1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Nỗ lực khắc phục "chuyện lạ" ở dự án thủy lợi trăm tỷ

Dương Phong

(Dân trí) - Theo chủ đầu tư, toàn bộ dự án thủy lợi chống hạn đã hoàn thành được khoảng 92% khối lượng. Để khắc phục tình trạng thiếu nước, đã chỉ đạo vét kênh dẫn nước về ruộng cho người dân.

Ngày 27/1, ông Nguyễn Quang Hưng, Chánh văn phòng Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Nông (Ban QLDANN) cho biết, đã có báo cáo số 10/BC-BQL về tiến độ thi công và kết quả khắc phục những tồn tại tại dự án Nâng cấp các công trình Thủy lợi phòng chống hạn hán trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Theo Ban QLDANN (Chủ đầu tư), tổng mức đầu tư của dự án trên là 198,5 tỷ đồng trong đó giai đoạn 1 là 166 tỷ đồng, thực hiện đầu tư, nâng cấp, sửa chữa 19 hạng mục công trình gồm hồ chứa, trạm bơm và làm mới 1 trạm bơm. Đến thời điểm hiện tại, đã hoàn thành được khoảng 92% khối lượng công trình.

Nỗ lực khắc phục chuyện lạ ở dự án thủy lợi trăm tỷ - 1
Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đi kiểm tra thực tế công trình sau phản ánh của báo chí

Ngày 16/1, trước những thông tin mà báo chí phản ánh về tình trạng thiếu nước sản xuất trầm trọng tại vùng trọng điểm lương thực của tỉnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên đã đi kiểm tra thực tế.

Tại buổi kiểm tra, ông Yên khẳng định, có bất cập trong thiết kế và vận hành các trạm bơm tại xã Buôn Chóah (huyện Krông Nô), đồng thời yêu cầu các đơn vị liên quan không đùn đẩy trách nhiệm cho nhau mà tập trung khắc phục tình trạng thiếu nước, để sản xuất kịp thời vụ.

Theo chủ đầu tư, bắt đầu từ ngày 26/1, đơn vị này đã mời đơn vị chuyên môn để kiểm tra hiện trường lưu lượng bơm tại các trạm và sẽ báo cáo khi có kết quả.

"Đối với việc kênh tưới bị tràn ở cửa ra và đoạn đầu kênh, thiếu nước ở cuối kênh tại trạm 03 cuối, chủ đầu tư đã chỉ đạo đơn vị thi công dọn dẹp lòng kênh, sửa chữa thành kênh do người dân tự ý đục phá để lấy nước tưới. Chủ đầu tư cũng cử cán bộ thường xuyên phối hợp với đơn vị vận hành để điều tiết nước", báo cáo của Ban QLDANN cho hay.

Nỗ lực khắc phục chuyện lạ ở dự án thủy lợi trăm tỷ - 2
Theo chủ đầu tư, việc thiếu nước một phần là do người dân đục phá kênh dẫn nước

"Việc kiểm tra thành kênh, đáy kênh của tuyến kênh N1 trạm bơm Buôn Chóah đã được tổ chức thực hiện đo đạc bằng các thiết bị kỹ thuật, kết quả cho thấy thành kênh, đáy kênh của tuyến N1 đảm bảo theo thiết kế được phê duyệt", Ban QLDANN tỉnh Đắk Nông thông tin thêm.

Trước đó, ngày 21/1, Ban QLDANN tỉnh Đắk Nông cũng đã có báo cáo sơ bộ về tình trạng thiếu nước tại xã Buôn Chóah mà báo chí phản ánh. Tại báo cáo gửi UBND tỉnh Đắk Nông này, chủ đầu tư cho rằng, công trình đang thi công, chưa bàn giao và mới vận hành thử nghiệm phục vụ nước tưới.

"Chính quyền địa phương chưa thành lập tổ thủy nông nội đồng, chưa phối hợp với Chủ đầu tư, Đơn vị khai thác vận hành để điều tiết nguồn nước cho hiệu quả dẫn đến việc người dân tự ý đục phá thành kênh, dùng đá cản trở để dẫn nước", Ban QLDANN tỉnh Đắk Nông nêu.

Sáng 27/1, anh Ngô Văn Sỹ, trú thôn Ninh Giang, xã Buôn Chóah cho biết, từ sáng sớm anh đã phải ra ruộng để lấy nước tưới. Vì ruộng nằm ở phía cuối kênh nên vẫn thiếu nước để lúa phát triển và phun thuốc bảo vệ thực vật. "Chưa năm nào phải canh từng giọt nước như năm nay", anh Sỹ ngán ngẩm.

Nỗ lực khắc phục chuyện lạ ở dự án thủy lợi trăm tỷ - 3
Đến thời điểm hiện tại, nhiều diện tích lúa của người dân vẫn thiếu nước sản xuất

Như Dân trí đã phản ánh, công trình thủy lợi phòng, chống hạn hán tại Krông Nô có tổng mức đầu tư gần 200 tỷ đồng. Giai đoạn 1, công trình được bố trí 166 tỷ đồng.

Công trình này dự kiến hoàn thành vào ngày 31/12/2020, nhưng sau đó được UBND tỉnh Đắk Nông đồng ý gia hạn đến 31/5/2021. Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Đường Việt tư vấn thiết kế công trình, còn Công ty Cổ phần Xây dựng Đắk Lắk thi công.

Hiện nay, công trình đã đưa vào sử dụng tại một số hạng mục như kênh dẫn nước, trạm bơm số 1, số 3..., nhưng vẫn chưa phát huy hiệu quả. Điều này khiến cho hàng trăm ha đất trên cánh đồng Buôn Chóah thiếu nước trầm trọng và sản xuất vụ đông xuân năm nay bị chậm so với lịch thời vụ.