1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Sẽ kiểm định chất lượng đầu vào công chức trên cả nước

Thế Kha

(Dân trí) - Lãnh đạo Bộ Nội vụ cho biết, sắp tới tất cả các kỳ tuyển dụng công chức trên cả nước phải được áp dụng thống nhất chứ không như hiện nay.

Bộ Nội vụ vừa phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Nghị định kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long cho biết, vào ngày 18/2, Bộ Nội vụ đã tổ chức lễ khởi động Dự án hỗ trợ cải cách kỹ thuật thi tuyển công chức Việt Nam, trong đó có phương thức ra đề thi trong công tác tuyển dụng công chức. Việc đổi mới, nâng cao chất lượng tuyển dụng công chức là một nội dung mà Bộ Nội vụ cũng như Chính phủ yêu cầu tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện.

Sẽ kiểm định chất lượng đầu vào công chức trên cả nước - 1

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long (Ảnh: Anh Cao).

Theo ông Long, việc thống nhất kiểm định chất lượng đầu vào công chức đã được đề ra từ Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII và đã được thể chế hóa vào Luật Cán bộ, công chức.

Từ năm 2019 đến nay, trên cơ sở nhiệm vụ được giao, Bộ Nội vụ đã nghiên cứu Đề án thí điểm kiểm định chất lượng đầu vào công chức và tổ chức rất nhiều hội thảo lấy ý kiến góp ý. Tuy nhiên, Luật Cán bộ, công chức sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 nên việc thống nhất kiểm định chất lượng đầu vào công chức phải được thể chế hóa bằng văn bản quy phạm pháp luật và có hiệu lực áp dụng ngay chứ không phải thí điểm nữa.

Vì vậy, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Nội vụ khẩn trương thể chế hóa bằng nghị định. Khi nghị định này có hiệu lực, tất cả các kỳ tuyển dụng công chức trên cả nước phải được áp dụng thống nhất chứ không áp dụng quy định về tuyển dụng công chức như hiện nay của Nghị định số 138/2020.

Theo bà Lê Minh Hương, Phó vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức, Giám đốc Ban Quản lý Dự án hỗ trợ cải cách kỹ thuật thi tuyển công chức Việt Nam - dự thảo nghị định quy định các nội dung như: Nguyên tắc kiểm định, điều kiện đăng ký tham dự kiểm định chất lượng, cơ quan có thẩm quyền tổ chức kiểm định, hội đồng kiểm định; hình thức, nội dung và thời gian kiểm định; ngân hàng câu hỏi; trình tự, thủ tục kiểm định; thẩm quyền quản lý kiểm định và tổ chức thực hiện…

Về nguyên tắc, việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức phải công khai, minh bạch, khách quan, đúng pháp luật. Thống nhất về chủ thể thực hiện việc kiểm định, nội dung, công cụ, quy trình, phương thức kiểm định chất lượng đầu vào công chức; thống nhất việc sử dụng kết quả kiểm định trong toàn quốc.

Nội dung kiểm định nhằm đánh giá năng lực tổng hợp của thí sinh dự thi trên các phương diện về kiến thức, kỹ năng, logic, bao quát những lĩnh vực về  chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước về ngành, lĩnh vực, quyền, nghĩa vụ của công chức, kiến thức về văn hóa, lịch sử, đạo đức công vụ; đánh giá năng lực nhận thức và năng lực tư duy, năng lực ứng dụng vào thực tiễn của thí sinh. Các nội dung về phần thi kiến thức chung, ngoại ngữ, tin học sẽ được tổ hợp chung trong một bài thi kiểm định.

Sẽ kiểm định chất lượng đầu vào công chức trên cả nước - 2

Phó Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức Lê Minh Hương (Ảnh: Anh Cao).

Theo bà Hương, kết quả kiểm định được xác định theo số câu trả lời đúng trong bài thi như sau: Thí sinh trả lời đúng từ 90% số câu hỏi trở lên thì người tham dự kiểm định được xác định đạt loại xuất sắc; từ 80% số câu hỏi đến dưới 90% số câu hỏi thì được xác định đạt loại giỏi; từ 70% số câu hỏi đến dưới 80% số câu hỏi thì được xác định đạt loại khá và từ 60% số câu hỏi đến dưới 70% số câu hỏi thì trở lên được xác định loại đạt trong đánh giá kiểm định.

Đại diện Bộ Nội vụ cho biết, trên cơ sở ý kiến của các bộ, ban, ngành, địa phương, cơ quan này sẽ tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện nghị định trình Chính phủ ban hành theo quy định làm cơ sở triển khai trong phạm vi cả nước.