1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Tại sao Trung Quốc đưa “tàu sân bay” khoan dầu vào thềm lục địa Việt Nam?

(Dân trí) - Việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 đến vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là bước leo thang mới, tạo cạm bẫy với các nước có cùng tranh chấp, nhà nghiên cứu Dương Danh Dy, nguyên Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu (Trung Quốc) nhận định.


Ông có đánh giá gì về việc Trung Quốc kéo giàn khoan HD-981 vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam?

Đây là bước leo thang mới của Trung Quốc trên Biển Đông, lộ rõ 2 ý đồ thâm hiểm. Thứ nhất là sự xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền trên Biển Đông của chúng ta. Trước đây họ đã làm nhiều chuyện, nhưng chỉ quanh quẩn ở Hoàng Sa như thành lập đơn vị hành chính, tổ chức du lịch quanh quẩn khu Hoàng Sa mà họ đã cưỡng chiếm từ năm 1974. Việc hạ đặt giàn khoan dầu khổng lồ khác hoàn toàn những hành động trên giấy tờ hoặc gây hấn như cắt cáp tàu thăm dò dầu khí.

Thứ hai là nhằm mục đích khai thác dầu mỏ. Không nói chắc ai cũng rõ, Biển Đông là khu vực rất giàu tài nguyên. Không phải vô lý mà nhiều chuyên gia đã đánh giá: “Biển Đông là con đường sinh mệnh của Trung Quốc”.

Theo ông, tại sao Trung Quốc lại chọn thời điểm này để công bố đưa “tàu sân bay” khoan dầu vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam?

Đặt trong bối cảnh chung của tình hình quốc tế thời gian gần đây, tôi tin chính giới trong nước và nhân dân ta không bất ngờ trước hành động leo thang mới này của phía Trung Quốc. Đây là thời điểm cả Mỹ và Nga đang tập trung vào Ukraine. Và quan trọng không kém, tôi muốn nhắc lại chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Obama tới 4 nước châu Á là Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Malaysia.

Mỹ tuyên bố bảo vệ Senkaku (Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư), tăng cường hợp tác quân sự với các đối tác Philippines, Malaysia và Hàn Quốc. Khi đã lật bài ngửa như vậy, Trung Quốc sẽ chưa dám làm gì ở Senkaku. Và Trung Quốc chuyển vấn đề sang Biển Đông.

Nhiều chuyên gia nhận định: việc đưa giàn khoan dầu vào vùng thềm lục địa Việt Nam là thủ đoạn mới của Trung Quốc để ép các nước nhỏ tại Biển Đông phải thuận theo chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác” bấy lâu được Trung Quốc nhấn mạnh nhiều lần như một sáng kiến mang tính xây dựng trong bối cảnh tranh chấp trên Biển Đông vẫn đang căng thẳng...

Tôi khẳng định, chính giới ta không có ai mơ hồ về vấn đề này và ai cũng hiểu rõ, cái gọi là sáng kiến "gác tranh chấp, cùng khai thác" cho tranh chấp Trường Sa không phải do tính xây dựng mà là nhằm chiếm đoạt Trường Sa từ Việt Nam.

Cần phải khẳng định rõ, việc Trung Quốc áp dụng khái niệm "gác tranh chấp, cùng khai thác" cho yêu sách ranh giới 9 đoạn không phải do tính xây dựng mà là để Trung Quốc đòi hỏi khai thác chung trong những vùng biển mà Trung Quốc đòi hỏi một cách vô lý, thí dụ như trong vùng Tư Chính - Vũng Mây và Nam Côn Sơn của Việt Nam.

Chủ quyền quốc gia là tối thượng.

Như vậy, rõ ràng việc Trung Quốc mang giàn khoan xuống Biển Đông là cách thức thực hành chiếm cứ biển và từ đó khẳng định sự chiếm hữu thật sự Biển Đông qua đường lưỡi bò?

Đúng. Và việc này đòi hỏi chúng ta phải hành động rất kiên quyết. Đây là vấn đề lợi ích quốc gia, chủ quyền đất nước, lợi ích chính đáng của mình được luật pháp quốc tế thừa nhận, chúng ta phải bảo vệ, cần có những biện pháp mạnh mẽ, thực tế và hiệu quả.

Nếu ta không ngăn chặn cương quyết, không loại trừ khả năng họ sẽ còn leo thang, thậm chí sẽ cho dân lên các đảo không tên ở Trường Sa, thực hiện lấn chiếm dần. Phải cho những bộ óc hiếu chiến tại Trung Quốc hiểu rõ được dân ta luôn đoàn kết một lòng và dân tộc Việt Nam chưa từng bao giờ quỳ gối trước áp lực cường quyền.

Và quan trọng không kém là phải tranh thủ dư luận quốc tế, các nước lớn và các nước trong khối ASEAN.

Theo đánh giá của ông, chính giới và người dân Trung Quốc nhìn nhận ra sao về những động thái leo thăng căng thẳng này?

Biển Đông với Trung Quốc không chỉ là tham vọng bá quyền, mà là vấn đề sống còn. Nếu ai đó ôm giấc mộng rằng một ngày nào đó Trung Quốc sẽ từ bỏ âm mưu chiếm trọn Biển Đông thì thật ảo tưởng! 30 năm nay, Trung Quốc đã khai thác đất liền cạn kiệt, giờ phải hướng ra biển. Nhưng thử nhìn xem, phía bắc, phía đông thì vướng Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, đều là các nước có quan điểm rất cứng rắn. Chỉ còn phía nam là Biển Đông, nơi các nước yếu thế hơn.

Chính vì điều này, gần đây, Trung Quốc đã đẩy mạnh các hoạt động nhằm chiếm hữu biển Đông trên thực tế. Và tôi được biết, luôn có tới trên 80% cư dân mạng Trung Quốc ủng hộ tham vọng này.

Chúng ta phải đẩy mạnh hơn nữa vấn đề tuyên truyền và phải tuyên truyền "có bài có bản" để hình ảnh chân thực nhất về Biển Đông đến được với người dân trong nước, người Việt ở nước ngoài, cộng đồng quốc tế và người dân Trung Quốc.

Tuyên truyền cho Biển Đông là vấn đề lâu dài, không phải là vấn đề phong trào, làm trong một thời gian rồi thôi mà phải liên tục, có cách, có chiến lược.

Phúc Hưng – Xuân Ngọc

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm