Nữ công binh thép kể về món quà “quý hơn vàng” của Đại tướng

(Dân trí) - “20 ngày sau khi Đại tướng trở về, chúng tôi nhận được một bì quà gồm bồ kết, xà phòng, vải màn phụ nữ. Chúng tôi đã khóc vì xúc động trước tấm lòng của Đại tướng” - cô Dương Thị Trình, Trung đội trưởng trung đội Nữ công binh thép, nói trong nước mắt.

Trung đội Nữ Công binh thép là tên gọi của trung đội B3C3D33 Binh trạm 14 Đoàn 559 do Đại Tướng Võ Nguyên Giáp đặt trong một lần ghé thăm trung đội vào năm 1973.

Món quà quý hơn vàng

Hơn 40 năm trôi qua, thời gian có thể phủ mờ tất cả nhưng có lẽ kỷ niệm mà Đại Tướng Võ Nguyên Giáp để lại trong trái tim những Nữ công binh thép không bao giờ nhạt phai. Dù giờ đây, trở về đời thường, các cô nữ công binh ngày ấy đã qua tuổi lục tuần nhưng khoảnh khắc lao mình trong bom rơi lửa đạn, kỷ niệm được gặp Đại Tướng, được bắt tay Người và được nhận quà của Người như chỉ mới diễn ra hôm qua.

Nữ công binh thép kể về món quà “quý hơn vàng” của Đại tướng
Cô Trần Thị Quy, thành viên trong Trung đoàn Nữ Công binh thép nghẹn ngào khi kể về Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Ngày ấy, vào năm 1971, các cô chỉ vừa tròn mười tám đôi mươi, nhiều người học chưa hết cấp II đã xung phong đi bộ đội. Sau khi được tập luyện 3 tháng, các cô được đưa vào vùng trọng điểm để đóng quân. 38 nữ công binh này chủ yếu là người Thanh Hóa, một số ít ở Nghệ An. Các cô được đưa đến nơi đang là trọng điểm đánh phá ác liệt nhất trên con đường 20 Quyết Thắng thuộc tỉnh Khăm Muộn (Lào).

Nhiệm vụ của các cô là khai thông đường tại ngầm Tà Lê, đèo Phu La Nhích. Mỗi ngày có đến 25-30 trận bom do quân giặc dội xuống. Các cô xác định mỗi khi bước ra khỏi hầm là chết, bước vào trong hầm mới biết mình còn sống. Nhưng dù có phải hy sinh, phải đổ máu cũng không được để tắc đường.

Ngày nào cũng chứng kiến chết chóc, đổ máu nhưng dường như lòng yêu nước, căm thù giặc khiến các cô vẫn lạc quan yêu đời để cống hiến sức trẻ. Đêm xuống, cả trung đội bốc đá đổ ra ngầm, ngày thì gánh đá, trực barie, bảo đảm thông đường trong mọi tình huống. Từ chân đèo lên đỉnh đèo dài đến hơn 7km. Có những đêm bom đánh, các cô phải ngâm mình dưới nước ngầm Tà Lê nắm tay nhau làm cọc tiêu dẫn đường hộ tống xe qua. Không lùi bước trước khó khăn gian khổ, không chồn chân trước sự hy sinh của đồng đội, các nữ công binh trung đội B3C3D33 vẫn luôn hoàn thành nhiệm vụ.

Dòng chữ nhắn nhủ của Đại tướng đến chị em trong Trung đoàn Nữ Công binh thép
Dòng chữ nhắn nhủ của Đại tướng đến chị em trong Trung đoàn Nữ Công binh thép.

Chính sự hoàn thành nhiệm vụ không ngờ của các nữ công binh đã khiến Đại Tướng Võ Nguyên Giáp vô cùng khâm phục. Người đã cùng đoàn đến thăm trung đoàn B3C3D33 vào tháng 3 năm 1973.

Cô Dương Thị Trình (thôn Vinh Tiến, xã Hải Hòa, Thanh Hóa) - Trung đoàn trưởng Trung đoàn B3C3D33 bồi hồi nhớ lại: “Chúng tôi được báo là 3 ngày nữa Đại tướng sẽ đến thăm. Nói thật, ngày đó chỉ nghe tên Đại tướng trên đài và nghe mọi người truyền miệng chứ chưa được gặp bao giờ nên ai nấy trong lòng háo hức lắm. Thế rồi, vào một ngày, khoảng 10 giờ sáng thì Đại tướng đến nơi. Chúng tôi không ai có thể diễn tả được cảm xúc vui sướng, hạnh phúc lúc ấy. Đại tướng vẫy tay chào rồi đến bắt tay từng người, biểu dương những gì mà trung đội đã cống hiến một cách anh dũng trong thời gian qua, động viên mọi người cố gắng. Sau cùng Đại tướng chuyển cách xưng hô từ cháu sang đồng chí, hỏi: “Các đồng chí có thiếu thốn gì không”. Lúc đó thì thiếu thốn trăm bề nhưng chúng tôi chỉ trả lời bác là chúng cháu thiếu xà phòng, bồ kết và vải màn phụ nữ. Bác nghe xong đã hứa sau khi trở về sẽ gửi ngay vào và mong chúng tôi cố gắng cống hiến hết sức mình cho Tổ quốc”.

Cô Trình kể, bác khen cả trung đội là nữ nhi nhưng đã rất gan dạ dũng cảm chiến đấu trong tuyến trọng điểm đánh phá ác liệt của quân địch. Bởi vậy trước khi Đại tướng ra về, Người đã gửi tặng trung đội tên gọi là Trung đội Nữ Công binh thép. Lần gặp ấy chỉ vỏn vẹn 20 phút nhưng khoảnh khắc ấy mãi mãi không bao giờ các nữ công binh quên được.

“20 ngày sau khi Đại tướng trở về thì chúng tôi nhận được quà bác gửi gồm 100 bánh xà phòng, một bì bồ kết và 1 xấp vải màn cho chị em phụ nữ. Tất cả chúng tôi ai cũng ngỡ ngàng và xúc động. Không ai nghĩ rằng bác lại giữ lời hứa, giữa bộn bề trăm công nghìn việc vậy mà bác vẫn không quên một chuyện nhỏ nhặt như vậy. Nói thật, giữa lúc ấy, những thứ này còn quý hơn cả vàng. Chị em chúng tôi chia nhau mà nghẹn ngào không cầm được nước mắt. Ai nấy đều nhủ phải cố gắng hơn nữa, hoàn thành nhiệm vụ để không phụ lòng kỳ vọng mà Đại tướng đã tin tưởng” - Cô Trình trải lòng.

Cuộc hội ngộ đẫm nước mắt sau 30 năm

Năm 1975, Trung đội nữ công binh thép trở về đời thường, mỗi người một nơi, người hy sinh, người lập gia đình, nhiều người bất hạnh vì ảnh hưởng chất độc da cam nên không lấy được chồng, người thì lấy chồng nhưng sinh con dị tật... Rất ít các cô có được hạnh phúc trọn vẹn.

Cuộc hội ngộ giữa Đại tướng và Trung đoàn Nữ Công binh thép sau 30 năm
Cuộc hội ngộ giữa Đại tướng và Trung đoàn Nữ Công binh thép sau 30 năm
Cuộc hội ngộ giữa Đại tướng và Trung đoàn Nữ Công binh thép sau 30 năm

Thế rồi, 30 năm cũng trôi qua. Tưởng như mọi thứ trở thành quên lãng, trở thành quá khứ thì bỗng một ngày các cô xem chương trình “Đại hội cựu chiến binh toàn quốc” vào năm 2002. Trong đại hội này, Đại tướng đã gửi lời nhắn “Hồi bác vào chiến trường ở đèo Phu La Nhích có gặp một trung đội là những nữ công binh. Bây giờ ai còn sống thì hãy biên thư cho bác”.

“Tôi nghe xong mà không tin vào tai mình nữa. Hoảng hốt, vui mừng, hạnh phúc, tủi thân... Rất nhiều cảm xúc đan xen lúc đó. Tôi cứ nghĩ cuộc gặp gỡ không đầy 20 phút giữa bom rơi đạn nổ ấy chỉ còn trong quá khứ. Tôi không ngờ 30 năm trôi qua, Đại tướng vẫn nhớ về chúng tôi. Tôi đã gọi điện cho chị Trình và cũng biết chị cũng đang rất ngỡ ngàng khi xem đến đoạn bác nhắn. Suốt đêm đó chúng tôi đã không ngủ” – Cô Trần Thị Quy, thôn Hòa Bình, xã Hải Châu kể lại.

Cô Dương Thị Trình xúc động khi gặp lại Đại tướng
Cô Dương Thị Trình xúc động khi gặp lại Đại tướng
Cô Dương Thị Trình xúc động khi gặp lại Đại tướng

Một thời gian sau khi liên lạc lại với những nữ công binh trong trung đội, năm 2003, cô Trình đã ra gặp Đại tướng. Sau khi cô Trình trả lời hai câu hỏi của Đại tướng là “Ngày đó bác vào đã đặt tên cho trung đội là gì?” và “Sau khi bác về các cháu nhận được quà gì?”, Đại tướng đã ôm lấy cô và nói “bác đã mong gặp lại trung đội này từ lâu lắm rồi”.

Cô Trình nhớ: “Lúc đó, hai bác cháu cứ ôm nhau khóc. Mọi người phải đề nghị tôi giữ bình tĩnh. Phải một lúc sau, tôi mới lấy lại được tinh thần nghe bác hỏi về cuộc sống của các chị em trong trung đội. Tôi kể cho bác nghe chuyện của mọi người. Bác buồn lắm. Sau này tôi mới biết bác đã không ngủ mấy đêm liền vì biết chuyện, sau khi trở về, chúng tôi không được nhận chế độ gì”.

"Bác dặn tôi trở về tìm lại hồ sơ, giấy tờ và giấy chứng thương của chị em để bác giúp làm chế độ. Nhưng ngày đó sau khi trở về, chị em đã đốt hết giấy chứng thương để hi vọng kiếm một tấm chồng, không ai còn giữ, khiến chúng tôi khó khăn trong việc làm chế độ. Thế rồi, sau mọi nỗ lực và giúp đỡ của bác, giờ đây tất cả các chị em chúng tôi đều được hưởng chế độ thương binh, có người hưởng chế độ chất độc da cam” - cô Trình thuật lại.

Cô Dương Thị Trình xúc động khi gặp lại Đại tướng
Cô Dương Thị Trình, Trung đội trưởng Trung đội nữ Công binh thép không nguôi nhớ về những ngày tháng trong bom rơi đạn nổ, khoảnh khắc lần đầu tiên được gặp Đại tướng

“Sau lần đó, tôi về đến ngày 16/7/2003 thì tôi đưa toàn bộ chị em trong trung đoàn ra gặp Đại tướng. Ai nấy đều rưng rưng nước mắt, nắm chặt tay Người. Không ai trong chúng tôi nghĩ rằng sau 30 năm lại có cuộc hội ngộ này. Bác nói nhiều, dặn dò nhiều và cũng trăn trở nhiều. Tâm nguyện cuối cùng của Đại tướng là xây dựng trung đội chúng tôi thành Trung đội anh hùng. Nhưng Người ra đi trước khi tâm nguyện được hoàn thành” - cô Trình trùng giọng.

Cô Trình nghẹn ngào kể, giây phút nghe tin Đại tướng qua đời là 3 giờ sáng ngày 5/10, cô đã khóc, tay chân bủn rủn, lạnh toát. Cho đến giờ cô vẫn không tin đó là sự thật...

Nguyễn Thùy