Bộ trưởng Tài chính: "Đã là nhà ở xã hội, Nhà nước phải duyệt giá"
(Dân trí) - "DN bỏ vốn đầu tư, nhưng Nhà nước giao đất sạch, không thu tiền sử dụng đất nên phải khống chế giá bán tối đa. Có như vậy, nhà ở xã hội mới bán, cho thuê đúng đối tượng", theo Bộ trưởng Tài chính.
Trong phiên thảo luận tổ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) sáng 5/6, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc thể hiện rõ quan điểm về quy định xác định giá bán, cho thuê nhà ở xã hội. Đây là một trong những nội dung quan trọng được sửa đổi, bổ sung trong dự án luật lần này.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết Luật hiện hành xác định giá bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội chưa tính đến các chi phí hợp lệ, hợp lý như chi phí tổ chức bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp và các chi phí hợp lý khác... Việc này dẫn đến không thu hút được nhiều chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Vì vậy, dự thảo luật bổ sung chính sách: Giá bán được xác định trên cơ sở tính đủ các chi phí để thu hồi vốn đầu tư xây dựng nhà ở; các chi phí hợp lý, hợp lệ của doanh nghiệp (chi phí tổ chức bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí hợp lý khác)…
"Tuy nhiên, để kiểm soát chặt chẽ giá bán, cho thuê nhà ở xã hội trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân, đề nghị làm rõ các chi phí hợp lý khác được tính vào giá bán hoặc phải quy định các nguyên tắc, điều kiện để chi phí có thể coi là hợp lý, hợp lệ khi tính vào giá bán", ông Tùng nhấn mạnh.
Thể hiện quan điểm về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phân tích, nhà ở xã hội có 2 loại. Một là do Nhà nước đầu tư. Hai là từ nguồn vốn xã hội hóa, tức do doanh nghiệp đầu tư.
Theo ông Phớc, nếu nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư, dự thảo quy định rõ UBND tỉnh có thẩm quyền giao chủ đầu tư thực hiện và "là người quy định giá bán và giá thuê".
"Đất nhà ở xã hội không thu tiền, đương nhiên khi Nhà nước làm thì quy định giá bán cho các đối tượng được mua nhà ở xã hội", Bộ trưởng giải thích.
Với nhà ở xã hội do doanh nghiệp đầu tư, theo ông Phớc, dự thảo luật chưa quy định "giá bán do ai duyệt". Song theo quan điểm của mình, ông nhấn mạnh "đã là nhà ở xã hội thì Nhà nước phải duyệt giá".
Giải thích cho quan điểm này, Bộ trưởng Tài chính cho rằng doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư nhưng Nhà nước giao đất sạch, không thu tiền sử dụng đất, do đó, Nhà nước phải khống chế mức bán tối đa. "Có như vậy, nhà ở xã hội mới bán, cho thuê đúng đối tượng, còn nếu không khống chế giá bán tối đa sẽ rơi vào kênh nhà ở thương mại", ông Phớc nói.
Bộ trưởng Tài chính tái khẳng định Nhà nước phải quyết giá nhà ở xã hội. Với nhà ở xã hội Nhà nước đầu tư thì bán đúng giá, còn doanh nghiệp đầu tư thì phải quy định giá tối đa.
Ngoài ra, ông Phớc đề nghị phí bảo trì và quản lý nhà ở xã hội phải giao cho UBND tỉnh ban hành, không để mỗi khu chung cư lại đặt ra một loại phí.
Ông nêu thực tế trước đây quy định nhà ở xã hội không quá 5 tầng nên chỉ đi cầu thang bộ, nhưng giờ phải đi thang máy và các hạ tầng hiện đại hơn, đòi hỏi bộ máy quản lý phải chuyên nghiệp.
"Muốn chuyên nghiệp, phải có kinh phí bảo trì. Mà kinh phí bảo trì do người lao động, những đối tượng sử dụng nhà ở xã hội trả. Đây là những đối tượng nghèo, yếu thế, cho nên phải duyệt giá, phí, chứ không thể để chủ đầu tư tự nâng lên thế nào cũng được", Bộ trưởng Tài chính nêu quan điểm.
Cũng nói về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh (Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội), cho rằng giá nhà ở xã hội đang chưa thống nhất với Luật Giá. Theo đó, Luật Giá quy định nhà ở xã hội không sử dụng vốn Nhà nước, do tư nhân đầu tư thì vẫn thuộc phạm vi định giá của Nhà nước.
Trong khi đó, dự thảo Luật Nhà ở lại quy định chủ đầu tư nhà ở xã hội xây dựng phương án giá bán, cho thuê, trình cơ quan chuyên môn của tỉnh thẩm định. Theo ông Thịnh, hai quy định này đang mâu thuẫn nên cần nghiên cứu lại, quy định cho phù hợp.