1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nỗi lòng mũ bảo hiểm!

(Dân trí) - Sau khi hàng loạt bãi xe vỉa hè bị dẹp, người dân TPHCM trong khu vực nội thành luôn trong tình trạng “đỏ mắt tìm chỗ gửi xe”. Bây giờ lại thêm cảnh “đỏ mắt tìm chỗ gửi mũ bảo hiểm”. Ai không chịu nổi nỗi phiền đi đâu cũng kè kè cái “nồi cơm điện”, liều móc vào xe thì “mất ráng chịu”.

Đỏ mắt tìm chỗ gửi 

 

Chạy khắp thành phố, khó mà tìm ra một chỗ giữ xe có nhận giữ cả mũ bảo hiểm. Bãi giữ xe vỉa hè thì tuyệt nhiên không.

 

Ngay tại các cơ quan, công sở như Sở Giao thông Công chính, Sở Giáo dục Đào tạo, Sở Tài nguyên Môi trường, Thành đoàn TPHCM, Nhà văn hóa Thanh niên… cũng “mũ ai người nấy giữ”, “ai mất ráng chịu” chứ không có chuyện trông xe trông cả mũ.

 

Dọc theo hàng rào bãi trông giữ xe ở các nơi này đều có đính tấm biển mang dòng chữ: “Xin quý khách vui lòng tự bảo quản hành lý cá nhân”, trong số các “hành lý” đó có mũ bảo hiểm.

 

Tại các trường đại học cũng không khá hơn. Bãi giữ xe Trường ĐH KHXH&NV rộng mênh mông, có sức chứa hàng ngàn xe máy nhưng các bác trông xe nhất định không trông giữ MBH; nên chuyện mất mát, đánh tráo vẫn thường xuyên xảy ra. Anh H, giữ xe tại sân thuộc khu C của trường, giải thích: “Bãi giữ xe rộng quá, mà mình không thể lúc nào cũng chăm chăm nhìn quanh để đề phòng những kẻ trộm cắp, đánh tráo được”.

 

Nỗi lòng mũ bảo hiểm!  - 1

Hầu hết các bãi trông giữ xe đều yêu cầu khách tự bảo quản tài sản cá nhân, trong đó có MBH. (Ảnh: T.Nguyên)

 

Tình hình tại bãi giữ xe Thương xá Tax còn tồi tệ hơn. Bãi giữ xe ở đây nằm tại hầm ngầm, rộng hàng ngàn m2 nhưng không có bảo vệ trong bãi, chỉ có bảo vệ trực tại cửa bãi để ghi phiếu giữ xe và thu tiền. Điều kiện ánh sáng không đầy đủ dưới tầng hầm vắng vẻ rất dễ tạo điều kiện cho bọn trộm cắp ra tay.

 

Anh T, bảo vệ tại đây, cho biết: “Chuyện mất cắp thì xảy ra thường xuyên, nhưng hầu hết là ai cũng tự chấp nhận nên cũng ít người phàn nàn”. Anh kể, mới hôm qua có chị H, nhân viên bán hàng trong Thương xá Tax, bị tráo chiếc mũ Honda “xịn” mới mua gần 400 nghìn đồng bằng chiếc mũ bên ngoài y hệt nhưng là đồ đểu, chỉ có giá 40-50 ngàn đồng.

 

Đủ cách “bảo hiểm” cho mũ bảo hiểm

 

Tìm kiếm khắp thành phố, chỉ lác đác vài nơi nhận giữ MBH như bãi giữ xe số 33 Nguyễn Du, Bệnh viện Nhân dân Gia Định… với giá trông là 1-2 nghìn đồng. Không có nơi gửi gắm, người dân đành tự bảo quản tài sản của mình.

 

Nỗi lòng mũ bảo hiểm!  - 2

Điểm gửi xe 33 Nguyễn Du, một trong những chỗ hiếm hoi có nơi trông giữ MBH chuyên nghiệp. (Ảnh: T.Nguyên)

 

Những người đi xe tay ga thì có cốp xe đủ rộng để MBH. Người đi xe số cũng phải sắm thêm chiếc thùng để đồ gắn sau xe, giá 300-400 ngàn đồng, chuyên để chứa mũ. Mũ loại “thường thường bậc trung” thì được treo lúc lỉu bên hông xe, dây cài chặt vào móc dưới yên xe. “Liều” hơn nữa thì treo ngay đầu xe, mất thì đành chịu.

 

Đa số chị em cẩn thận, không có chỗ gửi mũ đành xách theo người. Đi đâu cũng có cái “nồi cơm điện” kè kè bên cạnh, dù “nồi” có đẹp đến mấy cũng cảm thấy ngán, nhất là khi đi chợ, mua sắm, quán xá.

 

Có người cẩn thận còn sắm riêng cho MBH một chiếc khóa để khóa mũ và thân xe. Tuy nhiên, cách này cũng nhiều bất tiện. Vả lại, mũ có móc sắt còn yên tâm, chứ khóa phần dây thì kẻ gian cắt luôn cả dây, lấy đi chiếc mũ.

 

Nỗi lòng mũ bảo hiểm!  - 3

Người đi xe số có thể bảo quản MBH bằng cách treo quai mũ vào hai móc sắt dưới yên xe. (Ảnh: V.N.Dương)

 

Không đủ nhân lực, lượng xe quá nhiều, không có mặt bằng, bất tiện… là những lý do mà các chủ bãi giữ xe thường đưa ra khi được hỏi tại sao không giữ MBH cho khách. Hiếm lắm cũng có những nơi không nhận trông nhưng nhiệt tình hướng dẫn, tạo điều kiện cho khách bảo quản mũ.

 

Như siêu thị Co.op Mark trên Xa lộ Hà Nội, MBH của khách sẽ được nhân viên siêu thị cho vào túi nilon niêm phong lại để khách dễ bảo quản. Hay tại rạp hát Đống Đa, bảo vệ rạp hát sẽ hướng dẫn khách cách treo mũ thế nào để… khó bị lấy trộm nhất.

 

Người dân Huế, hơn 10 ngày nay cũng khốn khổ vì chuyện trông giữ chiếc MBH. Sơn, một sinh viên của trường ĐH Khoa học Huế, trong vòng chưa đầy một tuần đã mất 2 chiếc mũ. Sơn kể, có hôm vừa dựng xe ở vỉa hè vào mua thẻ điện thoại, quay ra mũ đã “không cánh mà bay”. Tiếc của là một chuyện, nhiều khi đi đầu trần còn bị CSGT phạt.

 

Anh Thảo trông xe cho một quán cà phê trên đường Hai Bà Trưng, TP Huế, cho biết: Quán rất đông khách. Ai đến dựng xe xong cũng hỏi: “để MBH ở đây có mất không?”. Anh kể không hiếm trường hợp bị mất mũ, tráo mũ hoặc nhầm lẫn của người này người kia.

 

Người dân bây giờ đi đâu, ngoài nỗi lo mất xe còn thêm nỗi lo mất mũ. Từ ngày MBH đi vào cuộc sống người dân, những kẻ gian lại có thêm một “con mồi” mới để nhắm đến. Nhiều người ngán ngẩm nói vui: “MBH bây giờ, rời ra là mất”.

(Vũ Ngọc Dương)

 

Tùng Nguyên

Dòng sự kiện: Mũ bảo hiểm 2007