1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Khó xử lý trách nhiệm người ban hành văn bản trái luật!

(Dân trí) - Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết, việc xác định, khắc phục hậu quả do văn bản trái pháp luật gây ra và xem xét, xử lý trách nhiệm của cơ quan, người đã ban hành văn bản trái pháp luật còn gặp khó khăn...

Tại hội nghị triển khai công tác năm 2020 của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, hôm qua (14/1), Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu yêu cầu cơ quan này nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa, pháp điển văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là đối với việc “làm sạch” hệ thống pháp luật đất nước.

Trong đó tập trung làm thật tốt công tác kiểm tra văn bản, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị; giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ rà soát văn bản theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các nghị quyết, kế hoạch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời làm tốt công tác hợp nhất văn bản, nghiên cứu giá trị văn bản hợp nhất để mang lại giá trị xã hội to lớn hơn.

Khó xử lý trách nhiệm người ban hành văn bản trái luật! - 1

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu phát biểu tại hội nghị.

Theo báo cáo của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, năm 2019 công tác kiểm tra văn bản theo thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp tiếp tục đạt được nhiều chuyển biến. Việc thực hiện kiểm tra văn bản được thực hiện theo hướng toàn diện, đồng thời có trọng tâm, trọng điểm, tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh hơn về chất lượng.

Việc theo dõi, xử lý đối với những văn bản trái pháp luật đã được phát hiện, kết luận từ những năm trước được thực hiện sát sao, quyết liệt, đạt hiệu quả xử lý cao và hạn chế được tác động tiêu cực đến xã hội, nâng cao trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong xây dựng, thực thi pháp luật.

Tuy nhiên, hoạt động của hệ thống cơ quan kiểm tra văn bản trong cả nước chưa thực sự đồng bộ. Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa thực hiện đầy đủ thẩm quyền, trách nhiệm của mình trong công tác kiểm tra, xử lý văn bản.

Việc phát hiện một số văn bản trái pháp luật chưa kịp thời, có trường hợp văn bản trái pháp luật đã được áp dụng, gây hậu quả trong thực tế mới được phát hiện, xử lý. Trong khi đó, việc xác định, khắc phục hậu quả do văn bản trái pháp luật gây ra và xem xét, xử lý trách nhiệm của cơ quan, người đã ban hành văn bản trái pháp luật còn gặp khó khăn...

Lập danh sách các bộ, ngành nợ đọng văn bản

Trong khi đó, tại hội ghị triển khai công tác của Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhấn mạnh, năm 2019 đơn vị này vẫn chưa đề xuất được biện pháp mạnh mang tính đột phá để chấm dứt tình nợ đọng văn bản.

Bên cạnh đó, chất lượng hoàn thành một số nhiệm vụ được giao chưa được như mong muốn. Vì thế, trong năm 2020 phải tiếp tục phối hợp chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản Quy phạm pháp luật năm 2015 và tham mưu, đề xuất giải pháp mới để quyết liệt chấm dứt tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, trong đó chú ý đến việc tăng tính chế tài.

Góp ý tại hội nghị, ông Đồng Ngọc Ba - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, khẳng định công việc năm 2020 vẫn sẽ nhiều và khó nên cần thiết phải duy trì bền vững chất lượng công việc. Nếu làm tốt khâu xây dựng văn bản thì “hậu kiểm” sẽ nhẹ nhàng, ít hoặc không có sai sót.

Ông Ba cho rằng các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và các bộ, ngành phải phối hợp chặt chẽ trong quá trình xây dựng văn bản để ngăn chặn kịp thời hậu quả có thể xảy ra do việc sai sót.

Khó xử lý trách nhiệm người ban hành văn bản trái luật! - 2

Ông Đinh Trung Tụng.

Ông Đinh Trung Tụng - nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, đánh giá trên thực tế việc triển khai Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở nhiều bộ, ngành, địa phương vẫn còn lúng túng, nhất là trong xây dựng, phân tích và đánh giá tác động của chính sách.

Trước đây có thời điểm các bộ, ngành nợ đọng văn bản nhiều nhất là 120 văn bản; gần đây tình trạng này đã giảm rất nhiều và năm vừa qua chỉ còn 4 văn bản. Mặc dù tình trạng nợ đọng văn bản có giảm, nhưng vẫn chưa bền vững, do đó trước mắt cần phải lập danh sách các bộ, ngành nợ đọng và có cảnh báo để biết và thực hiện.

Thế Kha