1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Sở Y tế TPHCM “thanh minh” vụ nước tương

Gần 17h chiều 25/5, ông Lê Trường Giang - phó giám đốc Sở Y tế TPHCM - đã chủ trì cuộc họp báo trả lời một số vấn đề xung quanh việc thiếu minh bạch thông tin, chậm công bố danh sách các cơ sở sản xuất nước tương có chất 3-MCPD vượt quá qui định của Bộ Y tế.

Thiếu quyết đoán?

 

Ông Lê Trường Giang cho rằng vừa qua do có một số khó khăn khách quan nên thanh tra sở đã thiếu quyết đoán trong việc công bố kết quả kiểm nghiệm nước tương của các cơ sở vi phạm.

 

Theo ông Giang, việc công bố nếu thiếu chính xác, không đảm bảo qui định pháp luật sẽ gây hậu quả cho doanh nghiệp và ảnh hưởng nền kinh tế đất nước. Ông Giang còn nói rằng thời điểm từ cuối tháng 3/2005 trở về trước Bộ Y tế chưa có qui định nào về cho phép hay không cho phép có chất 3-MCPD trong nước tương, dầu hào và ngưỡng là bao nhiêu.

 

Đầu những năm 2000, ở TP cũng chưa có cơ sở kiểm nghiệm nào có công nghệ để xác định, đo được 3-MCPD hoặc có làm nhưng chưa đúng chuẩn, nên kết quả kiểm nghiệm chưa biết chính xác thế nào. Vì thế, Sở Y tế không có cơ sở pháp lý để kết luận về 3-MCPD. Tuy nhiên, sở vẫn làm việc với các cơ sở sản xuất nước tương để yêu cầu thay đổi qui trình công nghệ sản xuất. Lúc đó nước tương của cơ sở nào cũng có chất 3-MCPD cao cả.

 

Cũng theo ông Giang, tháng 3/2005, Bộ Y tế có qui định về hàm lượng chất 3-MCPD (1mg/kg) thì sở lại “vướng” chưa có một phòng kiểm nghiệm “trọng tài” nên khó công bố kết quả kiểm nghiệm.Vì thực tế cùng một mẫu nước tương nhưng xét nghiệm ở hai phòng kiểm nghiệm khác nhau cho hai kết quả khác nhau, chênh đến 10, 100, 1.000 lần. Vì vậy, khi nhận kết quả kiểm nghiệm, sở cũng không dám “ăn chắc” kết quả có chính xác 100% hay không, dẫn đến chần chừ, lừng khừng trong việc công bố. Một khó khăn khác trong chậm công bố là vì có qui định phải sau 90 ngày kể từ khi có kết quả kiểm nghiệm và cơ quan chức năng tiến hành xử lý mới hết thời hiệu khiếu nại của cơ sở.

 

Thanh tra có thiếu sót

 

Trả lời các câu hỏi của báo, đài, ông Giang cho rằng thanh tra sở đã xử lý đúng qui định nhưng cũng có một vài thiếu sót. Trách nhiệm thu hồi sản phẩm là của doanh nghiệp vi phạm, cơ quan quản lý có quyền yêu cầu doanh nghiệp phải báo cáo để giám sát nhưng vừa qua còn thiếu sót trong giám sát tiêu hủy. Về việc thu hồi, tiêu hủy sản phẩm nước tương của mười cơ sở “đen” đã thực hiện đến đâu thì ông Giang nói: “Tôi cũng chưa nắm được, xin khất lại trả lời sau. Để chúng tôi nắm lại tình hình và kiểm tra lại các cơ sở vi phạm xem thế nào”.

 

Ông Giang cũng hứa sắp tới Sở Y tế sẽ thực hiện một số biện pháp kiên quyết hơn nữa để đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó có nước tương. Khi có kết quả kiểm nghiệm 3-MCPD vượt giới hạn sẽ tiến hành thu hồi, niêm phong ngay đưa vào kho, chứ không đợi hết thời hiệu khiếu nại mới thu hồi niêm phong. Sở cũng sẽ thông tin công khai cho báo chí và hội bảo vệ người tiêu dùng biết kết quả kiểm tra, xử lý các cơ sở vi phạm theo qui định của pháp luật.

 

Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Trần Đáng: Cấn xử lý triệt để

 

Đây là sai lầm của Sở Y tế TPHCM. Chúng tôi đang làm công văn để phê bình. Đi thanh tra có kết quả nhưng không báo cáo, mãi đến khi chúng tôi yêu cầu mới báo cáo.

 

Cục An toàn vệ sinh thực phẩm sẽ đề xuất ba vấn đề: với Sở Y tế TPHCM, đề nghị xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm; cơ sở mới sản xuất phải cam kết đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nước tương không có 3-MCPD để lành mạnh thị trường; khi đi kiểm tra, các cơ sở không đạt tiêu chuẩn chất lượng phải đóng cửa, phải làm đúng như yêu cầu của Chính phủ. 3-MCPD sinh ra là do công nghệ sản xuất, nếu chỉ phạt tiền cho tồn tại thì rất khó thay đổi.    

 

Bác sĩ Trần Văn Ký - phụ trách văn phòng phía Nam Hội Khoa học kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm VN: Phải tiêu huỷ toàn bộ

 

Đúng ra khi cơ quan quản lý nhà nước phát hiện sản phẩm nước tương có chất 3-MCPD vượt mức qui định thì phải yêu cầu cơ sở thu hồi toàn bộ sản phẩm chứ không chỉ thu hồi riêng lô kiểm nghiệm. Đồng thời buộc cơ sở phải tạm ngưng sản xuất (chứ không phải đóng cửa hoạt động) để điều tra tiếp các lô sản phẩm khác, cũng như qui trình và nguyên liệu sản xuất. Theo bác sĩ Ký, chất 3-MCPD có trong nước tương không phải là sơ sót trong qui trình sản xuất mà là do công nghệ sản xuất sinh ra. Vì thế, lô kiểm nghiệm này không đảm bảo chất lượng thì chắc chắn các lô khác cũng không đảm bảo.

 

Ông Nguyễn Mộng Hùng, chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng TPHCM: Biết mà không thông tin là vi phạm pháp luật

 

Thanh tra Sở Y tế đã biết rõ chuyện vi phạm của các cơ sở sản xuất mà không thông tin cho người tiêu dùng biết là vi phạm pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng. Ngay khi phát hiện mẫu nước tương có vi phạm, thanh tra Sở Y tế phải ra quyết định phong tỏa, thu hồi ngay toàn bộ hàng hóa của cơ sở sản xuất đó chứ không chỉ riêng đối với lô hàng đã lấy mẫu để đảm bảo an toàn cho người dân. Qui trình kiểm nghiệm phải được thực hiện nhanh chóng, tránh tình trạng kiểm nghiệm xong thì hàng hóa đã được bán hết ra thị trường.

 

Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng cũng đòi hỏi cơ quan y tế phải công bố đầy đủ các nhãn hiệu có vi phạm. Còn chuyện nhãn hiệu đó của cơ sở nào thì chỉ có cơ quan quản lý mới cần quan tâm thôi.

 

Theo Tuổi Trẻ