Chi hàng triệu Euro để bảo tồn bền vững đa dạng sinh học
(Dân trí) - Dự án “Chương trình bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học và các dịch vụ sinh thái rừng tại Việt Nam” với tổng kinh phí 4,95 triệu Euro vừa được Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) khởi động chiều 09/9 tại Hà Nội.
Dự án được tài trợ bở Chính phủ CHLB Đức, do Bộ Hợp tác, Phát triển Kinh tế (BMZ) thực hiện thông qua Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ).
Dự án có số vốn ODA là 4,5 triệu Euro và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 450.000 Euro, do Tổng cục Lâm nghiệp phối hợp với GIZ thực hiện trong 36 tháng (từ 2015-2018).
Đây là dự án kỹ thuật với mục tiêu tổng thể là thiết lập các điều kiện cần thiết nhằm cải thiện khuôn khổ pháp lý, tăng cường năng lực quản lý nhà nước và thực hiện các sáng kiến quốc tế về lâm nghiệp.
Trong quá trình triển khai, Dự án sẽ vận dụng những bài học kinh nghiệm từ thành quả của các chương trình, dự án trước đây và sáng kiến quốc tế vào hỗ trợ công tác xây dựng mới và sửa đổi chính sách ở cấp quốc gia trong lĩnh vực bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái rừng.
Dự án sẽ hỗ trợ tăng cường năng lực trong lĩnh vực quản lý khu bảo tồn và quản lý rừng bền vững. Bên cạnh dó, Dự án sẽ hỗ trợ các hoạt động thí điểm tại một số tỉnh trong lĩnh vực quản lý thông tin khu bảo tồn và các hệ thống đảm bảo tính hợp pháp của gỗ (FLEGT/TLAS).
Từ kết quả triển khai thí điểm các hoạt động nêu trên, Dự án sẽ rút ra các bài học kinh nghiệm để nhân rộng và làm cơ sở cho việc tư vấn về xây dựng thể chế và chính sách.
Phát biểu tại lễ khởi động dự án, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, trưởng ban chỉ đạo dự án, ông Cao Chí Công khẳng định: “Dự án có vai trò hết sức quan trọng trong lĩnh vực bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái rừng nhằm thực hiện có hiệu quả một số mục tiêu chính của Chiến lược phát triển lâm nghiệp 2006 - 2020, Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, Chiến lược quản lý hệ thống rừng đặc dụng, khu bảo tồn biển, khu bảo tồn vùng nước nội địa đến năm 2020, Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 – 2020 và đặc biệt là Chiến lược quản lý hệ thống rừng đặc dụng, khu bảo tồn biển, khu bảo tồn vùng nước nội địa đến năm 2020 với 2,4 triệu ha rừng đặc dụng, hoàn thiện và quản lý hiệu quả 176 khu rừng đặc dụng trong đó có 34 Vườn quốc gia”.
Việt Nam là một trong 10 điểm nóng đa dạng sinh học quan trọng nhất thế giới. Đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái rừng giữ một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sinh kế của người dân nông thôn, và hiện nay có khoảng 25 triệu người sinh sống gần rừng. Bên cạnh đó, đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái rừng là nền tảng của các ngành nông, lâm nghiệp, và thủy sản, và vì vậy nó đóng góp to lớn cho nền kinh tế quốc gia. Song tính toàn vẹn và chất lượng của rừng đang giảm sút trong những thập kỷ qua, đồng thời, đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái rừng cũng đứng trước nguy cơ ngày một lớn hơn.
Nguyên An