1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Ông Tất Thành Cang "dính" sai phạm ở những dự án nào?

(Dân trí) - Ông Tất Thành Cang - Phó Bí thư thường trực Thành ủy TPHCM chấp thuận chủ trương chuyển nhượng hơn 32ha đất tại Phước Kiển (huyện Nhà Bè) với giá “bèo”. Khi giữ chức Giám đốc Sở GTVT TP, ông Cang đã vi phạm quy định pháp luật trong việc ký quyết định phê duyệt dự án và ký tắt hợp đồng dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đánh giá những vi phạm của ông Tất Thành Cang - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM là rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của Thành ủy, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật.

Phó Bí thư thường trực Thành ủy TPHCM Tất Thành Cang
Phó Bí thư thường trực Thành ủy TPHCM Tất Thành Cang

Tự ý chấp thuận chủ trương chuyển nhượng 32ha đất giá “bèo”

Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Tất Thành Cang đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, vi phạm thẩm quyền, nguyên tắc, quy trình xử lý công việc, vi phạm quy định của Thành ủy về quản lý, sử dụng tài sản tại các doanh nghiệp thuộc sở hữu Đảng bộ Thành phố và các quy định pháp luật trong việc quyết định chủ trương hợp tác kinh doanh, chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các doanh nghiệp thuộc Thành ủy.

Ông Tất Thành Cang tự ý chấp thuận chủ trương chuyển nhượng hơn 32ha đất với giá bèo (ảnh: Nguyễn Quang)
Ông Tất Thành Cang tự ý chấp thuận chủ trương chuyển nhượng hơn 32ha đất với giá "bèo" (ảnh: Nguyễn Quang)

Trước đó, ngày 18/4, Văn phòng Thành ủy TPHCM đã phát đi thông tin liên quan đến việc Công ty TNHH MTV đầu tư và xây dựng Tân Thuận (viết tắt là Công ty Tân Thuận) đã ký chuyển nhượng phần diện tích đất đã đền bù tại Khu dân cư Phước Kiển (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) cho Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai hơn 32ha, với giá 1,29 triệu đồng/m2.

Điều bất thường là khu đất công có giá thị trường trên 2.000 tỷ đồng lại được Công ty Tân Thuận bán một công ty tư nhân với giá ở mức 1,29 triệu đồng/m2. Sau thương vụ này, công ty Tân Thuận chỉ thu về ngân sách nhà nước tổng số tiền hơn 419 tỷ đồng.

Tại buổi làm việc chiều 6/5, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM có kết luận ban đầu về vụ việc. Trong đó, Ban Thường vụ Thành ủy cũng chỉ rõ trách nhiệm của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tất Thành Cang. Với những sai phạm này, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu ông Tất Thành Cang kiểm điểm trách nhiệm trong vụ việc và báo cáo cụ thể với Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Tại buổi làm việc, Thành ủy TPHCM cũng đưa ra nhận định, nếu Ban Thường vụ Thành ủy không kịp thời chỉ đạo, không yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng sẽ dẫn đến thiệt hại lớn và nghiêm trọng cho thành phố.

Liên quan đến vụ chuyển nhượng trên, tại buổi bế mạc Hội nghị lần thứ 17 của Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa X diễn ra chiều 6/7, Đảng bộ TP đã quyết định kỷ luật bà Thái Thị Bích Liên – Chánh Văn phòng Thành ủy bằng hình thức khiển trách.

Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã thống nhất đề xuất kỷ luật ông Tất Thành Cang - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM.

Tại đây, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã chỉ ra những vi phạm của ông Cang như: quyết định không đúng thẩm quyền, vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý tài sản, đầu tư trong các doanh nghiệp Nhà nước, về kinh doanh bất động sản, không đảm bảo quy trình, nguyên tắc xử lý công việc của Đảng bộ TPHCM và thiếu kiểm tra trong kiểm tra thực hiện các quyết định của mình.

Ban Thường vụ Thành ủy giao Ủy ban Kiểm tra Thành ủy tập hợp đầy đủ hồ sơ, tài liệu có liên quan để gửi báo cáo Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét xử lý theo quy định của Đảng.

Đường Thủ Thiêm 1.000 tỷ đồng/km, đắt gấp nhiều lần làm đường cao tốc!

Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong thời gian giữ cương vị Thành ủy viên, Ủy viên UBND Thành phố, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM, ông Tất Thành Cang đã vi phạm quy định pháp luật về đất đai và quản lý đầu tư xây dựng trong việc ký quyết định phê duyệt dự án và ký tắt hợp đồng dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Đến nay, 4 tuyến đường với giá khủng ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm vẫn còn dang dở (ảnh: Nguyễn Mạnh)
Đến nay, 4 tuyến đường với giá "khủng" ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm vẫn còn dang dở (ảnh: Nguyễn Mạnh)

Cụ thể, ông Tất Thành Cang đã vi phạm quy định khi phê duyệt dự án và ký tắt hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) với Công ty CP đầu tư xây dựng Đại Quang Minh, đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2).

Ngược dòng thời gian, ngày 1/12/2014, UBND TPHCM và Công ty CP đầu tư xây dựng Đại Quang Minh đã ký chính thức hợp đồng BT dự án 4 tuyến đường chính khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Trước đó, 2 bên đã ký tắt hợp hợp đồng BT để khởi công dự án từ tháng 2/2014, để kịp hoàn thành vào năm 2017 (sau 36 tháng thi công). Tuy nhiên, đến nay các tuyến đường vẫn chưa hoàn thành do chưa có đủ mặt bằng thi công.

Cụ thể, tháng 11/2013, Công ty Đại Quang Minh đã ký tắt hợp đồng BT với UBND TPHCM. Bản hợp đồng tắt này được ông Tất Thành Cang đại diện UBND thành phố ký kết và được đóng dấu “mật”.

Để thanh toán cho hợp đồng hơn 12.000 tỷ đồng, UBND TPHCM trả cho Đại Quang Minh 79ha đất (phường Thủ Thiêm và An Lợi Đông) trong đó có 46ha đất khai thác thương mại, bao gồm cả diện tích của toàn bộ bến du thuyền, hai nhà văn hóa, 2 trường học

Đáng chú ý, việc thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư được thực hiện cùng thời điểm chứ không phải chờ đến khi hoàn thành 4 tuyến đường trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Bốn tuyến đường chính gồm đại lộ vòng cung (3,4km), đường ven hồ trung tâm (3km), đường ven sông Sài Gòn (3km), đường châu thổ qua khu lâm viên sinh thái phía Nam (2,5km), với tổng chiều dài 11,9km, bao gồm 10 cây cầu trong đó có 2 cầu cạn (1,8km).

Bốn tuyến đường có mặt cắt ngang từ 11-55m, cho 2-4-6 làn xe lưu thông. Trong đó, rộng nhất là đại lộ vòng cung cho 6 làn xe lưu thông, mặt cắt ngang rộng 55m. Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 12.000 tỷ đồng, gồm cả chi phí dự phòng do trượt giá và lãi ngân hàng.

Về 4 tuyến đường trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, tính suất đầu tư xây dựng 1km đường thì người ta không khỏi giật mình vì lên tới 1.000 tỷ đồng/km. Những tuyến đường này được mệnh danh là đường “đắt nhất hành tinh” và cử tri quận 2 đã từng đặt vấn đề với Đại biểu Quốc hội về giá “khủng” này.

Nếu so sánh, suất đầu tư 4 tuyến đường trên đắt gấp nhiều lần so với đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây, TPHCM – Trung Lương hay Bến Lức – Long Thành. Đáng nói hơn, nhà đầu tư không phải bỏ chi phí giải phóng mặt bằng.

Tuyến cao tốc đầu tiên của phía Nam là TPHCM – Trung Lương dài 62km, gồm 6 làn xe, với tổng mức đầu tư là hơn 9.800 tỷ đồng, được thông xe vào năm 2010. Suất đầu tư khoảng 160 tỷ đồng/km.

Tháng 2/2015, tuyến cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây dài 55km thông xe toàn tuyến. Tổng chi phí đầu tư cao tốc được xem là đẹp nhất Việt Nam là hơn 20.600 tỷ đồng. Suất đầu tư vào khoảng hơn 370 tỷ đồng/km.

Năm 2014, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) khởi công dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành dài 57,1km, đi qua Long An (2,7km), TPHCM (26,4km) và Đồng Nai (28km).

Tổng vốn đầu tư ban đầu của dự án là 31.320 tỷ (tương đương 1,6 tỷ USD). Thời điểm ấy, dư luận cũng giật mình vì suất đầu tư xây dựng 1km cao tốc này là 25,8 triệu USD (hơn 550 tỷ đồng), gấp khoảng 3 lần so với cao tốc đầu tiên là TPHCM – Trung Lương. Tuy nhiên, so với suất đầu tư đường trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm thì vẫn còn rẻ.

Quốc Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm