1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Thẩm quyền “xử” Vedan:

Không thiếu trọng tài đứng giữa Bộ và Tỉnh

(Dân trí) - Việc xử lý sai phạm tại công ty Vedan đang “tắc” khi Bộ TN-MT và UBND tỉnh Đồng Nai có ý kiến trái ngược về thẩm quyền, trách nhiệm. Phó chủ nhiệm UB tư pháp của Quốc hội, Lê Thị Nga, cho rằng nhiều cơ quan có thể đóng vai trọng tài phân xử.

Việc xử lý vi phạm của công ty Vedan vừa qua cũng như biện pháp đối phó với loại tội phạm về môi trường đang đi vào “đường cụt” vì thiếu cơ sở pháp lý. Theo bà, việc quy định trách nhiệm hình sự với pháp nhân, nếu có, sẽ giải quyết được vấn đề?

Từ năm 1999, khi sửa đổi BLHS, đã có nhiều ý kiến đưa ra là nên quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Tuy nhiên, cho đến giờ, BLHS sắp sửa đổi cũng không quy định điều đó.

Trong thực tiễn, qua những vụ việc xảy ra vừa rồi, nếu có chế định đó, việc xử lý sẽ rất thuận. Nếu đủ điều kiện quy định trách nhiệm của cá nhân trong những vụ án vi phạm về môi trường thế này thì cũng không đúng với hành vi đó.

Ví dụ, một ông GĐ nếu có chỉ đạo thực hiện việc xả chất thải chưa xử lý, huỷ hoại môi trường thì cũng đã có sự bàn bạc trong Ban GĐ. Như vậy, vì lợi ích chung mà cá nhân người này lại phải chịu trách nhiệm thì cũng không hết lẽ. Tất nhiên, nếu pháp luật phát hiện việc chỉ đạo và đã xử lý hành chính thì cũng quy tội được nhưng lại không sát với hành vi, với thực tiễn của loại tội phạm này.

Theo bà, có gì khó khăn trong việc cá thể hoá trách nhiệm với trường hợp xử lý các loại tội phạm liên quan đến môi trường như này?

Cá thể hoá trách nhiệm thì trước hết phải chỉ rõ được cá nhân. Như vụ Vedan, phải xác định có hành vi phạm tội có tổ chức theo hướng đồng phạm. Cơ quan chức năng phải làm rõ được việc lắp đặt hệ thống xả trộm chất thải ở đơn vị này có sự bàn bạc trong lãnh đạo công ty, sau đó mới phân ra ai là người chủ mưu, cầm đầu, người nào thực hành, người nào giúp sức.

Như vậy, việc quy trách nhiệm cá nhân, nếu có, theo chế định đồng phạm cũng sẽ khó áp dụng hơn so với việc xác định trách nhiệm hình sự của pháp nhân?

Đúng vậy. Ngoài ra, vẫn còn điểm bất hợp lý là người bị quy trách nhiệm hành động như vậy cũng vì lợi ích chung của toàn thể pháp nhân chứ không phải vì lợi ích của cá nhân hay của riêng Ban GĐ. Điều đó có nghĩa là tất cả những người lao động trong pháp nhân cũng được hưởng lợi ích từ hành vi vi phạm nhưng người ta lại không phải chịu trách nhiệm gì về cá nhân. Như vậy là không sát với loại tội phạm này.

Nếu có thể quy trách nhiệm hình sự cho cả pháp nhân, quyết định đình chỉ hay tước giấy phép hoạt động… với tính chất là một hình phạt hình sự, sẽ đảm bảo tính trừng phạt tới từng thành viên trong pháp nhân. Xử lý pháp nhân khi đó sẽ triệt để hơn.

Việc xử lý vi phạm của công ty Vedan hiện nay, Bộ TN-MT cho rằng thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh Đồng Nai. Tỉnh lại khẳng định trách nhiệm thuộc Bộ. Ý kiến của bà về việc này?

Theo tôi, các tranh chấp về việc thực hiện pháp luật thì phải có một người đứng làm trọng tài. Tôi nghĩ Chính phủ có đầy đủ công cụ để phân định rõ ràng về thẩm quyền giải quyết, xử lý bởi “nút thắt” là đang có việc áp dụng pháp luật không thống nhất giữa Bộ TN-MT và UBND tỉnh Đồng Nai. Chính phủ có Bộ tư pháp, có Vụ pháp chế của Văn phòng chính phủ… đều có thể đóng vai trọng tài để giải quyết việc đó.

Vậy giữa quan điểm của Bộ TN-MT cho rằng phải “đình chỉ” hoạt động của Vedan và UBND tỉnh Đồng Nai dừng lại ở “tạm đình chỉ”, quan điểm nào đúng, về mặt pháp lý?

Việc này muốn nói thì phải ngồi bàn kỹ. Bây giờ trả lời ngay có thể không chính xác.

Xin cảm ơn bà!

P.Thảo (ghi)