1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Sắp bắt buộc kiểm định chất lượng đầu vào công chức

Thế Kha

(Dân trí) - Kết quả kiểm định chất lượng đầu vào công chức có giá trị sử dụng trong thời hạn 24 tháng. Bộ Nội vụ đề xuất hình thức kiểm định là thi trắc nghiệm 80-100 câu hỏi trên máy vi tính.

Bộ Nội vụ vừa công bố dự thảo Nghị định quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức để lấy ý kiến góp ý rộng rãi của dư luận.

Dự thảo nghị định đề xuất, trước ngày 31/1 hàng năm Bộ Nội vụ phải ban hành kế hoạch tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức, số lần tổ chức kiểm định trong năm, thời gian, địa điểm tổ chức kiểm định; đồng thời công khai trên cổng thông tin điện tử của Bộ Nội vụ.

Trường hợp các Bộ, ngành, địa phương có nhu cầu kiểm định chất lượng đầu vào công chức cho kỳ tuyển dụng công chức hàng năm của các cơ quan, đơn vị được phân công quản lý thì xây dựng kế hoạch, thông báo và lập danh sách thí sinh gửi Bộ Nội vụ để tổ chức kiểm định.

Sắp bắt buộc kiểm định chất lượng đầu vào công chức - 1

Trụ sở Bộ Nội vụ (Ảnh: T.K).

Hình thức, nội dung và thời gian kiểm định

Bộ Nội vụ đề xuất hình thức kiểm định là thi trắc nghiệm trên máy vi tính. Nội dung kiểm định gồm: Hiểu biết chung về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội; quản lý hành chính nhà nước; quyền, nghĩa vụ của công chức; kiến thức về văn hóa, lịch sử, đạo đức công vụ… và đánh giá năng lực tư duy, nhận thức, khoa học, năng lực ứng dụng vào thực tiễn của thí sinh.

Kiểm định chất lượng đầu vào đối với người tham gia thi tuyển vào vị trí việc làm có yêu cầu trình độ đại học trở lên sẽ trong thời gian 120 phút, số lượng câu hỏi không quá 100 câu.

Kiểm định chất lượng đầu vào đối với người tham gia thi tuyển vào vị trí việc làm có yêu cầu trình độ trung cấp, cao đẳng có thời gian 100 phút, số lượng câu hỏi không quá 80 câu.

Kết quả kiểm định được xác định theo số câu trả lời đúng trong bài thi. Thí sinh trả lời đúng từ 60% số câu hỏi trở lên thì được xác định là đạt yêu cầu kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

Kết quả kiểm định chất lượng đầu vào của thí sinh được xếp loại như sau: Loại xuất sắc phải trả lời đúng từ 90% số câu hỏi trở lên; loại giỏi phải trả lời đúng từ 80% đến dưới 90% số câu hỏi; loại khá trả lời đúng từ 70% đến dưới 80% số câu hỏi; đạt yêu cầu khi trả lời đúng từ 60% đến dưới 70% số câu hỏi.

Công khai kết quả kiểm định

Dự thảo nghị định nêu rõ, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Bộ Nội vụ được giao thẩm quyền tổ chức kiểm định quyết định thành lập Hội đồng kiểm định để tổ chức việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

Hội đồng kiểm định có 5 hoặc 7 thành viên, bao gồm: Chủ tịch Hội đồng là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Bộ Nội vụ được giao thẩm quyền tổ chức kiểm định.

Phó chủ tịch Hội đồng là đại diện lãnh đạo bộ phận tham mưu về công tác kiểm định của cơ quan, tổ chức, đơn vị của Bộ Nội vụ được giao thẩm quyền tổ chức kiểm định.

Ủy viên kiêm thư ký Hội đồng là công chức, viên chức thuộc bộ phận tham mưu về công tác kiểm định của cơ quan, tổ chức, đơn vị của Bộ Nội vụ được giao thẩm quyền tổ chức kiểm định.

Các ủy viên khác do người đứng đầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị của Bộ Nội vụ được giao thẩm quyền tổ chức kiểm định.

Hội đồng kiểm định chất lượng đầu vào công chức làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số; trường hợp số ý kiến bằng nhau thì quyết định theo ý kiến của Chủ tịch Hội đồng.

"Không bố trí những người có quan hệ là ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, em ruột của người đăng ký kiểm định hoặc của bên vợ (chồng) của người đăng ký kiểm định; vợ hoặc chồng, con đẻ hoặc con nuôi của đăng ký kiểm định; những người đang trong thời hạn xử lý kỷ luật hoặc đang thi hành quyết định kỷ luật làm thành viên Hội đồng kiểm định, thành viên các bộ phận giúp việc của Hội đồng kiểm định"- dự thảo nghị định nêu rõ.

Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kỳ kiểm định, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao thẩm quyền tổ chức kiểm định phải báo cáo Bộ Nội vụ phê duyệt kết quả.

Kết quả kiểm định được đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của Bộ Nội vụ và của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao thẩm quyền tổ chức kiểm định.

Sắp bắt buộc kiểm định chất lượng đầu vào công chức - 2

Vừa qua, Hà Nội đã thành lập Hội đồng Kiểm tra, sát hạch và tổ chức làm bài sát hạch cho 84 lãnh đạo, công chức, viên chức ở nhiều sở, ngành, địa phương (Ảnh minh họa: Nguyễn Trường).

Kết quả kiểm định có giá trị sử dụng trong thời hạn 24 tháng

Kết quả kiểm định chất lượng đầu vào công chức có giá trị sử dụng trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày có quyết định phê duyệt của Bộ Nội vụ. Trong thời hạn kết quả kiểm định còn giá trị, người đạt kết quả kiểm định được đăng ký thi tuyển vào làm công chức tại các Bộ, ngành, địa phương trong phạm vi toàn quốc.

Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tuyển dụng công chức được căn cứ xếp loại kết quả kiểm định để quy định điều kiện đăng ký dự tuyển công chức phù hợp với yêu cầu tuyển dụng.

Dự thảo cũng quy định các trường hợp sẽ bị hủy bỏ kết quả gồm: Cố tình khai không đúng thông tin trong Phiếu đăng ký kiểm định; sử dụng bằng cấp không hợp pháp để đăng ký kiểm định hoặc đăng ký tuyển dụng.

Các trường hợp bị hủy bỏ kết quả kiểm định không được đăng ký tham gia kiểm định chất lượng đầu vào công chức trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày có quyết định hủy bỏ kết quả kiểm định.

Đáng chú ý, Bộ Nội vụ đề xuất việc yêu cầu bắt buộc người đăng ký tham gia thi tuyển công chức phải đạt kết quả kiểm định chất lượng đầu vào công chức được thực hiện kể từ ngày 1/1/2024.

Việc tổ chức thi tuyển công chức tiếp tục sẽ được thực hiện theo Nghị định số 138/2020 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức đến hết ngày 31/12/2023.