1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Rà soát trên 5.000 văn bản để chỉ rõ "địa chỉ" mâu thuẫn, chồng chéo

Thế Kha

(Dân trí) - Đã rà soát 5.144 văn bản thuộc 10 chuyên đề, lĩnh vực chuyên sâu, liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh; các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, những vướng mắc, bất cập, không phù hợp thực tiễn.

Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật vừa tổ chức triển khai kế hoạch, nhiệm vụ năm 2021.

Theo báo cáo, Bộ Tư pháp - Cơ quan thường trực của Tổ công tác đã tổng hợp, tổ chức các cuộc họp, hội thảo trao đổi với các bộ, ngành, chuyên gia, người hoạt động thực tiễn theo nhóm nội dung chuyên môn sâu. Trên cơ sở đó, xây dựng Báo cáo của Chính phủ về kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước để báo cáo Quốc hội theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tổng số văn bản quy phạm pháp luật đã được Tổ công tác thực hiện rà soát là 5.144 văn bản thuộc 10 chuyên đề, lĩnh vực chuyên sâu, liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh; các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, những vướng mắc, bất cập, không phù hợp thực tiễn đã được xác định chỉ rõ địa chỉ, rõ căn cứ pháp lý. Nhiều văn bản trong số đó đã được các bộ, ngành kịp thời xử lý, khắc phục theo thẩm quyền hoặc tham mưu, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền xử lý ngay trong quá trình rà soát; số còn lại đều đã xác định phương án xử lý cụ thể.

Ngoài ra, Tổ công tác cũng đã phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan liên quan rà soát, cập nhật kết quả xử lý liên quan đến kiến nghị của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về 25 nội dung được cho là có mâu thuẫn, chồng chéo, chưa rõ ràng trong pháp luật về đầu tư kinh doanh.

Rà soát trên 5.000 văn bản để chỉ rõ địa chỉ mâu thuẫn, chồng chéo - 1

(Ảnh minh họa: Diễn đàn Doanh nghiệp).

Kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan của Chính phủ và Tổ công tác thực hiện trong năm 2020 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đại biểu Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao.

Năm 2021, Tổ công tác sẽ tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ thường xuyên theo dõi, đôn đốc các bộ, cơ quan liên quan thực hiện rà soát vướng mắc, bất cập của hệ thống pháp luật và xử lý kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật.

Tập trung chỉ đạo việc tổ chức rà soát độc lập, chuyên sâu theo một số nhóm văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực do cơ quan nhà nước ở Trung ương ban hành (5 lĩnh vực), bao gồm: Rà soát quy định pháp luật về đất đai; tiếp tục rà soát, nhận diện đầy đủ các tồn tại, hạn chế của quy định pháp luật trước các tác động mạnh mẽ, dài hạn của đại dịch Covid-19; rà soát, nhận diện đầy đủ các tồn tại, hạn chế của quy định pháp luật trước các tác động mạnh mẽ, dài hạn của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; quy định pháp luật về giáo dục, đào tạo (không bao gồm giáo dục nghề nghiệp); về quản lý giá và thẩm định giá, chi phí trong hoạt động giám định tư pháp. 

Tại cuộc họp, ông Lê Thành Long - Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Tổ trưởng Tổ công tác - ghi nhận và đánh giá cao kết quả Tổ công tác đã đạt được.

Ông Long yêu cầu các thành viên Tổ công tác cần phát huy vai trò, trách nhiệm, chỉ đạo và huy động sự tham gia tích cực của các cơ quan, đơn vị của bộ, ngành, cơ quan mình trong việc thực hiện rà soát chuyên sâu đối với các chuyên đề, lĩnh vực được phân công theo chức năng, nhiệm vụ.

Đối với các nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp đã được phát hiện và đề xuất phương án xử lý tại báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội, Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị tập trung hoàn thiện, sớm trình Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định ban hành Danh mục văn bản quy phạm pháp luật cần xử lý.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm