(Dân trí) - Khép lại một năm gồng mình chống dịch, TPHCM bước vào năm 2022 với nhiều nỗi lo khi hàng loạt chỉ số kinh tế - xã hội sụt giảm sâu, mọi kế hoạch, dự tính đều không theo đúng lộ trình…
Sau đại dịch Covid-19, TPHCM "lấy lại những gì đã mất" ra sao?
(Dân trí) - Khép lại một năm gồng mình chống dịch, TPHCM bước vào năm 2022 với nhiều nỗi lo khi hàng loạt chỉ số kinh tế - xã hội sụt giảm sâu, mọi kế hoạch, dự tính đều không theo đúng lộ trình…
Thế nhưng, đầu tàu kinh tế phía Nam cũng đặt mục tiêu, năm 2022 là thời điểm để bứt phá, "lấy lại những gì đã mất" do đại dịch, và để tương xứng với vị thế mà địa phương này được cả nước kỳ vọng. Đây cũng là năm bản lề để quyết định thành phố có đạt các mục tiêu lớn của nhiệm kỳ đề ra hay không.
Giữa thách thức và kỳ vọng đan xen, TPHCM lựa chọn hướng đi cho năm 2022 với sự thận trọng cần thiết. Việc đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5% sau một năm mất đà đã thể hiện rõ những dự liệu của các cấp chính quyền về việc "thách thức nhiều hơn thuận lợi". Nhưng kết quả thực tế của thành phố đã tạm gác lại những nỗi lo ấy. Trong một năm tình hình trong nước và thế giới có nhiều biến động phức tạp, TPHCM đạt mức tăng trưởng hơn 9%, vượt xa mốc đề ra, các chỉ số khác cũng tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ.
Kết quả chứng minh lời hứa của TPHCM
Tại buổi làm việc với UBND TPHCM cuối tháng 11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gọi sự bứt phá ngay sau đại dịch của thành phố đem đến sự tự hào và ngạc nhiên. Trong những thành tựu chung của cả nước, TPHCM là nơi mang lại nguồn cảm hứng và có sự đóng góp quan trọng.
Để đạt được bước nhảy vọt trong năm "lấy lại những gì đã mất", ngay từ đầu năm, chính quyền thành phố đã xác định trọng tâm các công việc cần xoay quanh vấn đề đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp, khắc phục trong thời gian ngắn nhất những đứt gãy của chuỗi cung ứng, sản xuất, tìm kiếm động lực tăng trưởng mới. TPHCM cũng thành lập một tổ công tác hỗ trợ cho các doanh nghiệp chịu tác động nặng nề bởi dịch Covid-19.
Đồng thời, nhiều đoàn công tác do các thành viên của ban lãnh đạo UBND TPHCM dẫn đầu đã liên tục có các chuyến khảo sát, đánh giá, làm việc với các sở, ngành, chủ đầu tư, doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về vốn cùng các vấn đề khác liên quan tới nhiều dự án. Những dấu ấn của loạt chính sách hỗ trợ, tinh thần quyết liệt vượt qua khó khăn của TPHCM đã mang tới thành quả rõ rệt trong nửa cuối năm 2022.
Tính đến hết tháng 11 năm 2022, TPHCM thu ngân sách ước đạt hơn 457 nghìn tỷ đồng, chiếm 1/3 tổng thu cả nước, vượt 18,4% dự toán được giao. Địa phương cũng có sự gia tăng mạnh về chỉ số xuất, nhập khẩu hàng hóa, chỉ số công nghiệp.
Trong khi năm 2021, TPHCM chứng kiến sự sụt giảm đà tăng trưởng sâu nhất trong lịch sử với âm 6,78%. Nhưng chỉ một năm sau đó, địa phương đã đạt mức tăng trưởng hơn 9%, cao hơn bình quân cả nước. Nhìn nhận về những điều đạt được của TPHCM trong năm qua, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy thành phố, bày tỏ, kết quả này đã giúp thành phố hoàn thành lời hứa trong thời gian chống dịch. Quãng thời gian chống dịch, cả nước đã vì TPHCM, khi phục hồi, TPHCM sẽ vì cả nước.
Những chuyển biến mạnh mẽ
Bên cạnh những số liệu trên giấy tờ, người dân TPHCM cũng cảm nhận được nhịp sống của một đô thị sôi động nhất cả nước từng bước quay lại như thời điểm trước khi diễn ra dịch Covid-19. Những ngày cuối năm 2022, những con đường lớn của thành phố náo nhiệt cảnh người dân vui chơi, sắm Tết, những tuyến phố đi bộ lại "lên nhạc" chào đón khách du lịch trong nước và quốc tế - khung cảnh mà những người lạc quan nhất cũng khó tưởng tượng ra một năm trước đây.
Diện mạo đô thị của TPHCM cũng tạo sự chuyển mình lớn trong ngay từ đầu năm. Các hạng mục cơ bản của công viên Bến Bạch Đằng được hoàn thành từ hồi tháng 1, và chính thức khánh thành vào tháng 3 sau hơn nửa năm thi công. Thay thế cho đoạn đường bờ sông nhỏ hẹp trước đây, công viên Bến Bạch Đằng mới đã tạo điểm nhấn cho khu vực trung tâm thành phố. Người dân, du khách tới TPHCM có thêm một không gian cảnh quan, văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng để ngắm cảnh, ngắm sông Sài Gòn.
TPHCM tiếp tục tổ chức lễ khánh thành, đưa vào hoạt động cầu Thủ Thiêm 2. Công trình dài 1,5km, bắc ngang sông Sài Gòn đã lập tức trở thành biểu tượng mới của thành phố. Bên cạnh mặt mỹ quan đô thị, cầu Thủ Thiêm 2 còn là minh chứng cho việc địa phương tập trung mọi nguồn lực, giải pháp để phục hồi mạnh mẽ kinh tế sau đại dịch Covid-19. Với việc kết nối khu đô thị mới Thủ Thiêm - nơi được định hướng là trung tâm tài chính mới - với trung tâm TPHCM hiện hữu, cây cầu sẽ tạo ra sức hút, động lực đầu tư mới cho toàn địa bàn.
Trong năm qua, TPHCM cũng thực hiện nhiều giải pháp nhằm khắc phục điểm yếu cố hữu "hạ tầng đi sau sự phát triển" đã kéo dài nhiều năm. Hàng loạt công trình, dự án giao thông trọng điểm đã được địa phương khởi công, khánh thành và hoàn tất cả phần việc cuối cùng để đưa vào hoạt động. Cụ thể, tháng 8, người dân, du khách, các hộ kinh doanh phấn khích khi thấy tuyến đường Lê Lợi được hoàn trả mặt bằng sau 6 năm bị các lô cốt án ngữ. Tiến độ hoàn trả mặt bằng các trục đường tại khu vực trung tâm thành phố cũng báo hiệu về thời điểm tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đang băng băng về đích.
Những ngày cuối năm, các đơn vị cũng hoàn tất các phần việc cuối cùng để hoàn trả mặt đường khu vực thi công bến ngầm ga Bến Thành - nằm phía trước chợ Bến Thành. Với tiến độ hiện tại, ngày người dân TPHCM được chiêm ngưỡng lại các không gian quen thuộc xưa của thành phố như công trường Quách Thị Trang, bùng binh Cây Liễu, sau khi các hạng mục ngầm của tuyến tàu điện hoàn tất sẽ không còn xa.
Trước những mong đợi của người dân về tuyến metro số 1, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, thông tin, dự án đã hoàn thành 93% tổng khối lượng công việc. Đến khoảng tháng 3 năm 2023, metro số 1 sẽ chạy thử toàn tuyến. Sau công đoạn này, các dịch vụ tiện ích sẽ được đưa vào các nhà ga để khai thác thương mại trong năm 2023…
Thách thức nào cho TPHCM năm 2023?
Trước những thành quả đạt được của năm 2022, Bí thư Thành ủy TPHCM nhìn nhận, địa phương có tâm trạng vừa vui, vừa lo. Vui vì hầu hết các chỉ tiêu của năm đều đạt hoặc vượt kế hoạch. Lo vì TPHCM đang chịu ảnh hưởng bởi những khó khăn vượt khỏi tầm của địa phương như vấn đề của thị trường xăng dầu, bất động sản, trái phiếu và người lao động mất việc…
Những dự đoán về tình hình khó khăn của TPHCM thời gian tiếp theo đã được nhận diện từ sớm. TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, đánh giá, sự hồi phục toàn diện về kinh tế - xã hội là điểm sáng của TPHCM 10 tháng đầu năm 2022. Nhưng đến tháng 10, guồng quay của thị trường đã có dấu hiệu khựng lại.
Việc Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5% cho cả nước vào năm 2023, thành phố chỉ nên đặt mục tiêu tốt hơn bình quân cả nước khoảng 1,2 lần, tức là từ 7,5% đến 7,8%. Lý do đưa ra là bởi, dù TPHCM tăng trưởng hơn 9% năm 2022, nhưng dựa trên nền tăng trưởng âm sâu của năm 2021, mặt khác, địa phương cũng chịu tác động bởi những bất lợi trên phạm vi cả nước.
Đối với những vấn đề từ nội tại, điểm yếu về hấp thụ vốn cũng là điều các cấp chính quyền thành phố cần lưu tâm và sớm khắc phục. Tính đến hết tháng 11 năm 2022, toàn địa bàn mới giải ngân được khoảng 31% vốn đầu tư công, tỷ lệ thấp nhất cả nước.
Đây cũng là điểm yếu được Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ ra và yêu cầu TPHCM tập trung mọi nguồn lực để cải thiện tại buổi làm việc gỡ vướng về các dự án đầu tư công. Khi điểm yếu này được khắc phục, TPHCM sẽ có thêm nguồn lực, động lực tăng trưởng mới để hỗ trợ hàng loạt chính sách khác đi kèm.
Với sự đồng lòng từ người dân, doanh nghiệp và sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, TPHCM đã bước qua năm 2022 - năm bản lề của nhiệm kỳ và là năm phục hồi sau quãng thời gian bị bào mòn mọi nguồn lực bởi đại dịch - với nhiều điểm sáng vượt kỳ vọng về kinh tế - xã hội. Từ nền tảng đó, năm 2023 là thời điểm để thành phố đột phá, thử nghiệm những vấn đề mới nhằm củng cố và khẳng định vị thế đầu tàu đối với cả nước.
Thực hiện: Quang Huy