Quốc hội quyết định nhiều nội dung quan trọng trong tuần làm việc thứ 4
(Dân trí) - Theo chương trình nghị sự, Quốc hội sẽ thảo luận nhiều dự án luật quan trọng và biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.
Trong tuần làm việc cuối của đợt 1 Kỳ họp thứ 9, Quốc hội xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng.
Quốc hội sẽ thảo luận về các dự án Luật Ngân sách nhà nước sửa đổi; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án trong ngày 26/5.
Trong ngày làm việc tiếp theo, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch...
Các đại biểu Quốc hội cũng bàn về các dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 của Quốc hội; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm Viện kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công.
Tiếp đó, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.
Ngay trong ngày làm việc đầu tiên của tuần thứ 4, Quốc hội sẽ nghe Tờ trình và thẩm tra về dự án Luật Tương trợ tư pháp về hình sự.
Theo tờ trình, dự án Luật Tương trợ tư pháp về hình sự gồm 4 chương, 39 điều, trên cơ sở kế thừa những quy định phù hợp của Luật tương trợ tư pháp năm 2007.
Dự thảo luật bổ sung những quy định mới nhằm cụ thể hóa các chính sách xây dựng luật đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Tương thích, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật trong nước và 3 dự án Luật được tách ra từ Luật Tương trợ tư pháp đang được xây dựng cùng với dự án luật này.
Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng phù hợp với các Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự, các điều ước quốc tế có điều khoản về tương trợ tư pháp về hình sự mà Việt Nam tham gia; tham khảo, tiếp thu kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới.