1. Dòng sự kiện:
  2. Đại hội Đảng bộ các cấp
  3. Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV

Sẽ không còn thanh tra 12 bộ và 1.001 thanh tra sở

Thế Kha

(Dân trí) - 12 thanh tra bộ, 5 thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ, thanh tra BHXH Việt Nam, 696 thanh tra huyện, 1.001 thanh tra sở, 53 cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành sẽ không còn.

Thông tin này được nêu trong hồ sơ dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) vừa được Thanh tra Chính phủ gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định.

Sẽ không còn thanh tra 12 bộ và 1.001 thanh tra sở - 1

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Đạt vừa ký hồ sơ dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định (Ảnh: Phương Hiếu).

Trao đổi với phóng viên Dân trí, đại diện cơ quan soạn thảo - Thanh tra Chính phủ, cho biết các quy định tại Luật Thanh tra năm 2022 về thanh tra bộ, thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ, thanh tra huyện, thanh tra sở, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đã được lược bỏ trong dự thảo luật.

Việc đó sẽ giúp cắt giảm các thủ tục do 12 thanh tra bộ, 5 thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ, thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam, 696 thanh tra huyện, 1.001 thanh tra sở và 53 cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thực hiện.

Hệ thống các cơ quan thanh tra sẽ bao gồm: Thanh tra Chính phủ; Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Cơ quan thanh tra trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Cơ yếu; Cơ quan thanh tra được thành lập theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (Thanh tra Cục An toàn bức xạ và hạt nhân; Thanh tra Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam; Thanh tra Cục Hàng không Việt Nam; Thanh tra Ủy ban Chứng khoán nhà nước).

Khi tổ chức lại như vậy, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh được dự thảo luật bổ sung khá nhiều so với luật hiện hành.

Thanh tra Chính phủ tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ thanh tra của 12 Thanh tra Bộ; Thanh tra tỉnh tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ thanh tra của Thanh tra cấp huyện, Thanh tra sở.

Dự thảo luật cũng đề xuất các quy định về vị trí, chức năng của Thanh tra Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Cơ yếu và cơ quan thanh tra theo điều ước quốc tế, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc quy định cụ thể về tổ chức và hoạt động của các cơ quan thanh tra này.

Đề xuất bãi bỏ cụm từ "thanh tra sở, thanh tra huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh" tại khoản 3 Điều 63 của Luật Khiếu nại năm 2011.

Thanh tra Chính phủ đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tư pháp xây dựng Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi) để trình cấp có thẩm quyền cùng thời điểm trình dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi). Trong đó bổ sung quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành nhằm bảo đảm có đủ cơ sở pháp lý cho việc phòng ngừa, xử lý vi phạm hành chính, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.

Sẽ không còn thanh tra 12 bộ và 1.001 thanh tra sở - 2

Trụ sở Thanh tra Chính phủ (Ảnh: Thế Kha).

Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) quy định, chậm nhất vào ngày 30/9 hàng năm, Tổng Thanh tra Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng chương trình thanh tra của năm sau, trước ngày 15/10.

Căn cứ vào định hướng đó, Tổng Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm hướng dẫn Thanh tra Bộ Công an, Thanh tra Bộ Quốc phòng, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Cơ yếu, Thanh tra theo điều ước quốc tế, Thanh tra tỉnh xây dựng dự thảo kế hoạch thanh tra.

"Việc xây dựng, ban hành kế hoạch thanh tra phải căn cứ vào định hướng chương trình thanh tra, hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ, yêu cầu của nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và công tác quản lý thuộc phạm vi quản lý của ngành, lĩnh vực và địa phương", dự thảo luật nêu rõ.

Hoạt động thanh tra được thực hiện theo kế hoạch hoặc đột xuất. Trong đó, thanh tra đột xuất được tiến hành khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực hoặc do thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giao hoặc đề nghị.

Thời gian thực hiện một cuộc thanh tra

Dự thảo luật đề xuất quy định cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ tiến hành không quá 60 ngày; trường hợp phức tạp có thể gia hạn một lần không quá 30 ngày. Trường hợp đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn lần thứ hai không quá 30 ngày.

Cuộc thanh tra do Thanh tra Bộ Công an, Thanh tra Bộ Quốc phòng, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra tỉnh tiến hành không quá 45 ngày; trường hợp phức tạp hoặc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì có thể gia hạn một lần không quá 30 ngày.

Cuộc thanh tra do Thanh tra Cơ yếu, cơ quan thanh tra theo điều ước quốc tế tiến hành không quá 30 ngày; trường hợp phức tạp hoặc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn có thể gia hạn một lần không quá 15 ngày.

Thời gian tạm dừng cuộc thanh tra không tính vào thời hạn thanh tra.