Phòng chống tác hại của rượu bia, đừng nhầm lẫn với việc “quản lý” nồng độ cồn!
(Dân trí) - Đây là ý kiến của TS Lê Hồng Sơn- nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) về Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 vừa có hiệu lực, đang thu hút sự quan tâm lớn của dư luận những ngày vừa qua.
Như Dân trí đã thông tin, kể từ ngày 1/1, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 chính thức có hiệu lực. Theo đó, luật sẽ cấm triệt để hành vi đi xe ra đường (ô tô, xe máy, xe đạp…) khi có nồng độ cồn trong người.
TS Lê Hồng Sơn - nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - nhấn mạnh, việc phòng, chống tác hại của rượu, bia được quy định trong luật do Quốc hội thông qua là chủ trương lớn nhằm giảm tình trạng tai nạn giao thông gây nhức nhối thời gian vừa qua.
Rộng hơn nữa là giảm tác hại của rượu, bia gây ra đối với cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.
Tuy nhiên, việc nghiêm cấm hành vi nêu trên và chế tài xử lý người vi phạm theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP về nồng độ cồn đã khiến dư luận đặc biệt quan tâm và nảy sinh nhiều quan điểm trái chiều.
“Đánh đồng” rượu, bia với nồng độ cồn?
Theo TS Lê Hồng Sơn căn cứ vào Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 100/2019/NĐ-CP, trong đó bổ sung các chế tài xử phạt về nồng độ cồn đối với người vi phạm.
Cụ thể, người điều khiển xe máy mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng.
Áp dụng tương tự mức vi phạm nồng độ cồn đối với tài xế ô tô thì bị phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng.
Đây là hình thức xử phạt “nhẹ nhất” đối với người tham gia giao thông mà chỉ cần có nồng độ cồn trong cơ thể. Trong khi đó, ông Sơn cho rằng lực lượng thi hành công vụ chưa phân biệt được khi nào người dân sử dụng rượu, bia và khi nào họ dùng thực phẩm tạo ra nồng độ cồn.
Liên quan đến lập luận của lực lượng CSGT về việc, khi phát hiện trong cơ thể có nồng độ cồn mà không phải do sử dụng rượu, bia thì người vi phạm vẫn có thể giải thích, TS Lê Hồng Sơn cho rằng trách nhiệm chứng minh thuộc về cơ quan có thẩm quyền.
“Lực lượng chức năng phải chứng minh được họ đã uống rượu, uống bia thì mới có nồng độ cồn chứ không phải ngược lại. Việc quan sát biểu hiện, thái độ để xác định có uống rượu hay không là “chưa đạt chuẩn”. Không thể từ việc quan sát rồi nhận định là có hay không. Đồng thời, việc xử lý vi phạm (nếu có) dựa trên quan sát sẽ là tùy tiện” - ông Sơn đánh giá.
Tại Khoản 6 Điều 5 của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 nghiêm cấm hành vi “điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. TS Lê Hồng Sơn đánh giá, quy định này chưa phản biện hết các tình huống giả định sẽ xảy ra trong thực tế.
“Khi đã sử dụng rượu, bia thì đương nhiên trong máu hoặc hơi thở con người có nồng độ cồn. Nhưng ngược lại, trong hơi thở hoặc máu có nồng độ cồn chưa hẳn là do đã sử dụng rượu, bia. Công luận đã thừa nhận rằng chỉ cần ăn quả vải, quả sầu riêng… vẫn có nồng độ cồn trong cơ thể” - ông Sơn lập luận.
TS Lê Hồng Sơn nhấn mạnh chúng ta không nên “nhầm đối tượng”: “Lưu ý là Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia chứ không phải là phòng, chống tác hại của nồng độ cồn trong máu và hơi thở”.
Hình phạt cảnh cáo đã bị “bỏ quên”?
Bên cạnh đó, theo nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định 100 đã “bỏ quên” hình thức xử phạt cảnh cáo, được quy định tại Điều 21 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
“Nồng độ cồn trong cơ thể ở mức thấp có 2 tình huống là sử dụng rượu, bia ở mức độ ít hoặc không sử dụng rượu, bia nhưng dùng thực phẩm có sinh ra nồng độ cồn.
Nghị định này đã bỏ qua mức phạt cảnh cáo, đặc biệt trong trường hợp chưa phân định rõ ràng người vi phạm đã sử dụng gì để có nồng độ cồn trong cơ thể. Khi chưa phân định được rõ ràng thì tốt nhất nên có hình phạt cảnh cáo để áp dụng” - ông Sơn nêu quan điểm.
Mới đây, trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, xác nhận, đúng là trong một số sản phẩm thực phẩm, đặc biệt là những sản phẩm có nhiều đường như nho, sầu riêng, chuối, trái cây lên men, siro cảm cúm... có thể để lại nồng độ cồn trong cơ thể . Tuy nhiên lượng cồn này rất nhỏ, không còn đáng kể trong máu để đến mức khi kiểm tra hơi thở có cồn.
Đa số khi kiểm tra là không có nồng độ cồn, rất ít trường hợp phát hiện nồng độ cồn trong hơi thở. Những trường hợp này do cơ địa, bệnh tật vì bản chất hoa quả lên men thì phân rã rất nhanh. Số tồn dư nồng độ cồn sau ăn hoa quả đã rất ít, số lượng khi lưu thông bị cảnh sát giao thông giữ lại kiểm tra lại càng ít.
Nếu người dân không uống rượu bia mà vẫn đo được nồng độ cồn, theo luật Xử lý vi phạm hành chính, công dân có quyền phản hồi, giải thích, thắc mắc với cảnh sát giao thông và đề nghị cảnh sát giao thông cho ngồi lại 10-15 phút để đo nồng độ cồn trong khí thở hoặc có thể đề nghị đo nồng độ cồn trong máu. Trong những trường hợp như vậy sẽ không bị xử phạt vi phạm hành chính.
Trong trường hợp những người uống rượu bia sau đó lái xe mà cố tình nói là do ăn thực phẩm hoặc uống nước ngọt thì sẽ bị xử phạt nặng hơn nữa.
Nguyễn Trường