1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Lâm Đồng:

Sập hầm thủy điện “vùi” 12 công nhân: Những mũi khoan nhọc nhằn!

(Dân trí) - “Chúng tôi làm việc quên ăn quên ngủ khi nghĩ đến các nạn nhân đang mắc kẹt bên trong. Tính mạng của họ mới quan trọng…”, anh Nguyễn Văn Quân, công nhân hàn gia cố tại hầm thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo (xã Lát, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) - tâm sự.

Sập hầm thủy điện “vùi” 12 công nhân: Những mũi khoan nhọc nhằn!
Mũi khoan từ đỉnh đồi xuống vị trí sập hầm phải thực hiện lại từ đầu bằng mũi khoan mới do mũi khoan cũ bị kẹt khi vấp đá - Ảnh: Viết Hảo

Nhọc nhằn mũi khoan từ đỉnh đồi

Mũi khoan từ đỉnh đồi - mũi khoan được hi vọng trở thành đường cung cấp ôxy tự nhiên và là con đường được chọn để chuyển áo quần chống rét xuống cho 12 công nhân đang mắc kẹt.

Mũi khoan này được triển khai từ tối ngày 17/12. Khi việc khoan đang tiến hành thuận lợi, chạm đến độ sâu hơn 40m vào 15h ngày 18/12 thì bất ngờ vấp phải đá cứng, mũi khoan kẹt dưới lòng đất. Lực lượng phụ trách là một nhóm thợ ở Đà Lạt đã cố gắng đẩy mũi khoan đi sâu hơn nhưng bất thành. Thấy bất lợi, các thợ khoan đã cho kéo mũi khoan lên nhưng không thành công.

Ngay sau đó, một xe múc đã được điều động để giúp giải phóng mặt bằng, làm rộng khu vực khoan. Các kỹ sư, chuyên gia đã khảo sát và chọn một địa điểm khác cách vị trí cũ 6-8m về hướng cửa hầm chính để khoan mũi mới. Ông Nguyễn Kim Hanh (41 tuổi), một người trong nhóm khoan - cho biết: “Hiện đội khoan đang có 6 người trực tiếp khoan. Chúng tôi không thể biết chắc ở phía dưới, đá đang nằm ở đâu, không lường được trở ngại…”.

Theo một cá bộ kỹ thuật khác, khu vực đỉnh đồi nơi đặt mũi khoan có rất nhiều đá “mồ côi”, nằm so le ở dưới lòng đất. Mũi khoan mới ở từ đỉnh đồi hi vọng sẽ không gặp thêm trở ngại.

Việc thực hiện từ đầu mũi khoan mới đã khiến phương án tiếp cận từ đỉnh đồi chậm hơn so với dự kiến (dự kiến thông vào đêm 18/12). Hiện lực lượng chức năng đang làm mọi cách để thực hiện thành công mũi khoan này.

Sập hầm thủy điện “vùi” 12 công nhân: Những mũi khoan nhọc nhằn!
Từ phía cửa chính hầm thủy điện, hiện đang có 3 mũi ống khoan để hút nước bên trong ra ngoài, dùng để truyền thức ăn, ô-xi - Ảnh: Viết Hảo

“Tính mạng các nạn nhân mới quan trọng…”

Là công nhân đã 3 ngày liền tham gia hàn gia cố mặt trần hầm, công nhân Nguyễn Văn Quân, Công ty Sông Đà 505 - cho biết công việc tuy ở cường độ cao nhưng anh cùng những người khác vẫn cố gắng đến mức tối đa để hoàn thành công việc đúng tiến độ. Mặc dù “mướt mồ hôi” nhưng khi được hỏi anh Quân tâm sự: “Chúng tôi dường như quên cả mệt khi nghĩ đến các nạn nhân đang mắc kẹt bên trong. Tính mạng của họ mới quan trọng…”.

Anh Quân cho biết lúc xảy ra vụ sập hầm, anh đang làm việc ở bên ngoài cửa hầm chính. Ngay sau vụ việc, anh cùng 3 người nữa chạy vào chỗ đất bị sập đào bới khoảng 10m nhưng không ăn thua.

Công nhân nỗ lực làm việc đến mức tối đa - Ảnh: Viết Hảo
Công nhân nỗ lực làm việc đến mức tối đa - Ảnh: Viết Hảo

“Lúc đó tôi thấy một ống nhựa dẫn nước nối từ vị trí các nạn nhân thò dài ra ngoài, tôi đã dùng cuốc chặt mạnh để cho không khí có thể lưu thông nhưng đường ống đã bị đất, đá đè bẹp rồi”, anh Quân kể. Ngay sau đó, máy móc, phương tiện hiện đại nhất được kéo vào bên trong hầm thủy điện để khoan thông ống dẫn khí, giúp các nạn nhân tránh khỏi ngạt thở.

“Cần tính toán đến những rủi ro về địa chất…”

Đây là một trong những lưu ý của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải với các lực lượng cứu hộ, cứu nạn tại chỗ khi triển khai phương án đào song song 2 ngách hầm ở 2 bên hầm chính.

Sau khi thị sát đoạn hầm bị sập, Phó Thủ tướng cho biết địa chất quả đồi nơi hầm thủy điện chạy qua rất yếu, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sạt lở. “Nếu đào nhanh mà không tính toán đến những rủi ro về địa chất thì thậm chí còn gây nguy hiểm cho 12 công nhân bị kẹt bên trong”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải với báo chí tại hiện trường - Ảnh: Viết Hảo
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải với báo chí tại hiện trường - Ảnh: Viết Hảo

“Nếu chúng ta làm không thận trọng mà nó sập xuống thì các đường ống tiếp sữa, tiếp nước, tiếp thức ăn, tiếp ôxy… bị vùi đi thì rất nguy hiểm”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh thêm.

Theo Phó Thủ tướng, hiện các lực lượng tại chỗ đang phối hợp, hỗ trợ nhau rất nhịp nhàng. Lúc này cần kiên nhẫn, việc tiếp cận nạn nhân từ 3 hướng, tốc độ sẽ được đẩy nhanh hơn.

Viết Hảo