1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Cần Thơ:

Nhà máy giấy Lee & Man chạy thử, dân ngủ cũng phải bịt… khẩu trang!

(Dân trí) - 58 hộ dân ở ấp Phú Xuân, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang vừa có đơn gửi các cơ quan chức năng và báo đài phản ánh việc Nhà máy giấy Lee & Man đang thời gian vận hành thử nghiệm nhưng đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của họ.

Dân kêu trời vì thối, ồn

Ông Huỳnh Minh Thành, người dân ở ấp Phú Xuân cho biết, ngày 8/3 nhà máy giấy Lee & Man vận hành thử nghiệm trở lại gây tiếng ồn rất khó chịu. Đặc biệt, từ hôm 11/3 đến nay, nhà máy xả thải nên rất hôi thối, nhiều đêm nằm ngủ mà phải bịt khẩu trang.

“Gia đình tôi sống bằng nghề nuôi cá bè trên sông, mỗi năm thu nhập khoảng vài trăm triệu đồng, nhưng từ hôm tết tới nay lo nước bị ô nhiễm nên không dám thả cá lại, sợ cá chết”, ông Thành cho biết.

Ông Huỳnh Minh Thành, người dân ở gần nhà máy giấy Lee & Man, than thở về tình trạng nhà máy gây ô nhiễm.
Ông Huỳnh Minh Thành, người dân ở gần nhà máy giấy Lee & Man, than thở về tình trạng nhà máy gây ô nhiễm.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Tài nhà ở gần nhà máy giấy nói: “Nhà máy xả thải thối chịu không nổi. Mỗi ngày chúng tôi phải hít vào cơ thể không biết bao nhiêu là mùi khác lạ, bụi than đá, mùi thối giống mùi hầm cầu, mùi hóa chất, tiếng ồn nhà máy 24/24 giờ. Chúng tôi rất lo lắng về nguồn nước vì hiện tại chúng tôi xài bằng nước sông...”.

Bà Lư Ngọc Ảnh cũng sống gần nhà máy, cho biết, khi nhà máy đi vào hoạt động thử đã gây tiếng ồn lớn. Dân phản ánh thì lãnh đạo nhà máy có cử người đến làm việc với dân, đo độ ồn để khắc phục. Nhưng được vài hôm thì ồn ào trở lại, chịu không thấu. Giờ thì cả ồn lẫn hôi thối.

Nhà máy giấy Lee & Man nằm sát sông Hậu.
Nhà máy giấy Lee & Man nằm sát sông Hậu.

Đơn gửi các cơ quan chức năng của các hộ dân nêu rõ: “Đề nghị các cơ quan có trách nhiệm khắc phục tiếng ồn và xử lý mùi thối bốc ra từ nhà máy. Nếu không khắc phục được thì phải có chủ trương, chính sách cho các hộ dân ở đây. Cụ thể là di dời chúng tôi qua địa bàn khác ở nhưng phải có đất sản xuất để đảm bảo cuộc sống như trước đây”.

Người dân Hậu Giang kêu trời vì nhà máy giấy Lee & Man gây tiếng ồn và mùi hôi thối

Địa phương đã nắm tình hình và báo cáo tổ giám sát

Trước bức xúc và nguyện vọng chính đáng của người dân sống gần nhà máy giấy Lee & Man, sáng 30/3, phóng viên Dân trí đã liên hệ với ông Tống Hoàng Khôi - Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang - để trao đổi về vụ việc.

Ông Khôi xác nhận, thời gian gần đây, nhiều hộ dân sống lân cận Công ty TNHH Giấy Lee & Man có phản ánh việc nhà máy hoạt động gây ra tiếng ồn và bốc mùi hôi thối làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và sức khỏe của người dân. Sự việc trên khiến người dân bức xúc kéo đến UBND thị trấn Mái Dầm để phản ánh liên tục trong 2 ngày 22 và 23/3/2017.

Ông Tống Hoàng Khôi - Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, Hậu Giang - xác nhận có sự việc dân bức xúc vì nhà máy giấy gây ô nhiễm.
Ông Tống Hoàng Khôi - Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, Hậu Giang - xác nhận có sự việc dân bức xúc vì nhà máy giấy gây ô nhiễm.

Cũng theo ông Khôi, khi nhận được phản ánh của dân, UBND huyện đã chỉ đạo UBND thị trấn Mái Dầm vận động các hộ dân trở về nhà, đồng thời báo cáo Tổ giám sát quá trình vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải của dự án nhà máy giấy Lee & Man để sớm có giải pháp khắc phục.

nhà máy giấy Hậu Giang

Làm rõ tình hình ô nhiễm từ Nhà máy giấy Lee & Man Hậu Giang

Ngay sau khi nhận được phản ánh về tình hình ô nhiễm môi trường từ Nhà máy Giấy Lee & Man Hậu Giang, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đã giao Tổng cục Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Hậu Giang và các cơ quan liên quan làm rõ.

Ông Võ Tuấn Nhân cũng đề nghị UBND tỉnh Hậu Giang tiếp tục chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang và các cơ quan có liên quan của tỉnh phối hợp với Tổ giám sát đã được thành lập theo Quyết định số 369 ngày 10/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà giám sát chặt chẽ quá trình vận hành thử nghiệm của Nhà máy Giấy Lee & Man. Đồng thời yêu cầu nhà máy phải công khai các thông tin có liên quan trong quá trình hoạt động thử nghiệm để các tổ chức và người dân theo dõi, giám sát.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân yêu cầu Tổ trưởng Tổ giám sát chỉ đạo các thành viên Tổ giám sát tiếp tục giám sát nghiêm ngặt toàn bộ quá trình vận hành thử nghiệm theo đúng ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Hồng Hà và Quyết định số 128/QĐ-BTNMT ngày 25/01/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án Nhà máy giấy Lee & Man Việt Nam, Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước số 404/GP-BTNMT ngày 16/3/2017 cấp cho Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam (Điều chỉnh lần thứ hai).

Ông Nhân cũng đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hậu Giang công khai các thông tin có liên quan trong quá trình hoạt động thử nghiệm của Nhà máy Giấy Lee & Man để các tổ chức và người dân theo dõi, giám sát.

Một trong 5 nhà máy giấy lớn nhất thế giới

Dự án nhà máy giấy của Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam (thuộc Tập đoàn Lee & Man Paper Hồng Kong) được xây dựng trong cụm công nghiệp tập trung ở tỉnh Hậu Giang (nằm cạnh sông Hậu) và có tổng mức đầu tư 1,2 tỷ USD.

Nhà máy này được xem là có quy mô lớn nhất Việt Nam và nằm trong số 5 nhà máy giấy lớn nhất thế giới đang ở giai đoạn hoàn thiện, chuẩn bị đi vào hoạt động thử nghiệm vào tháng 7/2016 và cho ra sản phẩm vào tháng 8/2016.

Tuy nhiên, sau sự cố Formosa, người dân lo sông Hậu “chết dần” vì nhà máy giấy nên giữa năm 2016, khi các hạng mục của dự án hoàn thành, chuẩn bị hoạt động thử nghiệm, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ.

Tháng 12/2016, Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) cho phép vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải dự án sản xuất giấy của Công ty TNHH Lee & Man.

Tháng 1/2017, việc vận hành thử nghiệm có tải của nhà máy tạm ngừng để thực hiện các yêu cầu theo kết luận thanh tra của Bộ TN-MT. Ngày 7/3/2017, nhà máy vận hành thử nghiệm trở lại.

Phạm Tâm - Thế Kha