“Đại tướng đau với vết thương của mỗi người lính”
(Dân trí) - Đại tướng biết đau với từng vết thương của mỗi người lính, biết tiếc từng giọt máu của mỗi chiến binh. Ông luôn tìm ra cách đánh vừa độc đáo, vừa sáng tạo, vừa đảm bảo thắng lợi cao nhất nhưng luôn làm sao để hạn chế mức thấp nhất thương vong cho tướng sỹ.
“Đại tướng là tượng đài trong lòng dân”
Là một người gắn bó và dành nhiều tình cảm đối với Đại tướng nên khi biết sự ra đi của Đại tướng - người Thầy đã truyền dạy những kiến thức quý giá nhất cho các thế hệ kế cận về nghệ thuật chiến tranh nhân dân, về xây dựng thế trận lòng dân để chắc thắng kẻ thù - ông Trương Quang Được đã rất xúc động: “Dẫu biết rằng quy luật sinh - lão - bệnh - tử không ai tránh được nhưng nghe tin này tôi vẫn rất đau đớn, luyến tiếc và cảm thấy nỗi nhớ thương trào dâng trong lòng mình:
Mỗi khi đánh tan quân giặc, ta tung hô muôn năm:
Đồng chí Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp,
- Nguyên Giáp
- Nguyên Giáp
- Nguyên Giáp
Là khi trong lòng ta chan chứa tình:
- Anh Văn
- Chú Văn
- Đồng Chí Văn...:
Tài dụng Binh nơi chiến trường Văn hóa Võ, đánh giặc trăm trận thắng,
Đức dụng Nhân chốn hậu phương Võ hóa Văn, giúp dân vạn sự thành;
Biến hóa Văn Võ song toàn,
Thế trận lòng Dân,
Lũy thần bằng hữu
Muôn đời hưng...”.
Những vần thơ này được bật ra chân thành, bình dị như chính tình cảm của người cán bộ lão thành dành cho vị Tổng Tư lệnh của Quân đội nhân dân Việt Nam. “Ngoài đời, Cụ có một nếp sống bình dị, đơn giản, hàng ngày Cụ vẫn tập thể dục, tập Yoga, ngồi Thiền và chơi cả đàn piano. Tác phong quân sự đã hài hoà với phong thái văn hóa nhân gian vốn có trong con người Võ Đại tướng, nên mỗi khi kể về nhân cách lớn của vị tướng huyền thoại này, nhân dân ta thường nhắc đến các tình huống "Võ hóa Văn và Văn hóa Võ " là thế", ông Trương Quang Được nói.
Những ngày qua, chứng kiến những tình cảm đồng bào cả nước dành cho Đại tướng, ông Trương Quang Được đã rất xúc động: “Đại tướng đã ra đi trong lòng dân. Nỗi đau của cả dân tộc đã hòa một nhịp... Tôi được biết, có rất nhiều đồng bào ở xa, có đồng bào người dân tộc, những đồng bào ở miền Nam xa xôi, những kiều bào nước ngoài, cả những người chưa bao giờ có dịp gặp Đại tướng ngoài đời nhưng tất cả đều kính cẩn, rơi lệ. Tôi cũng được biết, có những người để được vào tiễn biệt Đại tướng đã phải xếp hàng nhiều đồng hồ dưới nắng, hay thức trắng đêm trước cửa căn nhà số 30 Hoàng Diệu. Nhiều người trong số đó không chỉ xếp hàng một lần. Mỗi ngày họ đều mong muốn đến đây để được gần hơn với Đại tướng, để được cảm nhận nỗi đau, sự mất mát không gì bù đắp nổi...”. Tướng Giáp là một tượng đài trong lòng dân, được kết tinh từ sự yêu thương, kính trọng của nhân dân nên càng thiêng liêng, bền chặt và sống mãi. Trong thời khắc đau thương này, cả dân tộc xích lại gần nhau, tiếp tục thực hiện lời dạy của Bác Hồ và gương sáng của Bác Văn: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đai thành công!”.
“Không phải chiến thắng bằng mọi giá”
Nói về tình cảm của mình dành cho Đại tướng, ông Trương Quang Được xúc động cho biết: “Ngay từ lúc còn tuổi thiếu nhi, tôi đã đuợc ở trong xưởng Quân giới với các anh, các bác công nhân quốc phòng, được nghe kể chuyện về Võ Đại tướng, về tài ba của người thầy giáo biết cầm binh. Mặc dù lúc đó,tôi chưa hiểu nhiều về thế sự, nhưng trong tôi đã khơi dậy một niềm yêu thương, kính trọng. Tôi tham gia gác máy bay cho công binh xưởng. Có lần, tôi được nghe kể lại tâm sự giữa hai anh bộ đội rằng: Một anh hỏi: "Đánh giặc xong, hoà bình thì mày làm gì?”; Anh kia trả lời: “Tao về nhà cày ruộng giúp mẹ". Ước mơ thật giản dị, thiết tha từ lòng yêu nước, yêu thương cha mẹ không bờ bến, không toan tính vụ lợi của những người lính thế hệ Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, đã khiến tôi xúc động, ghi nhớ trong lòng đến bây giờ.
Có thể nói trải qua những năm tháng đau thương mà hào hùng của cả dân tộc, hình ảnh của những người lãnh đạo, vị Tướng tài ba lại càng bền chặt và lớn dần lên trong lòng mỗi người dân. Cao hơn đó không chỉ là tình cảm dành yêu quý một con người nữa mà đã được chuyển hóa thành tình yêu đối với đất nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc...”.
Ông Trương Quang Được lặng lẽ lật dở từng mảng ký ức, ông đưa cho chúng tôi xem những bức ảnh chụp chung với Đại tướng.
Ông xúc động nhắc lại từng kỷ niệm: “Tôi đã nhiều lần được gặp Đại tướng, trên những cương vị khác nhau, trong đó có 5 lần gặp gỡ mà đến giờ tôi không thể nào quên. Một vị tướng lừng danh, công lao lẫy lừng nhưng lại là một con người sống cực kỳ bình dị. Sự bình dị toát ra từ con người ông, không tô vẽ phô trương. Một con người chân thành, vừa nghiêm khắc vừa độ lượng với cấp dưới; bình thản, kiên nhẫn, quyết đoán vượt qua khó khăn... Trong những lần gặp gỡ ấy, lần nào Đại tướng cũng ân cần căn dặn, từ cách thức làm việc, đến việc kết hợp kinh tế với quốc phòng, kinh tế với khoa học, với xã hội sao cho đồng bộ. Đặc biệt, Đại tướng nhấn mạnh đến chủ trương “lấy dân làm gốc như thế nào”, “dựa vào dân ra làm sao”? Những bài học giản dị, chân tình, sâu sắc khiến cho các cán bộ lãnh đạo và những nhà khoa học, nhà kinh tế và những người dân thường đều rất thích thú và kính trọng sự hiểu biết sâu rộng của Đại tướng.
Có lần, Quốc hội mời Cụ đến dự họp Quốc hội, khi ấy Đại tướng đã về nghỉ hưu. Giờ khai mạc, Cụ đến rất sớm vào phòng tiếp khách của Ban thường vụ Quốc hội, nói chuyện với chúng tôi một cách vui vẻ và tình cảm như là người cha đối với con, người anh đối với người em. Cụ đặc biệt quan tâm đến tư cách đại diện của Đại biểu Quốc hội. Cụ nhắc nhở, những người Đại biểu là đại diện cho nhân dân, cho mọi tầng lớp từ nông dân, công dân, trí thức, dân tộc thì làm sao phải lắng nghe đầy đủ phản ánh một cách trung thực đến Quốc hội để Quốc hội bàn cho thật là tốt... Tình cảm của Cụ đối với dân với nước hết sức sâu đậm”.
Không phải ngẫu nhiên khi nhân dân ta vinh danh Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người học trò suất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong mọi hoàn cảnh, tình huống Đại tướng luôn biết học tập, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh một cách sáng tạo, đặc biệt là “thế trận lòng dân”... Mỗi người lính thời đại cụ Hồ, cụ Võ Nguyên Giáp đều được dạy phải gần dân, sống trong dân. Bộ đội coi dân như cha mẹ, dân quý bộ đội như con cái... Chính tư tưởng gần dân này đã tạo nên một hình ảnh Đại tướng bất tử trong lòng đồng bào cả nước.
Việt Nam, một nước đất không rộng, người không đông, kinh tế còn nghèo đã chiến thắng 2 đế quốc lớn, nhưng không phải “chiến thằng bằng mọi giá”, ông Trương Quang Được đã chia sẻ: Đại tướng là vị Tổng Tư lệnh biết đau với từng vết thương của mỗi người lính, biết tiếc từng giọt máu của mỗi chiến binh. Trong mỗi trận đánh, ông luôn tìm ra cách đánh vừa độc đáo, vừa sáng tạo, vừa đảm bảo thắng lợi cao nhất nhưng luôn làm sao để hạn chế mức thấp nhất thương vong cho tướng sỹ. Trong việc “cầm quân” khi chưa chắc thắng, ông kiên trì “đánh chắc, tiến chắc” không bao giờ manh động, phiêu lưu.
Trước đây, có lần Đại tướng đã từng tâm sự : “Nếu không có chiến tranh tôi đã bình yên là một thầy giáo dạy Sử...”. Điều này đủ để thấy một nhân cách đẹp đẽ, yêu chuộng hòa bình của Đại tướng. Tất cả những phẩm chất cao đẹp này đã làm nên một vị tướng: Tài – Đức; Văn – Võ song toàn bất tử của lòng dân.
Hà Trang – Xuân Ngọc