Phó Thủ tướng nhận trách nhiệm vì chương trình mục tiêu quốc gia "rất chậm"
(Dân trí) - "Chúng tôi xin nhận khuyết điểm trước Quốc hội, trước bà con đang sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng núi vì các chương trình rất chậm, chưa đạt yêu cầu đặt ra", Phó Thủ tướng nói.
Sáng 7/6, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh.
Theo điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sáng nay 7/6, Bộ trưởng Hầu A Lềnh sẽ trả lời phần tranh luận của đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) và đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội). Ông có tổng cộng 40 phút để đăng đàn trước khi tới phiên chất vấn của Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt.
Cũng trong sáng nay, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang sẽ dành khoảng 10 phút để phát biểu, làm rõ thêm một số vấn đề mà đại biểu quan tâm, trong đó có việc triển khai đồng bộ 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Trước đó, trong phiên chất vấn chiều 6/6, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai đặt vấn đề về việc thực hiện chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số. Dù Bộ trưởng trả lời việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về đồng bào dân tộc thiểu số rất tốt, bà Mai cho rằng thực tế không phải như vậy.
Bà dẫn chứng báo cáo của Chính phủ cho thấy hướng dẫn thực hiện chương trình này còn chậm, sai, giải ngân kém, huy động vốn chưa tốt...
Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết từng nhận trách nhiệm trước Chính phủ về việc này, song ông giải thích từ tháng 2/2021, các bộ ngành mới xây dựng các văn bản hướng dẫn. Đến cuối năm 2022 văn bản mới cơ bản hoàn thành. Quá trình triển khai cũng có công việc chậm.
Chưa hài lòng với câu trả lời này, nữ đại biểu đoàn Hà Nội giơ biển tranh luận. Bà không đồng tình với thông tin Bộ trưởng cung cấp về việc "hết năm 2022 đã hoàn thành ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai chương trình mục tiêu quốc gia", vì thực tế không phải như vậy.
Nữ đại biểu dẫn báo cáo tháng 4 của Chính phủ, nêu rõ Ủy ban Dân tộc chưa hoàn thành ban hành văn bản về chương trình phát triển kinh tế - xã hội đồng bào dân tộc thiểu số; một số nội dung hướng dẫn trái Luật Đầu tư công.
Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) cũng tranh luận về vấn đề thu hút các nguồn lực, đặc biệt là thu hút doanh nghiệp đầu tư vào miền núi đồng bào dân tộc thiểu số nhưng chính sách ở mỗi địa phương lại khác nhau, không đồng bộ trong cả nước.
Với những cơ chế ưu đãi mang tính vượt trội hơn quy định của Trung ương và pháp luật, đại biểu đề nghị Bộ trưởng nghiên cứu thêm để hướng dẫn cho địa phương, nếu không thực hiện sẽ rất khó và vướng.
Đặt câu hỏi cho Bộ trưởng, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) muốn biết giải pháp khi các chính sách về dân tộc tản mát ở nhiều văn bản.
Đại biểu cũng chất vấn việc thiếu văn bản hướng dẫn triển khai chương trình mục tiêu quốc gia dẫn đến manh mún, kém hiệu quả.
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) hỏi: "Việc chậm ban hành tiêu chí phân định miền núi, vùng cao thuộc trách nhiệm của cơ quan nào? Tiêu chí về địa bàn có còn phù hợp với yêu cầu quản lý Nhà nước nữa hay không?".
Chất lượng và tiến độ việc ban hành các văn bản để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia cũng là câu hỏi chất vấn mà đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) dành cho Bộ trưởng Hầu A Lềnh. Ông cũng hỏi về tính khả thi của việc huy động các nguồn lực để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia và khả năng về giải ngân vốn đầu tư cho dự án này.
Trong khi đó, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) muốn biết giải pháp sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực được đào tạo từ dự bị đại học lên đại học theo quy trình khép kín với nguồn kinh phí ước khoảng 2.000 tỷ đồng.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) lại chất vấn Bộ trưởng về giải pháp để người dân tộc học tập, sử dụng và giữ gìn ngôn ngữ riêng của mình.