1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Phía Nhật Bản cử chuyên gia tìm nguyên nhân sự cố dầm cầu metro 1 tại TPHCM

Quốc Anh

(Dân trí) - Tổ công tác độc lập của TPHCM đang rất thận trọng xác định sự cố rơi gối cao su dầm cầu metro số 1. Trong khi đó, phía Nhật Bản cũng cử bộ phận độc lập sang kiểm tra nguyên nhân sự cố.

Chiều 24/12, trao đổi với PV Dân trí, ông Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hội cầu đường cảng TPHCM, thành viên tổ công tác kiểm tra độc lập của TPHCM về sự cố rơi gối cao su dầm cầu metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) cho biết, các nhà khoa học đang thận trọng tìm nguyên nhân sự cố.

Phía Nhật Bản cử chuyên gia tìm nguyên nhân sự cố dầm cầu metro 1 tại TPHCM - 1

Gối cao su (gối trái theo hướng tuyến từ Bến Thành đi Suối Tiên) sử dụng cho dầm cầu cạn tại vị trí trụ P14-10 thuộc phân đoạn cầu cạn VD14 bị mất ổn định rơi khỏi đá kê gối không rõ nguyên nhân

"Hiện nay chưa xác định được nguyên nhân nên không thể đánh giá sâu về chuyên môn. Trong tuần sau tổ công tác sẽ đi kiểm tra hiện trường để so sánh và đánh giá đây là nguyên nhân trầm trọng cần xử lý toàn diện hay chỉ là cục bộ", ông Trường nói.

Ông cũng nhấn mạnh rằng việc đánh giá, tìm ra nguyên nhân phải có thời gian để đảm bảo tính khách quan, chính xác.

"Hôm nay mới là cuộc họp đầu tiên của tổ công tác với các bên liên quan nên chưa thể xác định nguyên nhân sự cố. Trong hệ thống dầm cầu có hàng nghìn gối cao su mà chỉ có 1 cái xảy ra sự cố. Các nhà khoa học rất thận trọng để xác định nguyên nhân, có như thế thì đánh giá mới công bằng. 2 tuần nữa tổ công tác sẽ báo cáo UBND TP về sự cố này", ông Trường thông tin. 

Phía Nhật Bản cử chuyên gia tìm nguyên nhân sự cố dầm cầu metro 1 tại TPHCM - 2

Tổ công tác kiểm tra độc lập của TPHCM đang làm việc với các bên liên quan để tìm ra nguyên nhân sự cố

Ông Hà Ngọc Trường cũng nêu quan điểm về thông tin gối cao su tại vị trí xảy ra sự cố nặng 117kg, trong khi hồ sơ đệ trình trước đó là nặng 126,1kg. Ông cho rằng phải chờ báo cáo chính xác để xác minh lại trọng lượng gối cao su.

Liên quan đến sự cố, ông Trường cho biết, phía Nhật Bản mà cụ thể là tập đoàn của SUMITOMO cũng cử bộ phận độc lập sang kiểm tra, tìm nguyên nhân sự cố rơi gối cao su vì họ rất tôn trọng chất lượng công trình và uy tín.

Trong khi đó, khi được đề nghị đánh giá sự cố có ảnh hưởng đến chất lượng công trình và thời điểm vận hành đúng tiến độ vào cuối năm 2021 hay không thì lãnh đạo Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM cho biết, hiện tổ công tác đang làm việc với  các bên liên quan. Vì vậy, chủ đầu tư cũng chưa phát ngôn được về vấn đề này.

Phía Nhật Bản cử chuyên gia tìm nguyên nhân sự cố dầm cầu metro 1 tại TPHCM - 3

Tổng thầu EPC là liên danh SCC đã xử lý xong việc đặt gối thay thế đảm bảo ổn định cho dầm trong thời gian xem xét, đánh giá nguyên nhân của sự việc

Trong một diễn biến liên quan, NJPT (liên danh tư vấn giám sát) đại diện chủ đầu tư đã có thư cảnh cáo tập đoàn SUMITOMO về sự cố gối cầu VD14, sự vô tâm và thiếu trách nhiệm của Văn phòng chính SUMITOMO với vai trò là công ty chính trong gói thầu CP2 cũng như về vấn đề thiếu năng lực của quản lý chất lượng dự án.

Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM cũng có văn bản phản hồi chính thức đến ông Shigeki Ihara, Giám đốc dự án nhà thầu liên danh Sumitomo - Cienco 6 (SCC) về khiếu nại gối cao su sử dụng cho dầm cầu cạn tại vị trí P14-10 tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Theo đó, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP không chấp nhận nội dung giải trình của SCC về trọng lượng gối cao su, nguyên nhân sự cố và đề nghị khẩn trương cung cấp hồ sơ liên quan để trình tổ công tác của TP xem xét, ý kiến.

Theo Ban Quản lý đường sắt, sự cố trên hoàn toàn thuộc trách nhiệm của SCC. Sự cố không chỉ làm ảnh hưởng tới tiến độ thi công gói thầu CP2 mà còn làm ảnh hưởng tới các gói thầu khác của tuyến metro số 1 khi đang trong giai đoạn nước rút về đích. Ngoài ra, sự cố sẽ phát sinh các chi phí liên quan cũng như tạo ra hình ảnh xấu trong dư luận. 

Phía Nhật Bản cử chuyên gia tìm nguyên nhân sự cố dầm cầu metro 1 tại TPHCM - 4

Đến nay vẫn chưa có thông tin chính thức về việc sự cố có ảnh hưởng đến thời gian vận hành tuyến metro đầu tiên của TPHCM vào năm 2021

Trước đó, NJPT (tư vấn giám sát - đại diện chủ đầu tư) có công văn gửi SCC về sự khác biệt giữa trọng lượng hai gối cao su dầm cầu được lắp đặt tại công trình là trụ P14-10. 

Theo hồ sơ được đệ trình trước đó (năm 2015), hai gối cao su có trọng lượng 126,1kg nhưng thực tế hai gối lắp đặt tại công trình có trọng lượng 117 kg.

Do đó, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP cho rằng có cơ sở nghi ngờ chất lượng thực tế của tất cả các gối cao su được lắp đặt tại công trình. 

Vì vậy, SCC phải cung cấp kết quả thí nghiệm để chứng minh rằng tất cả các vật liệu dùng cho gối cao su đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của dự án.

Như Dân trí thông tin, qua kiểm tra hiện trường ngày 30/10, các cơ quan phát hiện gối cao su (gối trái theo hướng tuyến từ Bến Thành đi Suối Tiên) sử dụng cho dầm cầu cạn tại vị trí trụ P14-10 thuộc phân đoạn cầu cạn VD14 bị mất ổn định rơi khỏi đá kê gối không rõ nguyên nhân (đã lắp dầm vào năm 2016).

Sau đó, tổng thầu EPC là liên danh SCC đã xử lý xong việc đặt gối thay thế đảm bảo ổn định cho dầm trong thời gian xem xét, đánh giá nguyên nhân của sự việc.