Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV

Quốc hội bàn việc rút ngắn nhiệm kỳ để kịp thời kiện toàn nhân sự cấp cao

Hoài Thu

(Dân trí) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất rút ngắn khoảng thời gian giữa Đại hội Đảng toàn quốc và kỳ họp thứ nhất của Quốc hội, HĐND khóa mới để kịp thời kiện toàn nhân sự cấp cao.

Sáng 12/5, Quốc hội bước vào tuần làm việc thứ hai của kỳ họp thứ 9.

Theo chương trình nghị sự, hôm nay Quốc hội sẽ nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; tờ trình về việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; Tờ trình về ngày bầu cử toàn quốc đối với bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031.

Theo quy định của Hiến pháp 2013, mỗi nhiệm kỳ Quốc hội kéo dài 5 năm. Trong trường hợp đặc biệt, nếu được ít nhất 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, Quốc hội quyết định rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng nêu rõ việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội và HĐND do Quốc hội quyết định.

Quốc hội bàn việc rút ngắn nhiệm kỳ để kịp thời kiện toàn nhân sự cấp cao - 1

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu Quốc hội dự kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV (Ảnh: Phạm Thắng).

Lý giải việc rút ngắn nhiệm kỳ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp tại cuộc họp báo trước kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Phương Thủy cho biết đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng thường kết thúc vào tháng 1, sau đó công tác bầu cử được tiến hành vào cuối tháng 5. Tức là theo thông lệ sẽ có 4 tháng tiến hành các công việc liên quan để bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND và kiện toàn nhân sự cấp cao của Nhà nước.

Tuy nhiên, bà Thủy cho rằng thời gian 4 tháng là khá dài. Vì thế, thực hiện yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy, hoàn thiện sớm về mặt nhân sự cấp cao Nhà nước gắn với kiện toàn nhân sự trong Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí báo cáo Quốc hội việc rút ngắn khoảng 3 tháng nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và nhiệm kỳ HĐND các cấp.

Chủ trương này nhằm giúp cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND khóa tới có thể tiến hành sau khi kết thúc Đại hội Đảng toàn quốc, tạo thuận lợi hơn trong kiện toàn bộ máy và nhân sự Nhà nước.

Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được bầu cử vào ngày Chủ nhật - 23/5/2021. Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội được khai mạc ngày 20/7/2021 và HĐND các cấp cũng được khai mạc vào khoảng thời gian này.

Theo các quy định của pháp luật, đến ngày 20/7/2026 Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ kết thúc nhiệm kỳ và chậm nhất ngày 24/5/2026 Quốc hội khóa XVI, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 phải được bầu xong.

Tuy nhiên lần này, Quốc hội sẽ xem xét rút ngắn khoảng thời gian giữa Đại hội Đảng toàn quốc và kỳ họp thứ nhất của Quốc hội, HĐND khóa mới để kịp thời kiện toàn nhân sự cấp cao, đảm bảo tính ổn định, liên tục trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội.

Nếu như đề xuất này được Quốc hội thông qua, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ được rút ngắn 3 tháng, kết thúc vào đầu tháng 4/2026 (thay vì tháng 7/2026).

Cũng trong ngày 12/5, Quốc hội sẽ nghe Chánh án TAND Tối cao trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Nội dung tiếp theo, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).

Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; Việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.