1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Sẽ siết chặt quản lý “biệt thự công vụ”

Bộ Tài chính đang tiến hành soạn thảo Quy chế quản lý và sử dụng nhà ở công vụ, Bộ Xây dựng cũng đã có chủ trương xây dựng quy chế quản lý nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước, trong đó có nhà ở công vụ. Theo đó, tới đây việc quản lý “biệt thự công vụ” như trường hợp của ông Hoàng Văn Nghiên sẽ được siết chặt.

Tiền thuê nhà 10 năm chỉ đủ quét vôi một lần!

 

Kết quả điều tra khảo sát và đánh giá hiện trạng quản lý sử dụng quỹ nhà biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, do Cục quản lý nhà, Bộ Xây dựng thực hiện cho thấy, chất lượng biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước đang bị giảm sút nghiêm trọng.

  

“Nhiều biệt thự bị hư hỏng nhưng hàng chục năm không được đầu tư sửa chữa, có lần tiến hành điều tra để xây dựng đề án bán nhà biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước thì UBND thành phố Hà Nội đã phải kiến nghị loại bỏ 34 nhà biệt thự cũ nát” - Một thành viên trong nhóm thực hiện điều tra nói trên cho biết.

 

Một trong những lý do khiến các biệt thự ngày càng xuống cấp, là tình trạng kinh phí đầu tư cho sửa chữa, cải tạo chủ yếu lấy từ nguồn thu tiền cho thuê nhà, nhưng giá cho thuê lại quá thấp, chỉ đủ nộp khấu hao cơ bản và duy trì bộ máy quản lý nhà đất.

 

Vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Chính phủ đã có một chính sách nhằm xóa bỏ chế độ phân phối nhà ở, nâng giá cho thuê nhà ở từ bình quân 25 đồng/m2/tháng sử dụng lên 1.350 đồng/m2/tháng sử dụng (tăng 54 lần) để chuyển việc quản lý nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước sang phương thức kinh doanh.

 

Đồng thời, để đảm bảo cho cán bộ công nhân viên chức có khả năng chi trả tiền nhà ở theo giá mới, Nhà nước đã đưa tiền nhà ở vào cơ cấu tiền lương (khoảng 8%).

 

Tuy nhiên đến nay, tiền thuê nhà ở vẫn quá thấp (so với giá thị trường), ví như trường hợp của biệt thự số 12 phố Nguyễn Chế Nghĩa mà ông Hoàng Văn Nghiên thuê vào khoảng 2.400 đ/m2/tháng...

 

Hà Nội: Còn 80 trường hợp đang ở biệt thự công như ông Nghiên.

 

Theo số liệu đến cuối năm 2005, biệt thự số 12 Nguyễn Chế Nghĩa mà cựu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hoàng Văn Nghiên “có nguyện vọng” được “mua” theo Nghị định 61, là 1 trong số 778 căn biệt thự (tổng diện tích 162.837 m2) thuộc sở hữu Nhà nước tại Hà Nội.

 

Đây là 1 trong số 82 biệt thự công của Hà Nội chỉ có 1 hộ là chủ sử dụng. Trong số 611 biệt thự được khảo sát tại Hà Nội, có 564 biệt thự được sử dụng để ở, 34 biệt thự dùng làm trụ sở cơ quan, 13 biệt thự đang sử dụng xen kẽ giữa làm việc và ở.

 

Thông qua việc xác định chất lượng còn lại của biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước thuộc diện được bán theo quy định tại Nghị định 61/CP, hầu hết các biệt thự xây dựng từ trước năm 1930 đều được xác định chất lượng còn lại chỉ từ 48 - 55%; những biệt thự được xây dựng sau năm 1930 được xác định chất lượng từ 52 - 60% so với lúc mới xây xong.

Đó là một bất hợp lý lớn, dẫn đến tình trạng và cơ chế 2 giá (giá thuê theo quy định của Nhà nước từ gần 20 năm nay không thay đổi và giá thuê nhà trên thị trường). Tiền thuê nhà theo giá nhà nước trong 10 năm chỉ đủ... quét vôi một lần!

 

Bên cạnh đó, việc thực hiện các nghĩa vụ quy định trong hợp đồng thuê nhà ở biệt thự cũng có nhiều bất cập. Theo lãnh đạo Cục Quản lý nhà, tình trạng tự do chuyển nhượng hợp đồng cho thuê nhà không thông qua cơ quan quản lý nào là phổ biến.

 

Riêng ở Hà Nội còn tồn đọng khoảng 10.000 trường hợp chuyển đổi hợp đồng mà chưa đăng ký với cơ quan quản lý của thành phố. Nhiều trường hợp sang nhượng “hoa hồng” qua tay nhiều người mà hợp đồng vẫn mang tên người thuê nhà đầu tiên.

 

“Tình trạng này còn tiếp tục diễn ra, chưa có biện pháp nào giải quyết” - Một lãnh đạo Cục Quản lý nhà nhận định.

 

Từ “lỏng lẻo” đến “giẫm chân”

 

Đứng trước hiện trạng trên, các cơ quan chức năng đang có nhiều động thái nhằm siết chặt quản lý và sử dụng nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước nói chung, nhà ở công vụ nói riêng.

 

Trong khuôn khổ việc triển khai Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Luật Nhà ở vừa được Quốc hội thông qua, Bộ Tài chính đang xây dựng Quy chế về quản lý và sử dụng nhà công vụ.

 

Theo đó, quy chế này sẽ điều chỉnh đối với loại nhà công vụ được xây dựng và bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức ở trong thời gian được điều động, luân chuyển đến nơi công tác mới xa nơi ở; quy định về đầu tư xây dựng, quản lý nhà công vụ; quy định cụ thể trách nhiệm, cán bộ, công chức trong việc hoàn trả nhà công vụ khi không còn trách nhiệm công vụ...

 

Nguồn tin từ Bộ Xây dựng cho biết, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân đã giao cho Cục Quản lý nhà thuộc Bộ này nghiên cứu để ban hành quy chế quản lý nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước, trong đó có nhà ở công vụ.

 

Quy chế vừa nêu của Bộ Xây dựng đề cập đến nhiều vấn đề cụ thể như quy định đối tượng sử dụng nhà công vụ là ai; tiêu chuẩn và trình tự trong quá trình sử dụng; quản lý sử dụng đối với phần diện tích chung (nếu có); nhất là việc phân hạng biệt thự, nhà chung cư để quy định giá cho thuê hợp lý; xử lý trong trường hợp người thuê không đóng tiền đầy đủ ra sao; hết tiêu chuẩn sử dụng nhà công vụ thì trả lại Nhà nước thế nào...

 

Từ chỗ vấn đề nhà ở công vụ chưa có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh cụ thể, đến chỗ cùng lúc có hai cơ quan soạn thảo quy chế để quản lý loại hình nhà ở này, đang khiến giới quan sát e ngại sự “giẫm chân” về quản lý Nhà nước.

 

Trao đổi với chúng tôi với tư cách cá nhân, ông Vũ Mạnh Hà- Trưởng phòng Quản lý nhà (Bộ Xây dựng) - nói: “Sở dĩ có tình trạng như vậy là vì chức năng quản lý công sản thuộc Bộ Tài chính, nhưng chức năng về quản lý nhà ở thì lại của Bộ Xây dựng, mà nhà ở công vụ lại mang cả hai thuộc tính đó.

 

Thực ra, trong Luật Nhà ở mới được Quốc hội thông qua đã phân rất rõ chức năng quản lý Nhà nước về vấn đề này, và cơ quan quản lý chung của nhà ở công vụ chính là Bộ Xây dựng”.

 

Theo Võ Văn Thành
Tiền Phong