Ông Nguyễn Sinh Hùng nhậm chức Chủ tịch Quốc hội
(Dân trí) - 457/497 đại biểu (tương đương 91,4%) vừa bỏ phiếu nhất trí bầu Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng vào chức vụ lãnh đạo cao nhất của QH khóa XIII.
Ông Hùng chính thức trở thành Chủ tịch trong nhiệm kỳ 5 năm tới đây của QH (2011-2016).
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân thay vị trí Phó Chủ tịch vừa hết nhiệm kỳ Nguyễn Đức Kiên giúp việc Chủ tịch QH ở lĩnh vực kinh tế.
12 vị trí Chủ nhiệm UB, Chủ tịch Hội đồng dân tộc khác không có số dư, các ứng viên đều nhận được số phiểu ủng hộ với tỷ lệ rất cao. Danh sách các ủy viên theo thứ tự tỷ lệ phiếu bầu từ cao xuống thấp: Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương; Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội Trương Thị Mai; Chủ nhiệm Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước; Chủ nhiệm UB Khoa học công nghệ Phan Xuân Dũng; Chủ nhiệm UB Đối ngoại Trần Văn Hằng; Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc; Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu; Chủ nhiệm UB pháp luật Phan Trung Lý; Chủ nhiệm UB Quốc phòng an ninh Nguyễn Kim Khoa; Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện.
Tân Chủ tịch Quốc hội gửi lời cảm ơn Chủ tịch Quốc hội khóa XII Nguyễn Phú Trọng và tập thể Quốc hội khóa XII đã dành cho UB Thường vụ Quốc hội khóa XIII nhiều quan tâm, hướng dẫn. Ông Hùng hứa, bản thân sẽ nỗ lực phấn đấu, phát huy trí tuệ để thực hiện những nhiệm vụ được giao.
Người lãnh đạo Quốc hội nhấn mạnh mục tiêu kiên quyết phòng chống quan liêu bao cấp, tiêu cực lãng phí và khẳng định sẽ lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của người dân để chuyển đến diễn đàn Quốc hội giải quyết. “Làm sao để Quốc hội thực sự là đại diện cao nhất của nhân dân, là cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước như Hiến pháp đã quy định” – Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng chia sẻ.
Tóm tắt tiểu sử tân Chủ tịch Quốc hội Khóa XIII Nguyễn Sinh Hùng 1. Chức vụ, đơn vị công tác hiện nay: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Ban cán sự đảng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ. - Ngày sinh: 18/01/1946 - Quê quán: Xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An - Ngày vào Đảng: 26/5/1977 - Trình độ được đào tạo: + Chuyên môn nghiệp vụ: Kinh tế, Tài chính - Kế toán + Học hàm, học vị: Tiến sỹ - Khen thưởng: + Huân chương lao động hạng 1 (năm 2002) + Huân chương Itsara hạng 1 của Lào (năm 2007) - Kỷ luật: Không - Ủy viên Trung ương Đảng khóa VIII, IX, X, XI - Ủy viên Bộ Chính trị khóa X, XI - Đại biểu Quốc hội khóa X, XI, XII, XIII 2. Tóm tắt quá trình công tác - Từ tháng 9/1966- 12/1970: Sinh viên Trường Đại học Tài chính – kế toán Hà Nội. - Từ tháng 1/1972 – 12/1977: Cán bộ Ngân hàng Kiến thiết Trung ương, Bộ Tài chính. - Từ tháng 1/1978-1982: Nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Các Mác, Bulgaria. - Từ tháng10/1982 – 10/1986: Phụ trách Phòng Tổng hợp rồi Trưởng phòng Tổng hợp, Phó Vụ trưởng, sau là Vụ trưởng Vụ Đầu tư xây dựng cơ bản, Bộ Tài chính. - Từ tháng 10/1986-1/1990: Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy cơ quan, Chánh văn phòng Bộ Tài chính, Ủy viên BCH Đảng bộ Khối Kinh tế trung ương. - Từ tháng 2/1990 – 9/1992: Cục trưởng Cục Kho bạc Nhà nước, Bộ Tài chính. - Từ tháng 10/1992 – 11/1996: Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Tài chính. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng được bầu vào BCHTW Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy cơ quan Bộ Tài chính. - Từ tháng 11/1996 – 6/2006: UVTW Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng được bầu vào BCHTW Đảng. Đại biểu Quốc hội khóa X, XI. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng được bầu vào BCHTW Đảng, được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị. - Từ tháng7/2006 đến nay: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ. Phó Bí thư ban cán sự đảng Chính phủ; đại biểu QH khóa XII, Trưởng ban chỉ đạo Tây Nam Bộ. Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị, đại biểu Quốc hội khóa XIII. |
P.Thảo