Bộ trưởng thừa nhận "nhiều hộ dân không muốn thoát nghèo"
(Dân trí) - Bộ trưởng Hầu A Lềnh thừa nhận hiện tượng "không muốn thoát nghèo" là có thật và chỉ ra một số yếu tố liên quan thực tế này.
Chiều 6/6, sau phiên đăng đàn của Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh bắt đầu "ngồi ghế nóng".
Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Hầu A Lềnh trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Ông trả lời về trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc và công tác phối hợp trong triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, gồm Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Chính sách thu hút nguồn lực hỗ trợ đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn cùng giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong chính sách dân tộc liên quan đến phân định các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi... cũng là những nội dung trong nhóm vấn đề ông Hầu A Lềnh phải trả lời.
Ngoài ra, ông Hầu A Lềnh sẽ trả lời về việc giải quyết khó khăn về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc, khắc phục tình trạng du cư, du canh tự phát, chặt phá rừng.
Chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội trước đó, Bộ trưởng Hầu A Lềnh nói cảm thấy "rất lo lắng" trong lần đầu tiên đăng đàn, bởi chưa biết các đại biểu Quốc hội sẽ quan tâm tới vấn đề gì.
Bởi vậy, ông cho biết đã chuẩn bị các nội dung hết sức nghiêm túc để cung cấp thông tin cho các đại biểu, đặc biệt là những vấn đề của ngành, lĩnh vực mình đang được Chính phủ, Thủ tướng giao quản lý.
Liên quan đến 3 chương trình mục tiêu quốc gia - một trong những nội dung quan trọng thuộc nhóm vấn đề chất vấn, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho rằng việc các đại biểu băn khoăn giải ngân vốn rất chậm, ì ạch là đúng, vì Nghị quyết của Quốc hội đã ban hành từ năm 2019.
Theo ông Lềnh, đến nay công việc đang tiếp tục triển khai ở các địa phương, nhưng nếu nhìn vào số lượng giải ngân so với tổng vốn được bố trí trong giai đoạn 2021-2025 thì thấy tỷ lệ giải ngân rất thấp. Dù vậy, ông khẳng định khi đã có các văn bản pháp lý và hướng dẫn của các địa phương thông suốt, việc giải ngân cũng sẽ thuận lợi.
Người đứng đầu Ủy ban Dân tộc cho rằng các danh mục, công trình, cũng như nội dung có liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công thuộc lĩnh vực dân tộc rất gọn, không lớn như các chương trình khác, và sẽ được triển khai rộng khắp ở các địa bàn, địa phương.