Cơ cấu tổ chức ngành thanh tra sẽ thay đổi như thế nào?
(Dân trí) - Cơ quan thanh tra sẽ bao gồm Thanh tra Chính phủ; thanh tra cấp tỉnh; thanh tra trong quân đội, công an, ngân hàng nhà nước, thanh tra cơ yếu; cơ quan thanh tra được thành lập theo điều ước quốc tế.
Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) vừa được Thanh tra Chính phủ hoàn thiện, cơ bản kế thừa các quy định của Luật Thanh tra năm 2022, chỉ sửa đổi, hoàn thiện những quy định liên quan đến sắp xếp hệ thống các cơ quan thanh tra và khắc phục những bất cập, chồng chéo, trùng lặp trong tổ chức, hoạt động.
Sẽ tồn tại những cơ quan thanh tra nào?
Thanh tra Chính phủ đề xuất lược bỏ 52 điều của Luật Thanh tra năm 2022. Trong đó, lược bỏ hoàn toàn các quy định về Thanh tra Bộ, Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ, Thanh tra huyện, Thanh tra sở, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra chuyên ngành, tổ chức và hoạt động thanh tra nội bộ…

Trụ sở Thanh tra Chính phủ (Ảnh: Thanh tra).
Dự thảo luật lược bỏ và giao Chính phủ quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm vào các ngạch thanh tra viên; miễn nhiệm thanh tra viên; trang phục, thẻ thanh tra viên; xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra; hồ sơ thanh tra; xây dựng, phổ biến kế hoạch thanh tra; sửa đổi, bổ sung kế hoạch tiến hành thanh tra; xây dựng đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo; thông báo về việc công bố quyết định thanh tra…
Cơ quan thanh tra sẽ chỉ còn bao gồm: 1 - Thanh tra Chính phủ; 2 - Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là Thanh tra tỉnh); 3 - Cơ quan thanh tra trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Cơ yếu; 4 - Cơ quan thanh tra được thành lập theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên (Thanh tra Cục An toàn bức xạ và hạt nhân; Thanh tra Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam; Thanh tra Cục Hàng không Việt Nam; Thanh tra Ủy ban Chứng khoán nhà nước).
Việc lược bỏ 52 điều của Luật Thanh tra năm 2022, theo Thanh tra Chính phủ, sẽ góp phần cắt giảm trên 40% các thủ tục hành chính trong hoạt động thanh tra.
Cụ thể, cắt giảm các thủ tục do 12 Thanh tra Bộ, 5 Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam, 696 Thanh tra huyện, 1.001 Thanh tra sở và 53 cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thực hiện.
Thanh tra tỉnh sẽ tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ thanh tra của Thanh tra cấp huyện, Thanh tra sở.
Không phân biệt thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành
Dự thảo luật đã hoàn thiện khái niệm "thanh tra" theo hướng không phân biệt thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành, mà chỉ còn là thanh tra.
Phân định rõ hoạt động thanh tra với kiểm tra chuyên ngành về chủ thể, phạm vi, đối tượng, quy trình, trình tự, thủ tục.
"Thanh tra là hoạt động xem xét, đánh giá, kết luận, kiến nghị xử lý của cơ quan thanh tra đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định", dự thảo nêu rõ.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy phát biểu tại buổi tiếp công dân định kỳ ở Hà Nội mới đây (Ảnh: Lan Anh).
Dự thảo đề xuất phân cấp cho Thanh tra Chính phủ và Thanh tra tỉnh chủ động trong việc thanh tra công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước tại doanh nghiệp sau khi báo cáo thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp. Hiện nay, Thanh tra Chính phủ và Thanh tra tỉnh chỉ thực hiện khi được thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp giao, làm mất đi tính chủ động của công tác thanh tra.
Chánh Thanh tra tỉnh được đề xuất phân cấp ban hành kế hoạch thanh tra sau khi Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý về chủ trương.
Chính phủ quy định về việc quản lý, sử dụng kinh phí trích cho cơ quan thanh tra và chế độ đối với người làm việc trong cơ quan thanh tra; trang phục, chế độ cấp trang phục thanh tra cho Thanh tra viên.
Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ban hành quy định về hoạt động kiểm tra trong ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước của mình trong trường hợp chưa được luật chuyên ngành và Chính phủ quy định.
Tổng Thanh tra Chính phủ có thể đề nghị Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ cử người có chuyên môn, nghiệp vụ tham gia đoàn thanh tra của Thanh tra Chính phủ khi thấy cần thiết.
Chánh Thanh tra tỉnh có thể đề nghị Giám đốc Sở, Chủ tịch UBND cấp cơ sở cử người có chuyên môn, nghiệp vụ tham gia đoàn thanh tra của Thanh tra tỉnh khi thấy cần thiết.
Ngoài ra, dự thảo bổ sung quy định về vị trí, chức năng của Thanh tra Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Cơ yếu và cơ quan thanh tra được thành lập theo điều ước quốc tế nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc quy định cụ thể về tổ chức và hoạt động của các cơ quan thanh tra.
Thanh tra viên
Thanh tra viên là người được bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên trong các cơ quan thanh tra để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động thanh tra theo quy định của pháp luật. Ngạch thanh tra viên bao gồm thanh tra viên, thanh tra viên chính, thanh tra viên cao cấp.
Thanh tra viên phải tuân thủ pháp luật, chịu trách nhiệm trước thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Thanh tra viên được cấp trang phục, thẻ thanh tra để sử dụng khi thực hiện nhiệm vụ thanh tra.
Cơ quan thanh tra có chức năng giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiến hành thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo quy định của pháp luật.