1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Suy giảm đa dạng sinh học ngày càng trầm trọng

(Dân trí) - Đa dạng sinh học có vai trò rất quan trọng. Nhưng hiện nay, sự đa dạng sinh học của Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa, phần lớn gây ra bởi ý thức và hành vi của con người.

Việt Nam được công nhận là một trong 16 quốc gia có tính đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới và là một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học phong phú nhất với nhiều loài động, thực vật đặc hữu và nguồn gen phong phú.

Nhưng đồng thời, Việt Nam cũng là điểm nóng về suy giảm đa dạng sinh học, điều đó có nghĩa là quần thể các loài động vật hoang dã (ĐVHD) quý hiếm đang bị suy giảm nghiêm trọng và đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng, mà nguyên nhân chính là nạn buôn bán và tiêu thụ trái phép.

Năm 2010, tê giác chính thức tuyệt chủng tại Việt Nam; các loài khác như hổ, voi và một số loài linh trưởng như vọoc và hàng trăm loại động vật quý hiếm khác sẽ nhanh chóng biến mất trong tự nhiên nếu không có các biện pháp ngăn chặn tình trạng buôn bán trái phép.

Rất nhiều loài ĐVHD đang bị săn bắn, buôn bán để phục vụ các nhu cầu của con người như: chế biến làm món ăn, làm thuốc, làm vật nuôi hoặc để chế tác thành đồ trang trí, mỹ nghệ… Ví dụ, nhu cầu sử dụng sừng tê giác đã và đang là nguyên nhân thúc đẩy nạn săn bắn tê giác ở châu Phi và cũng là nguyên nhân gây sự tuyệt chủng của loài tê giác ở Việt Nam.

Theo báo cáo của Cơ quan CITES Việt Nam từ 2015 đến 2019, đã có tới gần 37.000 kg ngà voi, 685 kg sừng tê giác và hơn 37.000 kg tê tê (cả cá thể sống và vảy tê tê) cùng nhiều mẫu vật ĐVHD quý hiếm khác đã bị tịch thu tại Việt Nam.

Suy giảm đa dạng sinh học ngày càng trầm trọng - 1

Thúc đẩy hành động bảo tồn trả lại sự cân bằng cho tự nhiên

Nhận thức được sự hệ trọng của nạn buôn bán ĐVHD, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều hành động nhằm ngăn chặn và xử lý triệt để vấn nạn này. Cụ thể, Việt nam đã tham gia các công ước song phương và đa phương để bảo vệ ĐVHD như Công ước về buôn bán các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), diễn đàn hổ toàn cầu, mạng lưới ASEAN về thực thi luật bảo vệ các loài hoang dã và cụ thể là sửa các bộ luật có liên quan nhằm bảo vệ và xử lý có hiệu quả hơn các vi phạm về ĐVHD.

Ví dụ, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) có hiệu lực từ 1/1/2018, là công cụ pháp lý hiệu quả góp phần răn đe, trấn áp tội phạm nói chung và tội phạm về động vật hoang dã nói riêng. Theo đó, các hành vi vi phạm về ĐVHD có thể phạt tù lên đến 15 năm hoặc 5 tỷ đồng đối với cá nhân và phạt tiền đến 15 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động từ 6 tháng đến 3 năm hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với pháp nhân.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tích cực hợp tác với các bên về việc quản lý buôn bán quốc tế các loại ĐVHD nguy cấp như phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thực hiện nhiều hoạt động như: hoàn thiện khung pháp luật; tăng cường hiệu quả về quản lý, bảo vệ và xử lý các vi phạm về ĐVHD, cũng như xử lý hành vi vi phạm đối với ĐVHD; truyền thông nâng cao nhận thức về pháp luật đối với cộng đồng và thay đổi hành vi người sử dụng nhằm giảm thiểu nhu cầu sử dụng ĐVHD tại Việt Nam.

Từ năm 2017 đến nay, trong khuôn khổ hợp tác song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, ít nhất đã có 4 văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống và xử lý các vi phạm về bảo vệ ĐVHD, hơn 200 cán bộ thực thi pháp luật, hơn 200 cán bộ tòa án được tập huấn về các kiến thức và kỹ năng về điều tra, xét xử  liên quan đến các vi phạm về ĐVHD.

Ngoài ra hơn 5.000 người thường xuyên nhận được các thông điệp về bảo vệ ĐVHD. Dự án cũng đã phối hợp với các doanh nghiệp, hiệp hội, các công ty du lịch… tuyên truyền để giảm cầu về ĐVHD.

Nguyễn Dương