“Tôi sẽ không nhầm vai Chủ tịch Quốc hội với Phó Thủ tướng”
(Dân trí) - “ Sang đây tôi vẫn làm việc như cũ sẽ bị nhầm vai. Tôi nghĩ, 14 ngày qua tôi đã làm khá tốt”- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định sau khi chuyển từ cương vị Phó Thủ tướng sang giữ vị trí cao nhất tại Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội trả lời câu hỏi của báo chí trong buổi họp thông báo kết quả kỳ họp thứ nhất của khóa XIII ngay sau phiên bế mạc.
Chỉ có một cái khó là khi làm thủ trưởng thì khác, nếu có nói gì đó, ai nghe thì nghe, không nghe thì quên đi. Nhưng sang hoạt động bên Quốc hội lại làm việc theo chế độ hội nghị, thảo luận dân chủ, quyết định theo đa số. Tôi cũng đã nói trước với Thường vụ Quốc hội là mong các đồng chí thông cảm, có thể trong tác phong của tôi cũng sẽ có lúc như thế.
Có sự khác nhau giữa 2 vị trí như thế, ông có ngại có lúc nào đó mình sẽ “nhầm vai”?
Công tác cán bộ của Đảng và nhà nước ta là làm theo yêu cầu và theo phân công của tổ chức. Căn cứ vào đó để xem xét năng lực, phẩm chất, tiêu chuẩn để tiến hành phân công và bầu cử. Tôi đã được phân công và bầu làm Chủ tịch Quốc hội. Tôi đã có lời phát biểu khi nhậm chức. Tôi không ngồi nhầm vai đâu.
Còn nếu sang đây mà tôi vẫn làm việc theo chế độ thủ trưởng như cũ thì sẽ bị nhầm vai. Xin nói là trước kia tôi đã từng làm Bộ trưởng Tài chính, tức là làm thủ trưởng. Rồi sang làm Phó Thủ tướng, là người giúp việc. Hai vị trí công việc này cũng khác nhau lắm mà tôi cũng không nhầm vai đâu.
Sau khi nghe báo cáo của Chính phủ về tình hình biển Đông, Quốc hội có yêu cầu gì với Chính phủ để bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia trong bối cảnh hiện nay?
Về vấn đề Biển Đông, quan điểm của chúng ta là muốn hòa bình, hợp tác, hữu nghị, độc lập, dân chủ, gìn giữ hòa bình, ổn định của thế giới.
Chúng ta nhất quán quan điểm chủ quyền và quyền chủ quyền, phù hợp với pháp luật quốc tế và những cam kết quốc tế, đó là Công ước luật Biển 1982. Quan điểm của ta là đấu tranh để bảo vệ chủ quyền, và làm hết sức vì hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới.
Trong nhiệm kỳ này, Quốc hội, các ủy ban cần đổi mới theo hướng nào để nâng cao hiệu quả hoạt động, thưa ông?
Quốc hội có 3 chức năng, nhiệm vụ lớn là lập hiến - lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng và giám sát. Đổi mới gì thì cũng phải xoay quanh các chức năng, nhiệm vụ đó.
Với chức năng lập pháp, trước tiên phải đổi mới chương trình xây dựng pháp luật, lựa chọn cho đúng và sát với thực tiễn, để sắp đặt thứ tự ưu tiên, tránh tình trạng các luật ra đời nhưng chưa đi vào cuộc sống. Thứ hai, đổi mới quy trình làm luật. Thứ ba, đổi mới các bước từ soạn thảo cho đến thảo luận và thông qua ủy ban, thông qua Thường vụ, ra đến Quốc hội, quy trình phải tính toán chặt chẽ. Ban hành luật, pháp lệnh là phải đi vào cuộc sống.
Về xem xét quyết định các công trình quan trọng quốc gia, trước tiên phải đổi mới quy trình xem xét, lọc ra đâu là vấn đề quan trọng, không phải vấn đề gì cũng đưa ra Quốc hội. Có nhiều vấn đề chỉ cần HĐND các cấp quyết định. Sau đó, phải có thời gian để lắng nghe sự tham gia rộng rãi hơn của các tầng lớp xã hội để từ đó Quốc hội đưa ra quyết định chính xác nhất.
Ví dụ như khi Quốc hội đã bỏ phiếu phê chuẩn rồi thì xuân thu nhị kỳ, phải họp, giám sát xem người mà mình bỏ phiếu cao đã làm việc thế nào. Việc giám sát không chỉ của riêng Quốc hội mà còn là giám sát của các đoàn đại biểu, của Thường vụ, các ủy ban. Đã làm là phải làm đến nơi đến chốn. Người làm giám sát cũng phải có năng lực, trình độ.
Xin cảm ơn ông!
P.Thảo (ghi)