Quảng Ninh cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”
(Dân trí) - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu tỉnh Quảng Ninh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”; phát triển nhanh dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao.
Tại phiên khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 diễn ra vào sáng nay (26/9), dự và phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã ghi nhận, nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng những kết quả đạt được của Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh trong nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Cụ thể, kinh tế của Quảng Ninh liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, bình quân đạt 10,7%/năm. Cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực. Dịch vụ, du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”. Thu nội địa luôn nằm trong nhóm đầu của cả nước.
Tỉnh cũng đã chủ động và sáng tạo thực hiện ba đột phá chiến lược, có trọng tâm, trọng điểm, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị được đầu tư tương đối đồng bộ…
Đồng thời, tỉnh cũng là một trong những địa phương đi đầu trong lĩnh vực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh với ba năm liên tục từ năm 2017 đến năm 2019 có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân… thuộc nhóm dẫn đầu cả nước.
Bên cạnh đó, chủ trương phát triển kinh tế hài hòa với phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh, phúc lợi, công bằng xã hội đã giúp Quảng Ninh có những bước đi toàn diện và vững chắc. Quốc phòng - an ninh, chủ quyền biên giới được giữ vững, bảo đảm vững chắc khu vực phòng thủ và là phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế; xây dựng vùng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia…
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được đẩy mạnh toàn diện, liên tục, đồng bộ, quyết liệt gắn với sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Công tác quản lý nhà nước có chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực…
Chủ tịch Quốc hội đánh giá, những thành tựu đạt được trong 5 năm qua là kết tinh của quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, sáng tạo, kế thừa, phát triển của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Quảng Ninh.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý một số khó khăn, hạn chế, yếu kém tỉnh cần tìm ra các giải pháp khắc phục trong thời gian tới như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh; chuyển dịch cơ cấu nội bộ các ngành kinh tế còn chậm…; Tốc độ tăng trưởng khu vực du lịch, dịch vụ không đạt mục tiêu đề ra; Phát triển kinh tế biển, công nghiệp chế biến, chế tạo còn chậm so với tiềm năng, lợi thế…
Hiệu quả của khu vực đầu tư nước ngoài còn thấp, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chưa có nhiều đột phá. Năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế.
Sự thiếu hụt nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đang đòi hỏi cần sớm giải quyết. Kết quả xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo ở một số địa phương, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa thực sự vững chắc… Quản lý nhà nước về tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn di sản còn nhiều khó khăn.
Công tác bảo đảm quốc phòng - an ninh vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. An ninh trên một số địa bàn, lĩnh vực chưa thực sự vững chắc. Buôn lậu, gian lận thương mại, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật còn tiềm ẩn phức tạp...
Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, nhất là khâu tổ chức thực hiện.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đại hội tập trung nghiên cứu, thảo luận thật kỹ, phân tích thật sâu sắc nguyên nhân và xác định rõ trách nhiệm, để có giải pháp khắc phục một cách toàn diện, đồng bộ và có hiệu quả hơn trong nhiệm kỳ tới.
Bà Ngân cũng nhấn mạnh, nhiệm kỳ tới tỉnh cũng cần lưu ý một số vấn đề: Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, tầm nhìn chiến lược; đẩy mạnh thực thi quy hoạch phát triển, các khâu đột phá, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”; phát triển nhanh dịch vụ, các ngành công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao…
Khơi dậy và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế riêng có của Quảng Ninh để tạo động lực mới cho tăng trưởng; thúc đẩy khởi nghiệp, ưu tiên đổi mới, sáng tạo với sự đột phá mà xung lực là khoa học công nghệ; huy động, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực để phát triển bền vững.
Sớm hoàn thành việc xây dựng Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng để làm cơ sở định hướng phát triển. Tháo gỡ tình trạng không thống nhất, mâu thuẫn, chồng chéo trong quy hoạch, kế hoạch đang cản trở sự phát triển và vận hành nền kinh tế của tỉnh.
Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế nhanh. Bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, sẵn sàng ứng phó có hiệu quả với các thách thức an ninh phi truyền thống.
Tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng đồng bộ và thống nhất với xây dựng và nâng cao năng lực, hiệu quả quản trị của chính quyền các cấp trong tổng thể xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, năng động, phục vụ nhân dân, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp, ngày càng thực sự là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và xứng đáng với niềm tin của nhân dân.