1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Phải rút kinh nghiệm trong điều hành để trưởng thành”

(Dân trí) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh như vậy khi trả lời các câu hỏi của báo chí về nguyên nhân khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng cao. Người đứng đầu Chính phủ cũng cởi mở và thẳng thắn về chính sách ô tô, giá bất động sản, khả năng hấp thụ đầu tư...

Thưa Thủ tướng, nhiều đại biểu băn khoăn, tốc độ tăng trưởng cao nhưng chỉ số giá tiêu dùng cũng cao sẽ phân hóa giàu nghèo lớn?

Băn khoăn đó là đúng. Mình mong muốn tăng trưởng, lạm phát ít hơn nhưng lạm phát cao cũng có nguyên nhân cả khách quan và chủ quan.

Trong báo cáo Chính phủ cũng nghiêm túc chỉ rõ, về khách quan, chúng ta là một nền kinh tế thị trường gắn với nền kinh tế thế giới và khi đã là nền kinh tế thị trường, giá cả phải theo thị trường.

Có rất nhiều yếu tố để cấu thành giá cả, trước hết là giá nguyên liệu, giá vật tư, rồi tỉ giá đồng ngoại tệ của thế giới... Giá cả còn phụ thuộc vào năng suất lao động, chi phí sản xuất, trình độ của một nền kinh tế.

Còn về chủ quan, đúng là có cái chúng ta chưa lường trước hết được để điều hành. Cái này là hai mặt của một vấn đề: Thứ nhất, đầu tư nước ngoài trực tiếp, gián tiếp vào nước ta mạnh, nhiều, nhưng nhà đầu tư phải chuyển USD vào làm vốn để đầu tư. Mình không thể để nền kinh tế đô la hóa nên phải lấy tiền đồng đổi cho họ để lấy đô la.

Thứ hai, nếu chúng ta không mua USD mà người mua ít thì USD sẽ xuống giá và giá đồng Việt Nam sẽ tăng lên. Đồng Việt Nam tăng lên thì ảnh hưởng đến xuất khẩu nên buộc chúng ta phải đưa tiền ra mua.

Nhưng có cái dở mà trong họp Chính phủ tôi có nói, chúng ta không lường hết được là đưa tiền ra nhưng biện pháp rút tiền về thế nào. Đây là nghệ thuật, không phải rút tiền về bằng mệnh lệnh hành chính mà phải bằng cơ chế thị trường như phát hành trái phiếu, phát hành tín phiếu…

Với dự đoán trước đây là độ trễ vòng quay của đồng tiền chậm, nhưng bây giờ rất nhanh nên cái đó là chủ quan. Chúng tôi cũng đã nghiêm túc kiểm điểm, báo cáo trước Quốc hội là một bức tranh như thế có cái được là cái lớn: kinh tế xã hội tăng trưởng 8,5%, 23 chỉ tiêu đạt 21 (2 chỉ tiêu chưa đạt là nhập siêu còn cao và tỉ lệ giảm sinh chưa giảm - PV).

Thủ tướng đã xem xét việc kiểm điểm một số bộ, ngành để xảy ra nguyên nhân chủ quan trong tăng giá?

Cái này có kiểm điểm rồi rút kinh nghiệm vì đây không phải việc cố ý làm trái mà đây là việc không lường trước được. Không ai dự đoán từ đầu năm rằng, vốn đầu tư vào đến mức 8-9 tỉ USD trong vòng sáu tháng buộc chúng ta phải mua.

Cái này chúng tôi rút kinh nghiệm ở tầm vĩ mô là hội nhập càng sâu thì biến động càng nhanh, càng lớn và các cơ quan phải nhanh chóng thích nghi. Có cái mình phải rút kinh nghiệm để trưởng thành lên trong điều hành. Tôi tin sang năm sẽ tốt hơn năm nay.

Khả năng sang năm chúng ta có phải tiếp tục mua USD như năm nay?

Cũng có thể nhưng cách làm sẽ khác hơn, sẽ hiệu quả hơn.

Trong trường hợp xấu nhất là CPI cao hơn GDP, Chính phủ có sẵn sàng nhận trách nhiệm trước quốc hội?

Trách nhiệm là vô cùng, muốn lúc nào nhận cũng được, nhưng vấn đề là kiểm soát thế nào. Bây giờ phải nói GDP là giá trị tăng thêm, nó đã loại trừ yếu tố tăng giá. Tăng giá như thế nhưng không phải không có tăng trưởng.

Thưa Thủ tướng, trong vấn đề cơ chế chính sách thì chính sách của chúng ta đối với công nghiệp ô tô đã thất bại?

Công nghiệp ô tô nói thất bại thì tôi cũng chưa bình luận nhưng nó có lịch sử. Bây giờ cả nước có 11 liên doanh sản xuất ô tô. Từ khi chúng ta cấp phép, chúng ta ràng buộc trong giấy phép nhà đầu tư cam kết mỗi năm tăng tỉ lệ nội địa hóa lên 5%.

Chúng ta mong muốn rất tốt đẹp nhưng còn trở ngại này, trở ngại khác. Khi nhà đầu tư thấy nội địa hóa không có lợi bằng nhập thì họ không nội địa hóa, trong khi mình không có chế tài. Đó là một bài học.

Nhưng Chính phủ hoàn toàn có thể chủ động thay đôi chính sách?

Bây giờ đang trong quá trình. Mình có mấy chính sách, một là ta đánh thuế tính theo phụ tùng, tức là phụ tùng nào trong nước sản xuất được mà nhập khẩu thì đánh thuế cao, chứ không tính nguyên chiếc.

Bước thứ hai theo cam kết hội nhập, trước đây chúng ta bảo hộ, bây giờ chúng ta phải mở cửa thị trường, giảm dần thuế, nghĩa là đối xử với doanh nghiệp trong nước thế nào thì đối xử với doanh nghiệp nước ngoài thế đấy.

Đây là lộ trình giảm thuế để doanh nghiệp trong nước, liên doanh trong nước vươn lên, tăng nội địa hóa. Nội địa hóa thì được hưởng lợi từ chính sách thuế. Với những xe chúng ta làm được thì thuế nhập rất cao.

Cho nên có thể nói chúng ta hội nhập vào nền kinh tế thế giới, chúng ta chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường là cả quá trình, vừa làm vừa dò, vừa rút kinh nghiệm, có cái thành công, có cái chưa thành công, thậm chí phải nói là thất bại.

Chúng ta hết sức nhìn thẳng vào sự thật, cái được thì phát huy, cái gì xuất hiện vướng mắc chưa được thì phân tích nguyên nhân, đề ra giải pháp tiến lên.

Báo cáo của Chính phủ đánh giá khả năng hấp thụ vốn của chúng ta kém, vậy ta có bỏ lỡ cơ hội 9 tỉ USD đang “ném” vào thị trường?

Phải nói khách quan rằng tuy đã được cải thiện rất nhiều, rất đáng phấn khởi vì thế giới còn thừa nhận Việt Nam là nền kinh tế đứng thứ 6 trong 10 nước thu nhận vốn đầu tư lớn, nhưng chúng ta không thỏa mãn với cái đó.

Năm nay có khả năng đầu tư nước ngoài lên đến 13 - 14 tỉ USD, đương nhiên chúng ta nhìn vào phía trước, quyết liệt cải cách hơn nữa để thu hút đầu tư mạnh hơn nữa thì mới nhanh được.

Thủ tướng có lo ngại hiệu ứng ngược là vốn vào nhiều nhưng hiệu quả không cao và nhà đầu tư sẽ rút vốn ra?

Vốn theo kinh tế thị trường nó đổ vào những nơi có hiệu quả chứ không phải như vốn thời bao cấp, ra lệnh chi chỗ này, chỗ kia. Nhà đầu tư tìm chỗ có hiệu quả để đầu tư. Nhiệm vụ của chúng ta là tạo thuận lợi để cho họ đầu tư có hiệu quả tốt hơn.

Hiện nay thị trường bất động sản cũng đang rất nóng bỏng, Chính phủ có biện pháp gì để giải quyết về vấn đề này?

Đúng là thị trường phải như thế. Khi nền kinh tế lên thì giá bất động sản lên. Vấn đề là Chính phủ sẽ tìm cách không để đầu cơ chứ không thể cấm đoán. Phải kiểm soát làm sao để nó vận hành một cách lành mạnh, không để đầu cơ gây biến động, bất thường.

Xin cám ơn Thủ tướng!

Cấn Cường (ghi)