1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Lâm Đồng:

Lực lượng chức năng làm gì để tiếp cận 12 nạn nhân mắc kẹt?

(Dân trí) - Sau khi xảy ra vụ sập hầm thủy điện Đa Dâng - Đa Chomo (thôn Păng Tiêng, xã Lát, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng), vấn đề đặt ra là cách tiếp cận những người bị nạn để có thể sớm đưa họ ra an tòan.

Nỗ lực tiếp cận từ 3 hướng

Sáng 18/12, bước sang ngày cứu hộ thứ 3, thời tiết tại hiện trường đã khô ráo, không có mưa, thuận lợi hơn rất nhiều.

Để tiếp cận và có thể đảo bảo an toàn tính mạng cho 12 công nhân mắc kẹt bên trong, lực lượng chức năng cho triển khai đồng bộ các biện pháp kỹ thuật từ 3 hướng. Đó là hai hướng ở 2 đầu hầm thủy điện Đa Dâng - Đa Chomo và một hướng trực diện từ trên đỉnh đồi.

Các kỹ sư, công nhân đang nỗ lực xuyên đoạn hầm bị sập, rạng sáng 18/12 (Ảnh: Viết Hảo)
Các kỹ sư, công nhân đang nỗ lực xuyên đoạn hầm bị sập, rạng sáng 18/12 (Ảnh: Viết Hảo)

Ở mỗi hướng tiếp cận được phụ trách bởi một nhóm kỹ sư, công nhân ít nhất là 20 người. Hiện, tại vị trí sập hầm đang có 3 đường ống song song kể cả đã khoan thông và đang tiếp tục khoan. Các ống này có chức năng là hút nước bị ngập nơi các công nhân mắc kẹt ra ngoài; dẫn ôxy, truyền sữa và dụng cụ thiết yếu từ bên ngoài để cung cấp cho những người bị nạn.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết do bên trong lòng đất đang rất lạnh nên lực lượng chức năng đang cho khoan một đường khoan từ đỉnh núi với độ sâu 70m, đường kính ống khoan 11cm để đưa quần áo chống rét xuống. Nếu các công nhân nhận được áo quần thì họ sẽ an tòan và chịu đựng lâu hơn.

Ngoài lực lượng của chủ đầu tư, đơn vị thi công thì các đơn vị quân đội, cơ động, điện lực tỉnh Lâm Đồng cũng đang “tung” hết lực lượng hiện có để tham gia hỗ trợ công tác cứu hộ, cứu nạn.

Phía điện lực Lâm Đồng có nhiệm vụ duy trì và cung cấp điện ổn định với 2 máy phát điện công suất 500kw đang hoạt động bên ngoài cửa hầm. Việc duy trì nguồn điện đóng vai trò rất quan trọng cho các hoạt động kỹ thuật như khoan, hàn, gia cố… ở phía 2 đầu đoạn hầm bị sập.

Cùng với quân đội, lực lượng cơ động Công an tỉnh Lâm Đồng đã điều 30 chiến sĩ hỗ trợ việc vận chuyển các trang thiết bị, phương tiện hạng nặng vào bên trong hiện trường nhằm “tiếp ứng” cho tuyến trên. Việc đào đất đá giữa hầm để khơi thông dòng chảy được phía quân đội, công an triển khai với cường độ cao, hết sức khẩn trương trong suốt đêm 17 rạng sáng 18/12.

Tiếp cận từ 3 hướng để ứng cứu 12 công nhân (Ảnh: Viết Hảo)
Tiếp cận từ 3 hướng để ứng cứu 12 công nhân (Ảnh: Viết Hảo)

Chia nhau mừng mẩu bánh mì… để lấy sức làm việc

Từ tối 17/12, trước khi trời chập tối, một số nhu yếu phẩm đã được đưa tới hiện trường để cung cấp cho lực lượng cứu hộ, cứu nạn. Bữa ăn diễn ra rất chóng vánh trong các trại dã chiến ngay bên hiện trường. Trong thời tiết giá buốt, mọi người chia nhau từng ổ bánh mì, từng ngụm nước… để duy trì sức khỏe tiếp tục công việc, nhằm ứng cứu nhanh nhất những người bị nạn.

Phía bên trong hầm, nơi các kỹ sư giàu kinh nghiệm đang cho xuyên các mũi khoan, không khí làm việc càng khẩn trương hơn. Cơm hộp, nước đóng chai, bánh mì… được chuyển vào nhưng công nhân vẫn không đủ thời gian để ăn hết một suất cơm hay một mẫu bánh mì.

Lực lượng chức năng nỗ lực cao nhất để sớm tiếp cận những công nhân mắc kẹt (Ảnh: Viết Hảo)
Lực lượng chức năng nỗ lực cao nhất để sớm tiếp cận những công nhân mắc kẹt (Ảnh: Viết Hảo)

Công việc có lẽ khó khăn nhất là xuyên các mũi khoan và đưa đất đá ra ngoài. Do địa hình nơi hầm thủy điện có đất đá rất cứng nên không ít lần các mũi khoan bị “hãm” lại, thậm chí đi ngược quỹ đạo. Dù vậy, lực lượng chức năng vẫn kiên trì để các mũi khoan sớm thông xuyên.

Anh Vũ Văn Dũng, công nhân khoan hầm Thủy điện Sông Đà, cho biết: “Chúng tôi đang tiếp tục gia cố hiện trường bị sập. Nước đang dâng cao đến ngực những người bị nạn, mọi người đang đứng im một chỗ ở bên trong. Chúng tôi đang nỗ lực cao nhất để sớm tiếp cận những công nhân mắc kẹt…”.

Viết Hảo