1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Thành phố Thủ Đức

Quảng Bình:

Rời hang về nhà, nhà đã sập!

(Dân trí) - Sau một tuần sống trong hang đá, triền núi, người dân Tân Hóa trở về thì nhà đã sập, hư hại, chìm trong bùn non. PCT huyện Minh Hóa chua xót: “Giờ người Tân Hóa cần tất cả những gì mà một con người nên có, Tân Hóa giờ không khác gì thời đồ đá”.<br><a href='http://dantri.com.vn/event-1585/Mua-lu-o-mien-Trung.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp;Mưa lũ ở miền Trung</b></a>

Ngày 12/10, những người dân Tân Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) cuối cùng đã rời hang lèn, vách đá để trở về nhà sau một tuần nước lũ dâng ngập toàn xã.
 
Rời hang về nhà, nhà đã sập! - 1
Trong các ngày 9-10-11/10, người dân Tân Hóa lũ lượt về nhà sau một tuần sống như người nguyên thủy trong hang đá. 

Ngoài một phần thôn Rị Rị, gần như toàn bộ xã Tân Hóa đã hiện lên sau một tuần ngâm mình trong cơn đại hồng thủy. Đó là những căn nhà đổ, hàng trăm mái ngói thủng lỗ chỗ và nhiều nơi bùn non ngập cao đến 70 - 80 cm.

3.000 người dân Tân Hóa về nhà, song nhiều người đã đau đớn gục xuống trước mảnh đất đã tùng là căn nhà yên ấm của cả gia đình. 50 căn nhà sụp đổ hoàn toàn, toàn bộ gần 650 căn nhà hư hại nặng.
 
Rời hang về nhà, nhà đã sập! - 2
Người già, trẻ nhỏ đều ngóng về căn nhà thân yêu của mình.

Khắp xã không nhìn thấy một bóng trâu, bò, lợn gà nào dù đây là xã kiểu mẫu về phát triển chăn nuôi của huyện rẻo cao nghèo khó bậc nhất nước này.

Thay vào đó là những xác chết động vật nằm rải rác, bốc mùi gây gây vì thối rữa. Đã 65 năm sống ở xã lòng chảo này, bà Đinh Thị Hóa vẫn chưa nguôi đau đớn với những gì mà trận lũ vừa cướp đi: “Bảy ngày ở trên lèn mong về nhà, giờ thấy cái nhà chỉ còn là một đống gỗ trên bùn non. Cả nhà tui 6 người, lấy chi mà ăn, mà ở đây”.

Từ ngày 10/10, các lực lượng thanh niên tình nguyện do Tỉnh đoàn Quảng Bình điều động đã cùng với công an, bộ đội và các lực lượng tại chỗ gạt bùn, xúc đất, dựng tạm lại mái nhà để người dân Tân Hóa bắt đầu lại cuộc sống.
 
Rời hang về nhà, nhà đã sập! - 3
Nhiều nhà bị đổ, bị ngập ngụa trong bùn. Bộ đội, công an, thanh niên tình nguyện đã cùng người dân Tân Hóa bắt đầu lại cuộc sống.

“Khối lượng công việc quá nhiều, nên chắc 2-3 ngày nữa mới tạm ổn. Còn trường lớp, sách vở thì chưa thể bàn tới”, ông Cao Thanh Bình - Bí thư Đảng ủy xã cho biết. Cũng như bao người dân Tân Hóa khác, ông Bình cũng vừa rời lèn đá, bồng theo đứa con gái vừa bị tai nạn giao thông cụt chân về nhà thì căn nhà đã bị lũ quần xác xơ, ngập trong bùn lầy.

Nước rút, các mặt hàng cứu trợ như mỳ tôm, gạo, nước, sữa đã về với Tân Hóa, song chừng đó vẫn cách quá xa nhu cầu tối thiểu của 3.000 con người thiếu ăn, thiếu mặc, bệnh tật. Ông Đinh Hồng Hộ - Phó Chủ tịch huyện Minh Hóa - buông một câu chua xót: “Giờ người Tân Hóa cần tất cả những gì mà một con người nên có, Tân Hóa giờ không khác gì thời đồ đá”.

Tình trạng ô nhiễm môi trường vì bùn lầy, rác rưởi, động vật chết cùng với sự thiếu thốn nước sạch kéo dài khiến một số loại bệnh đường ruột, ngoài da, bệnh mắt… bắt đầu len lỏi vào Tân Hóa. Trong những ngày chạy lũ, đã có hàng trăm người Tân Hóa phải theo canô cứu trợ lên bệnh viện đa khoa huyện Minh Hóa để chữa bệnh.

Theo Sở Y tế Quảng Bình: để phòng chống nguy cơ dịch bệnh bùng phát, ngành y tế đã cấp cho các địa phương 250 cơ số thuốc, 2,5 tấn bột và 200.000 viên chloramine B để xử lý nguồn nước và triển khai ngay công tác phòng dịch, dập dịch ở các vùng bị ô nhiễm nặng như Tân Hóa, Minh Hóa…

Về thiệt hại chung, theo báo cáo đến ngày 11/10 của BCĐ PCLB Trung ương, đã có 66 người chết, 17 người mất tích, 75 người bị thương trong đợt lũ vừa qua. Trong số người mất tích, chủ yếu là các ngư dân trên biển, khả năng sống sót không nhiều.

Hiện Hà Tĩnh đã hết ngập, Quảng Bình còn 3 xã bị ngập. Ước tính tổng thiệt hại kinh tế lên tới 2.562 tỷ đồng, trong đó Quảng Bình là tỉnh thiệt hại nặng nhất, khoảng 1.300 tỷ đồng. Hơn 300.000 con gia cầm và 9.000 con gia súc bị chết, 1.900 ha lương thực, hoa màu mất trắng.

Hồng Kỹ

Dòng sự kiện: Mưa lũ ở miền Trung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm