Bộ Y tế: “Ăn trái cây gây nồng độ cồn sẽ không bị xử phạt”
(Dân trí) - Với ngưỡng quy định xử lý vi phạm về nồng độ cồn là 0 nhiều người dân lo sợ có thể bị xử phạt sau khi ăn vải, nho, thậm chí là uống siro… Dân trí đã có trao đổi với ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế làm rõ vấn đề này.
Gần đây trên mạng xôn xao thông tin “dù không uống một giọt rượu bia nào nhưng ăn trái cây vẫn có nồng độ cồn trong máu có thể bị phạt”. Thực hư thông tin này như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế:
Đúng là trong một số sản phẩm thực phẩm, đặc biệt là những sản phẩm có nhiều đường như nho, sầu riêng, chuối, trái cây lên men, siro cảm cúm... có thể để lại nồng độ cồn trong cơ thể. Tuy nhiên lượng cồn này rất nhỏ, không còn đáng kể trong máu để đến mức khi kiểm tra hơi thở có cồn.
Đa số khi kiểm tra là không có nồng độ cồn, rất ít trường hợp phát hiện nồng độ cồn trong hơi thở. Những trường hợp này do cơ địa, bệnh tật vì bản chất hoa quả lên men thì phân rã rất nhanh. Số tồn dư nồng độ cồn sau ăn hoa quả đã rất ít, số lượng khi lưu thông bị cảnh sát giao thông giữ lại kiểm tra lại càng ít.
Đối với các trường hợp này, sau khi ăn xong thực phẩm sẽ chuyển hóa trong cơ thể và không còn nồng độ cồn.
Bên cạnh đó, chúng tôi được biết qua kiểm tra, Cảnh sát giao thông cũng phân biệt được ai là người có nồng độ cồn do rượu bia, ai là người có nồng độ cồn do thực phẩm. Trong cơ quan cảnh sát giao thông cũng đã có quán triệt, phải xác định là cá trường hợp này là vô tình chứ không phải là uống rượu bia.
Theo luật Xử lý vi phạm hành chính, công dân có quyền phản hồi, giải thích, thắc mắc với cảnh sát giao thông và đề nghị cảnh sát giao thông ngồi lại 10-15 để đo nồng độ cồn trong khí thở hoặc có thể đề nghị đo nồng độ cồn trong máu. Trong những trường hợp như vậy sẽ bị không xử phạt vi phạm hành chính.
Bao lâu sau ăn những thực phẩm này hơi cồn có thể bay hết, thưa ông?
Ông Nguyễn Huy Quang: Như tôi đã nói ở trên, lượng cồn có trong trái cây, thực phẩm rất nhỏ và không có tính bền vững so với nồng độ cồn trong máu do rượu bia. Người sử dụng sẽ có nồng độ cồn trong hơi thở hoặc máu phụ thuộc vào số lượng, mức độ tiêu dùng các sản phẩm. Tuy nhiên, lượng cồn này thường bị phân rã, chuyển hóa ngay trong thời gian ngắn.
Có một số ý kiến cho rằng quy định từ ngưỡng 0 để xử lý lý phạm về nồng độ cồn là vô lý. Theo ông có nên đặt vấn đề sửa luật Phòng chống tác hại của rượu bia?
Ông Nguyễn Huy Quang: Cần khẳng định đây là những ý kiến nguỵ tạo làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật về vấn đề này. Người dân cần hiểu đúng về các quy định luật và cũng không nên quá lo lắng. Mục đích lớn nhất của các quy định trong Luật phòng chống tác hại rượu, bia là nâng cao nhận thức và ý thức sử dụng rượu bia an toàn để hạn chế tác hại của rượu bia với sức khỏe, trật tự và an toàn xã hội trong đó có an toàn giao thông
Chính vì vậy, đề nghị người dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về vấn đề này. Bộ Y tế, Bộ Công an, Uỷ ban an toàn giao thông quốc sẽ tuyên truyền để mọi người biết là có hàm lượng cồn rất nhỏ trong máu do thực phẩm thì người tham gia giao thông sẽ không bị xử phạt. Trong trường hợp những người cố tình uống rượu bia sau đó lái xe mà nói là do ăn thực phẩm hoặc uống nước ngọt thì sẽ bị xử phạt nặng hơn nữa.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, hiện các thức ăn hay một số loại quả lên men cũng có thể có ethanol trong đó như socola, siro cảm cúm, dung dịch sát trùng, viên sát trùng miệng, họng... Nếu không may ăn phải thì người dân ít nhất nên đợi 15- 30 phút mới tham gia giao thông. Nếu không may kiểm tra vẫn sẽ có một chút ethanol trong hơi thở.
Dù vậy theo bác sĩ Nguyên người dân không cần quá lo lắng bị xử phạt trong tình huống này. Phía công an có quy trình làm xét nghiệm sàng lọc ban đầu, nếu cần có thể xét nghiệm lần 2.
Nam Phương