từ đất đai, tài nguyên, khoáng sản để tránh thất thoát.
Đáng chú ý, Quốc hội yêu cầu tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách theo hướng bền vững, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển; bảo đảm nguồn lực cho quốc phòng, an ninh, thực hiện cải cách chính sách tiền lương, đảm bảo an sinh xã hội; ưu tiên cho giáo dục - đào tạo, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
"Tập trung nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2022. Không sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư cho đầu tư xây dựng cơ bản và các mục đích khác. Số tăng thu, tiết kiệm chi hàng năm ưu tiên để tạo nguồn cải cách tiền lương theo Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII), giảm bội chi, trả nợ gốc và thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, trường hợp sử dụng cho đầu tư phải tập trung cho các dự án lớn trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành"- Nghị quyết nêu rõ.