Phá hoại môi trường: Công ty Vedan Việt Nam sẽ bị xử lý mức cao nhất
(Dân trí) - Sau sự việc Công ty Vedan Việt Nam cố tình đấu nối hệ thống đường ống thoát nước để xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: “Sẽ xử lý Công ty này ở mức cao nhất!”.
Phá hoại môi trường tinh vi và có hệ thống
Cục Cảnh sát môi trường cho biết vừa phối hợp với đoàn kiểm tra thuộc Bộ Tài nguyên - môi trường (TN&MT) bắt quả tang việc công ty Vedan Việt Nam (đóng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) đấu nối hệ thống đường ống thoát nước để xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải.
Sau nhiều ngày theo dõi, chụp ảnh làm bằng chứng, đoàn đã bất ngờ kiểm tra và nhanh chóng phát hiện hệ thống đường ống nước thải từ các bồn, bể chứa dịch sau lên men có dung tích 6.000 -15.000m3 nối với hệ thống thoát nước thải ra sông Thị Vải. Ngoài ra, hệ thống thoát nước thải từ nhà máy tinh bột cũng được thiết kế ngụy trang để xả ra môi trường. Công ty Vedan VN đã thừa nhận hành vi vi phạm này. Tổng lượng nước thải xả ra sông Thị Vải hơn 4.000m3/ngày.
Hiện Vedan VN đang hoạt động sản xuất nhiều mặt hàng như: bột ngọt, tinh bột, nước đường, xút (NaOH), axit...
Theo đánh giá của Bộ TN&MT, sông Thị Vải đang rơi vào tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng bởi các loại rác thải và đáng lo hơn là các kim loại nặng. Đặc biệt, đoạn sông đi qua công ty Vedan VN được đánh giá là khúc sông “chết”.
Sau vụ việc này, tại buổi gặp gỡ với báo giới tối 15/9, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết: “Sẽ xử lý Công ty Vedan VN ở mức cao nhất”.
Trước câu hỏi đưa ra: “Đây không phải là lần đầu tiên Vedan VN vi phạm quy định về bảo vệ môi trường. Thực tế đã cho thấy việc phá hoại môi trường của đơn vị này là có hệ thống và ngày càng tinh vi?”, ông Hà nói “quan điểm của Bộ là sai đến đâu sẽ xử lý nghiêm đến đó. Bộ TN&MT quyết tâm làm cho ra và xử lý việc này một cách bài bản và chặt chẽ nhất”.
Khi đề cập đến vấn đề “Sai phạm của Công ty Vedan VN đã đủ yếu tố khởi tố hình sự và đóng cửa nhà máy hay chưa?”, ông Hà chưa đưa ra câu trả lời cụ thể mà chỉ bày tỏ quan điểm: “Sai thì xử phạt sao cho họ cải tiến chứ không phải xử để doanh nghiệp đóng cửa”.
Người dân có quyền đòi bồi thường
TS Nguyễn Ngọc Sinh - Chủ tịch Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN cho biết: Mỗi năm Bộ TNMT đều có danh sách “đen” các cơ sở sản xuất, đơn vị gây tác hại đến môi trường và danh sách này luôn biến động. Với hàng trăm cơ sở phải xử lý triệt để và hơn 2.000 cơ sở khác ngấp nghé mức chịu phạt. |
Thế nhưng, tại Việt Nam, nhận thức của doanh nghiệp về bảo vệ môi trường còn rất hạn chế. Nguyên nhân một phần do trình độ công nghệ và một phần là do hạn chế về tài chính. Dẫu vậy, khó có thể tin rằng một công ty lớn mạnh như Vedan lại có sự hạn chế về tài chính, nhân lực và công nghệ đến mức lén xả thẳng nước thải ra sông.
Liên quan đến sự việc này, PGS.TS Phạm Bình Quyền -Tổng thư ký Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường VNb (Vacne), bày tỏ sự bức xúc trước hành vi đầu độc sông Thị Vải của Công ty Vedan VN. Theo ông Quyền, đối chiếu với các quy định pháp luật của Việt Nam, công ty này phải chịu mức xử lý hình sự và đóng cửa nhà máy.
Ông Quyền cũng cho rằng người dân địa phương hoàn toàn có quyền khởi kiện Công ty Vedan VN và đòi họ bồi thường thiệt hại về những phá hoại môi trường mà công ty này đã gây ra đối với sức khoẻ, cũng như chất lượng cuộc sống của cư dân ven sông.
P. Thanh