(Dân trí) - Gần một tuần ngập sâu trong biển lũ, đến ngày 8/10, nhiều xã ở huyện miền núi Hương Khê nước đã bắt đầu rút dần. Giờ đi đến đâu cũng chỉ thấy một Hương Khê đổ nát, mất mát, không biết khi nào mới gượng dậy.
Lũ dâng nhanh khi thủy điện Hố Hô xảy ra sự cố tràn đập kèm theo gió lớn và sóng mạnh khiến hàng ngàn hộ dân ở Hương Khê không kịp trở tay chạy lũ. Nước lũ ngập sâu, chia cắt và cô lập 17 xã, làm 16.520 hộ với hơn 66.000 nhân khẩu bị ngập trong nước sâu. Mưa lũ gây ra chết cảnh chết chóc, gây thiệt hại về hoa màu và tài sản mà còn lâu Hương Khê mới gượng dậy được.
Thống kê mới nhất: Hương Khê có 4 người chết, hơn 1000 ha lúa mùa, 400 ha ngô, 140 ha khoai lang, hơn 400 ha cây ăn quả, 250 ha rau các loại, 97 ha diện tích ao hồ, nuôi cá thiệt hại hoàn toàn; 371 con trâu, bò, lợn và gần 38.000 gia cầm bị chết. Nhiều công trình giao thông, thủy lợi, trạm y tế, nhà dân... hư hỏng nặng. Ước tính tổng thiệt hại ban đầu trên 350 tỷ đồng.
Lũ rút. Đi dọc theo sông Ngàn Sâu từ xã thượng huyện Hương Trạch, Phúc Trạch, Hương Đô, Lộc Yên, Gia Phố, Hương Giang cho đến xã hạ huyện Hương thủy, Hà Linh, Phương Điền, Phương Mỹ... ở đâu cũng chỉ thấy những cánh đồng bạc trắng, bùn non nhão nhoét phủ kín những mái nhà, bụi cây, đường làng ngõ hẻm; mùi hôi thối của bùn, rác và xác chết động vật. Và đâu cũng gặp những khuôn mặt hốc hác, phờ phạc sau những ngày vật lộn với lũ dữ.
Phòng GD-ĐT huyện Hương Khê cho biết, có 23/86 trường bị ngập lụt và hư hỏng nặng, ước tính thiệt hại khoảng 20 tỷ đồng.
7h sáng ngày 8/10, có mặt tại trường Mầm non Hương Thủy (xóm 14, xã Hương Thủy), nơi cô giáo Trần Thị Hoa đã quên mình vượt lũ cứu trường và bị nước cuốn trôi, một cảnh tượng buồn thương hiện ra trước mắt chúng tôi. Toàn thể cán bộ, giáo viên của nhà trường, phụ huynh học sinh và Đoàn thanh niên đang làm lễ mặc niệm tưởng nhớ cô Hoa trước khi vào tiến hành tổng dọn vệ sinh.
Trường Mầm non Hương Thủy ngập ngụa trong bùn không được cứu kịp thời trước cái chết
thảm thương của cô giáo Trần Thị Hoa đã bị thiệt hại nặng nề
Cô Trần Thị Hoa Lài, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Toàn bộ tầng một của trường bị ngập chìm trong lũ, sách vở và đồ dùng học sinh thứ bị cuốn trôi, thứ thì bị bùn dày phủ lên hư hỏng nặng không thể sử dụng được nữa. Nhưng thiệt hại đó có thể lấy lại được, còn mất mát lớn lao không thể bù đắp được là trường mất đi một cô giáo hiền, nhân hậu và tâm huyết với nghề”.
Sau lũ, nhiều gia đình rơi vào cảnh màn trời chiếu đất. Chị Phan Thị Lan (xóm 14, xã Hương thủy) nhà chỉ có hai mẹ con, chồng đang đi làm ăn xa. Nửa đêm nước lũ tràn về cuốn trôi nhà và hai mẹ con. Gào thét kêu cứu trong đêm, hai mẹ con chị đã hấp hối trong nước lũ trước khi hàng xóm đến cứu rồi đưa lên nhà dân trên cao. “Cháu Huy thì bị bại liệt não, cả nhà dồn hết gia sản chạy chữa cho con mà không có hy vọng, nay nhà cửa bị hà bá nuốt chửng, tan hoang, hết biết lấy gì mà sống đây! Cực khổ quá!” - chị Lan ôm con khóc nức nở.
Chị Lan ôm con thất thần trước ngôi nhà bị lũ cuốn tả tơi
Rời xã Hương Thủy, chúng tôi men theo con đường 15a ngập ngụa trong bùn đến với rốn lũ Hà Linh. Thôn 4 và 14 có 190 hộ với gần 1.000 nhân khẩu nằm trên vùng đất trũng bên bờ sông Ngàn Sâu bị thiệt hại nặng nề nhất của xã. Hầu hết các hộ dân đều tan tành sau lũ.
Nhà vợ chồng anh Ngô Đăng Hải (xóm 4) nửa bị lũ cuốn trôi, nửa bị lũ phá tan nát. Cả nhà không còn một vật dụng nguyên lành, tất cả đã tan theo biển lũ. Hai cháu Hoàng, Hương đang cố loay hoay tìm lại sách vở để phơi cho khô. Người vợ Nguyễn Thị Thái chỉ còn biết ôm con nhỏ ngồi khóc than trời đất.
Gia đình anh Ngô Đăng Hải trắng tay sau lũ
Ông Võ Văn Tuyên (xóm 14) ở một mình, nhà nghèo nhất xóm. Ngôi nhà tranh mới được các tổ chức đoàn thể làm cho chưa được một năm đã bị lũ làm sập hầu như hoàn toàn. “Khổ quá, mất hết rồi nỏ còn chi nữa, chỉ còn mỗi bùn non thôi. Mấy ngày ni tui tủi quá không thiết làm chi nữa chỉ ngồi thẫn thờ trông trời, trông đất thôi. Đói tui đi xin hàng xóm, có cái gì ăn được thì ăn, tối về sử dụng cái thuyền làm giường ngủ tạm bợ” - ông Tuyên nấc lên.
Ông Tuyên không còn đủ khả năng dựng lại ngôi nhà đã bị sập
Đó là ba trong hàng ngàn cảnh ngộ của người dân Hương Khê đang mất trắng vì lũ. “Nhà mô cũng như thế này cả, tan tành hết không còn chi nữa mô. Không thể nói hết những mất mát mà người dân đang gánh chịu. Thật kinh hoàng, chưa có năm nào lụt mà sóng lớn, vỗ mạnh như thế này khiến người dân không thể chèo thuyền để di tản. Nhà cửa của dân bị thiệt hại nặng nhiều nhất từ trước tới nay” - ông Nguyễn Văn Thuyên trưởng thôn 4, xã Hà Linh cho biết.
Rốn lũ Hương Khê hiện vẫn còn hai xã Phương Mỹ và Phương Điền ngập chìm trong lũ. Người dân Hương Khê đã trải qua cơn đại hồng thủy đang vùng vẫy trên đống đổ nát, mùa màng mất trắng, thiếu nước sạch và dịch bệnh hoành hành.
Dưới đây là một số hình ảnh về sức tàn phá kinh hoàng của cơn đại hồng thủy ở Hương Khê mà PV Dân trí ghi lại được trong ngày 8/10:
Nhiều hộ dân đi tránh lũ, khi trở lại nhà chỉ còn thấy cái nền trống trơ
"Vườn không, nhà trống"
May mắn lắm "trời thương" còn để lại cho ông Tuyên chiếc thuyền làm chỗ ngủ
Sách vở ướt sũng, mục nát được các em cố gắng phơi khô để dùng lại
Đổ nát và đau thương khi mùa lũ đi qua
Những tiếng khóc than của người dân Hương Khê trước những mất mát quá lớn sau trận đại hồng thủy kinh hoàng.