Nuôi cá sát miệng ống xả thải: Ai chịu ăn cá nuôi bằng nước xả thải?
(Dân trí) - Nói về ý tưởng nuôi cá bằng lồng bè trên sông Hậu, ngay miệng ống xả thải của dự án Nhà máy Giấy Lee & Man Việt Nam, nhằm kiểm tra nước xả thải của nhà máy, PGS-TS Lê Anh Tuấn nêu quan điểm, cá không chết không có nghĩa là nước sạch và cán bộ nào sẽ chịu ăn loại cá đó?
Liên quan đến việc tỉnh Hậu Giang đang có kế hoạch triển khai nuôi cá bằng lồng bè trên sông Hậu, ngay miệng ống xả thải của dự án Nhà máy Giấy Lee & Man Việt Nam (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) nhằm kiểm tra nước xả thải của nhà máy, lãnh đạo ngành nông nghiệp Hậu Giang cho rằng: “Ngoài các máy móc trang thiết bị hiện đại để giám sát xả thải thì việc nuôi cá ngay sát nhà máy cũng là cách giám sát nước thải của nhà máy hay. Nếu môi trường nước sạch, an toàn, chắc chắn cá sẽ không bị chết. Số lượng cá nuôi có thể là vài bè để giám sát môi trường, đồng thời cán bộ nhà máy có cá để ăn, cá nuôi không bán ra ngoài”.
Mới đây, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với các nhà khoa học về cách làm này và ghi nhận nhiều ý kiến trái chiều.
"Nhiều con kênh nước đen ngòm cá vẫn sống"
Liên quan đến thông tin này, PGS-TS Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu – Trường ĐH Cần Thơ cho rằng, “sáng kiến” này không biết dựa vào cơ sở khoa học nào? Chỉ đạo cũng không nói rõ là sẽ nuôi cá gì trong hàng trăm loại thủy sản nước ngọt và nước mặn? Ai trong nhóm cán bộ dưới quyền hưởng ứng việc tự nguyện ăn cá nuôi bằng nước xả thải của nhà máy công nghiệp?
PGS-TS Lê Anh Tuấn phân tích, khi các học sinh bắt đầu thực hành các thí nghiệm hóa học thì ngay giờ đầu tiên, các giáo viên thường nhắc nhở các biện pháp an toàn bản thân, hạn chế tối đa việc tiếp xúc hóa chất độc hại trực tiếp, không hít, không ngửi, không nếm, không nuốt, còn chuyện ăn, dù thực nghiệm ăn gián tiếp qua trung gian cơ thể một động vật khác cũng cực kỳ tối kỵ bởi chưa có sách vở nào nói là có thể sử dụng hay ăn được.
Trong ngành độc học môi trường, đôi khi người ta cũng xem một số động hay thực vật có tính mẫn cảm mạnh hay khả năng thích ứng cao, làm những chỉ thị sinh vật. Các loài này có thể tồn tại trong một số điều kiện nguồn nước bị ô nhiễm nhằm định mức chất lượng hoặc sự biến đổi của môi trường.
Thông thường, các loài sinh vật được khảo nghiệm là các động vật và thực vật cấp thấp như các loài tảo, bèo, phiêu sinh thực vật, phiêu sinh động vật, động vật nguyên sinh, vi khuẩn hiếu khí, một số động vật không xương sống… Tất cả các loài này chỉ có thể chỉ thị ở một số chỉ tiêu nguồn nước ô nhiễm nhất định, chứ không thể là tất cả các chất gây độc.
Cũng theo PGS Tuấn, “rất khó chấp nhận được khi lấy cá làm chỉ thị đánh giá độ an toàn của nước thải công nghiệp. Chưa có quốc gia trên thế giới nào lấy cá còn sống, bơi lội được làm tiêu chí khẳng định độ an toàn về chất lượng nước cho con người cả”, ông Tuấn khẳng định.
Cổng chính của nhà máy giấy Lee & Man tại Hậu Giang
“Thực tế các kênh nước thải đen ngòm ở Sài Gòn, Đồng Nai, Hà Nội… chắc chắn mức độ ô nhiễm đã vượt hàng trăm, hàng ngàn lần Quy chuẩn Việt Nam liên quan đến chất lượng nguồn nước, vậy mà trong nước vẫn thấy nhiều loài cá sống, thậm chí sinh sản.
Cá chỉ chết hàng loạt khi ô xy đột ngột giảm thấp hay bị một độc tố cực kỳ mạnh giết. Cá có thể bị phơi nhiễm do hấp thụ các độc chất, các vi lượng kim loại nặng… tích tụ trong gan, mỡ… người ăn cá sẽ tiếp tục thu nhận các độc chất này trong cơ thể, đến một lúc nào đó các độc chất sẽ tạo ra những chuyển hóa tế bào không kiểm soát, hình thành bệnh tật, ung thư cho người”, PGS-TS Tuấn khẳng định.
"Cá không thể chết ngay nhưng ảnh hưởng lâu dài"
Còn Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái vùng ĐBSCL - cho biết, rất hoan nghênh việc làm này của ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang. “Ý tưởng này rất hay, thể hiện trách nhiệm dám làm dám chịu. Tuy nhiên, cần thực hiện đúng lời hứa là tuyệt đối không bán cá này ra thị trường cho dân tiêu thụ mà chỉ sử dụng cho cán bộ ăn như tuyên bố với báo chí”.
“Cũng cần lưu ý rằng, cá nuôi có thể không chết vì chất độc chưa đạt ngưỡng, nhưng độc chất có thể tích lũy trong cá. Người ăn thì không chết ngay, nhưng ảnh hưởng sức khỏe lâu dài và khi ăn nhiều, tích lũy một thời gian dài đến “đủ đô” thì mới có chuyện. Vấn đề lớn hơn cần quan tâm là cho cả toàn vùng, một khi có chuyện lớn xảy ra thì chức vị hoặc sức khỏe của một vài người cũng không thể so sánh”, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện lưu ý.
“Bối cảnh của những thảm họa môi trường như Formosa, dù đúng quy trình, có đánh giá tác động môi trường (ĐTM) do Bộ TN&MT phê duyệt, nhưng thảm họa vẫn xảy ra. Chính vì vậy, nếu xảy ra có sự cố thì hậu quả sẽ nghiêm trọng. Lee & Man luôn nói đảm bảo và xử lý tốt nước thải và chất thải, nhưng thông tin về loại hóa chất và lượng hóa chất sử dụng thì không rõ ràng. Chính vì vậy, Lee & Man cần công bố bài toán cân bằng vật chất, theo dấu từng loại hóa chất, chất gì, vào ở đâu, bao nhiêu, ra ở đâu, bao nhiêu, thật rõ ràng minh bạch”, Thạc sĩ Thiện nói.
Nhà máy giấy Lee & Man nằm cặp sông Hậu nên nhiều người dân sống gần nhà máy giấy đang lo lắng về nguồn nước sinh hoạt của họ
Cũng theo lời Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, sông Hậu có tầm quan trọng sống với hàng triệu người và hệ sinh thái của một vùng rộng lớn phía Tây sông Hậu. Nếu sự cố xảy ra, thảm họa sẽ cực lớn. Vì vậy, cần hết sức thận trọng, không nên đánh cược rủi may, đặt sự sống của hàng chục triệu người vào rủi ro ở bất cứ mức nào. Do đó cần phải áp dụng nguyên tắc không hối tiếc, cẩn trọng cho đến khi có sự đồng thuận chắc chắn rằng không có rủi ro gây hại. Cần phải minh bạch bài toán cân bằng vật chất từ đầu vào sản xuất giấy đến tất cả các đầu ra.
“Phải tham vấn cộng đồng một cách có ý nghĩa, trong đó người dân có thể bị ảnh hưởng có quyền được biết; không nên xem thường người dân, cho rằng họ không thể hiểu. Nếu người dân không hiểu thì nên giúp họ hiểu. Cần phải có bên thứ ba độc lập, hướng dẫn thảo luận với người dân. Tham vấn với người dân có nhiều lợi ích cho chủ đầu tư: tránh được dư luận đồn đãi và hơn nữa, chi phí của việc tham vấn sẽ rẻ hơn chi phí của những vấn đề phát sinh lâu dài nếu không tham vấn”, ông Thiện nói.
Theo các chuyên gia, với đặc thù là hệ thống kênh rạch chằng chịt và chế độ thủy triều lên xuống mỗi ngày của sông Hậu, nên trong trường hợp nước thải gây ô nhiễm, thì hậu quả sẽ khôn lường đối với thủy sản nước ngọt tự nhiên của sông Hậu và các kênh rạch và thủy sản biển vùng cửa sông. Đặc biệt, đa số dân cư đều sống ven sông, nên nguồn nước sông Hậu cực kỳ quan trọng.
Phạm Tâm – Bình Minh