Kỳ họp thứ 8, HĐN Thành phố Hà Nội khóa XIII:

Ông Vũ Đức Tân sẽ “tấn công” vấn đề nhà đất công

(Dân trí) - Đại biểu Vũ Đức Tân, người đã có những câu chất vấn làm nóng hội trường tại kỳ họp trước, cho biết, kỳ họp này ông sẽ đặt những câu hỏi về vấn đề quản lý nhà đất công của Thành phố, chủ đề đang nóng trong suốt thời gian qua.

Ông có nhận xét gì về vấn đề quản lý tài sản nhà đất công của Thành phố hiện nay?

 

Hơi lỏng và hơi lãng phí. Theo tôi cử tri cũng thắc mắc rất nhiều vì tới nay chưa hề có văn bản nào công bố Hà Nội có bao nhiêu người được hưởng chế độ theo Nghị định 61. Tổng lượng tài sản của Nhà nước chuyển sang cá nhân một cách hợp pháp theo Nghị định này cho đến nay cũng chưa công bố. Theo tôi, việc công bố này đáng ra phải là việc bình thường.

 

Về nguyên tắc, việc  đãi ngộ đối với người có công là không có vấn đề gì, chỉ có điều là nó có tạo nên sự công bằng không? Tôi cho rằng vấn đề tổng thể quá trình này là có vướng mắc vì có trường hợp giải quyết được, có trường hợp không. Trên thực tế, có khi có những khoản tài sản quá lớn đã vào tay một người…

 

Đi vào trường hợp cụ thể như ông Nghiên, ông Vượng vừa rồi, không biết các đại biểu HĐND có biết là những biệt thự công đó đã thu hồi lại hay chưa và chính sách với những người này sẽ như thế nào?

 

Tôi cho rằng các đồng chí ấy cũng không thiếu gì chỗ ở. Cơ bản, đây là vấn đề chính sách. Mà là chính sách thì đụng chạm đến nhiều người, phải làm thế nào cho hợp lý.

 

Quả thật đến nay ngoài thông tin trên báo chí thì tôi cũng không có thông tin nào khác mới hơn về những trường hợp cụ thể này. Việc những cán bộ này đã trả nhà chưa tôi cũng không biết.

 

Vậy trong buổi làm việc ngày mai ông sẽ đưa vấn đề quản lí nhà đất công ra để chất vấn? Những lĩnh vực nào khác ông quan tâm và sẽ đặt lên bàn chất vấn tại kì họp lần này?

 

Tôi sẽ chất vấn một vài vấn đề. Trong đó, vấn đề tài sản, nhà đất công trong nội dung chất vấn đã có rồi nhưng dĩ nhiên tôi cũng sẽ hỏi thêm.

 

Ngoài ra cũng có một số vấn đề tôi rất quan tâm, ví dụ: trường hợp cán bộ mắc khuyến điểm rồi nhưng vẫn đề bạt vào những vị trí lãnh đạo, đôi khi còn là vị trí cao hơn, quan trọng hơn vị trí cũ. Tôi có nhiều ví dụ cụ thể về bố trí cán bộ kiểu như vậy. Theo tôi, những trường hợp đó khi đề bạt chúng ta phải cân nhắc nhiều. Lẽ ra khuyết điểm đến mức độ nào thì cũng phải xử lý tương ứng.

 

Vấn đề cải cách hành chính là rất quan trọng như ông Phạm Quang Nghị đã nói. Theo tôi, quá trình xã hội hóa thực ra là quá trình thị trường hóa mà có điều tiết của nhà nước. Vậy nên như tổng biên chế chẳng hạn, không thể lúc nào cũng ấn định được như thế, phải co giãn linh hoạt theo nhu cầu của thị trường chứ. Vậy mà chúng ta vẫn có tâm lý ấn định số lượng, thậm chí còn tăng biên chế hơn. Tôi cho rằng vấn đề con người vẫn là vấn đề nóng, phải làm quyết liệt.

 

Tân Phương